Mối quan hệ giữa hòa bình và chính trị (Phần 2)

Chỉ có nền chính trị do giai cấp cách mạng đang lên trong xã hội lãnh đạo mới là cơ sở để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, vì nó luôn gắn liền với nhu cầu có được môi trường hòa bình để tiến hành công cuộc cải tạo cách mạng.
anhnhahatlon44-09-46-34-624-1699890461.jpg
Mít tinh tổng khởi nghĩa năm 1945 tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Sự hình thành các nền chính trị thuộc loại hình này có thể bằng con đường chiến tranh hoặc con đường hòa bình, nhưng khi chiến tranh là không tránh khỏi, thì giai cấp lãnh đạo cũng thường tìm mọi con đường, cách thức ưu việt nhất để giảm thiểu tối đa tác hại của nó. Điển hình là sự hình thành nền chính trị vô sản gắn với sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại diễn ra tuy có sử dụng lực lượng vũ trang và nổ súng nhưng rất nhanh chóng và ít tổn hại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam diễn ra một cách hòa bình ngay trong khung cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai, và đó là công cuộc giành chính quyền về tay nhân dân mà không đổ máu.

Do đó, trong quá trình vận hành của nó, nền chính trị tiến bộ luôn là nền tảng của hòa bình, thiết kế nên các phương án, xây dựng các quyết sách, khơi dậy, huy động và quy tụ tất cả các lực lượng vật chất và tinh thần có thể huy động được ở trong nước và quốc tế, cả truyền thống và đương đại để xây dựng môi trường hòa bình và giữ gìn hòa bình. Chính trị sắp xếp lại, tổ chức lại con người, phương tiện cơ sở, vật chất của các tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội ở trong nước, dàn xếp các quan hệ, xoa dịu các mâu thuẫn, hình thành các khối liên minh với các quốc gia, dân tộc, các tổ chức trên thế giới, tạo ra môi trường hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh nổ ra.

Nền chính trị tiến bộ còn cố gắng tìm ra những cơ hội vãn hồi hòa bình ngay trong bối cảnh có nguy cơ chiến tranh. Đặc biệt, đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu, các lực lượng chính trị chống xâm lược muốn giành thắng lợi trong những thời điểm nhạy cảm nhất của vấn đề chiến tranh và hòa bình thời điểm mở đầu hoặc kết thúc chiến tranh - để tạo điều kiện tiếp tục phát triển đất nước thuận lợi, thì nhất thiết phải lấy hòa bình làm nguyên tắc hàng đầu.

Mọi động thái chính trị của các quốc gia, dân tộc, các lực lượng bị áp bức lúc này được tập trung giành chủ động trong thế bị động, khi cần thiết phải biết mềm mỏng trì hoãn, biết đàm phán, biết nhượng bộ có nguyên tắc để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Đặc biệt, thời điểm kết thúc chiến tranh, tái lập hòa bình là thời điểm mà nền chính trị tiến bộ tỏ rõ được sức sống và bản lĩnh của mình nhất. Lựa chọn nền hòa bình nào, chấp nhận những điều kiện nào... để có lợi cho đất nước, dân tộc đều do chính trị quyết định. Đồng thời, thời điểm này cũng là “hòn đá thử vàng” để khẳng định rằng nền chính trị đương thời có thực sự tiến bộ hay không.

Chính trị quyết định đường hướng hòa bình và tổng thể phương thức xây dựng môi trường hòa bình, gìn giữ nền hòa bình để phát triển đất nước. Đến lượt nó, hòa bình tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển chính trị, đặc biệt đối với những nền chính trị tiến bộ đang lên. Giữ được môi trường hòa bình, ổn định và phát triển là một tiêu chí rõ rệt nhất chứng tỏ sức sống của chế độ chính trị.

290418ha36-1699890589.jpg
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng, tháng 5/1975. Ảnh: TTXVN.

Trừ những thế lực chính trị hiếu chiến trong chính sách lãnh đạo đất nước luôn tìm cách gây chiến hoặc kích động bầu không khí chiến tranh nhằm thủ lợi, còn đại đa số nhà nước thường không muốn gần gũi thần Arét, bởi chiến tranh thường gây sự đảo lộn rất lớn đến toàn bộ tư tưởng chính trị, tổ chức chính trị, quan hệ chính trị, thậm chí làm cho giai cấp lãnh đạo buộc phải thay đổi đường lối chính trị, và không ít trường hợp bị hạ bệ khỏi chính trường. Tất nhiên, với nền chính trị yếu kém thì dù trong môi trường hòa bình cũng khó nằm yên hưởng lợi. Song môi trường hòa bình dù sao cũng tạo thuận lợi về mặt thời gian để họ có thể điều chỉnh chính sách, “sửa sai”, cải tổ...

Với tính cách là cuộc đọ sức quyết liệt giữa các bên tham chiến, chiến tranh buộc các chủ thể chính trị phải dốc lực giành thắng lợi và rất dễ đột quỵ. Đó cũng là quá trình các chủ thể chính trị, dù muốn hay không muốn cũng phải phơi bày hết những điểm mạnh, điểm yếu, những ưu thế và khuyết tật của mình. Hoà bình lại khác, nó không những là nguồn bồi bổ bằng liều thuốc thời gian rất hiệu dụng, mà còn là tấm bình phong che chắn cho các kế sách, toan tính chính trị, thậm chí che giấu cả những khuyết tật chết người về chính trị.

Tuy nhiên, với những chế độ chính trị đã không còn sức sống, tính chất phản động đã ăn sâu trong hệ tư tưởng chính trị, trong các tổ chức chính trị, các quan hệ chính trị... thì không cần đến chiến tranh phải ra tay cũng tự sụp đổ. Dẫu sao, cái chết của nền chính trị trong hòa bình sẽ là cái chết êm ái, dễ chấp nhận cho đất nước hơn rất nhiều so với chiến tranh.

Ở phương diện này còn có thể thấy, chính trị như một động lực lớn, đồng thời là đồng minh hết sức quan trọng của các lực lượng cách mạng. Tiến trình chính trị dù thời bình hay thời chiến về bản chất vẫn là cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng giữa các lực lượng chính trị tiến bộ, cách mạng với các lực lượng chính trị phản động. Trong trường hợp lực lượng chính trị phản động nắm quyền lãnh đạo đất nước, môi trường hòa bình vững chắc sẽ tước bỏ hoặc gây vướng víu tối đa cái lợi thế ghê gớm nhất của họ là sử dụng bạo lực vũ trang đàn áp phong trào cách mạng - cái lợi thế mà chỉ có thể phát huy được trong môi trường chiến tranh. Trong trường hợp lực lượng chính trị cách mạng, tiến bộ nắm quyền lãnh đạo đất nước, môi trường hòa bình ổn định cũng khiến các lực lượng phản động đối lập phải chùn tay, trước hết vì thiếu tiếng nói chia sẻ từ trong nước, thứ hai vì thiếu khả năng hậu thuẫn quân sự từ nước ngoài.

Mối quan hệ giữa hòa bình với chính trị còn thể hiện ở sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng. Hoà bình từ giá trị mang tính lý tưởng hầu như “thuần dân sự” ngày càng chuyển hóa thành một phạm trù của chính trị. Các thể chế chính trị, các nền chính trị, các lực lượng chính trị sẽ thiếu hẳn sức sống chính trị một khi lờ đi mục tiêu vì hòa bình trong đường hướng lãnh đạo và phát triển của mình.

Các học thuyết chính trị muốn có sức hấp dẫn lớn thậm chí còn phải đặt mục tiêu vì hòa bình trước khi tuyên ngôn cho lợi ích chính trị của người đề xướng. Trong chiến lược phát triển của các quốc gia, dân tộc, hòa bình luôn được coi như một giá trị chính trị chủ đạo. Ngay cả các lực lượng chính trị có tham vọng bá chủ, bá quyền cũng trước hết phải nhân danh ngọn cờ “bảo vệ hòa bình thế giới”. Thậm chí, các cuộc tiến công xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao gần đây cũng núp dưới chiêu bài hỗ trợ cho “giải pháp hòa bình”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến