Luận bàn về chiến tranh và hòa bình trong Chiến tranh thế giới thứ II (Phần 1)

Nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong Chiến tranh thế giới thứ hai hàm chứa vô số động thái hết sức phức tạp cả về học thuyết quân sự cũng như kế sách chính trị của các nhà nước lớn đương đại, trước hết và tập trung nhất ở hai khối quốc gia đối lập: “phe Trục” phátxít và “phe Đồng minh”.

screenshot-2-1702827323.png

Phe Trục chính thức được thành lập khi Đức, Ý, và Nhật Bản trở thành đồng minh với việc ký Hiệp ước Ba bên ở Béclin (do đó nó còn được gọi là Hiệp ước Béclin). Ảnh: Internet.

 

Chủ nghĩa phátxít do Đức cầm đầu là thủ phạm gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, bản chất thực sự của cuộc đại chiến có thể nói là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại này cho đến nay vẫn cần phải được nghiên cứu rất cẩn trọng.

Xuyên qua hình thái chung của mâu thuẫn chí tử giữa “phe Trục” phátxít với “phe Đồng minh” nhằm mục tiêu chia lại thị trường thế giới, người ta sẽ thấy mâu thuẫn sâu xa giữa hai xu thế lớn của thời đại. Một là, xu thế thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới luôn đi kèm với khát vọng hòa bình (đã thành một phần hiện thực ở Liên Xô) và hai là, xu thế buộc phải tìm kiếm sự tự điều chỉnh để tiếp tục tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa, kể cả chấp nhận sự tự điều chỉnh bằng phương thức gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc.

Chính vì vậy, khi nhìn nhận sự chuyển động đích thực về chiến tranh và hòa bình dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai, cần phải thấy cả hai phương diện cơ bản của nó. Một mặt, đó là do sự trỗi dậy của các đế quốc trẻ Đức, Italia, Nhật, Tây Ban Nha,... gây nên sự đảo lộn trong hệ thống tư bản chủ nghĩa đã đến lúc phải giải quyết bằng bạo lực vũ trang. Mặt khác, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ hy vọng của cả “phe Trục” phátxít cũng như các nước tư bản trong “phe Đồng minh” muốn nhân cơ hội dẹp bỏ Liên bang Xôviết - kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa tư bản thế giới.

Chính các mâu thuẫn này quy định tính phức tạp của việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình, xét trong toàn bộ Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như trong từng cuộc chiến tranh cụ thể. Chẳng hạn như, điều đó sẽ lý giải tại sao “phe Trục” và “phe Đồng minh” không tạm bắt tay nhau để tiến công Liên Xô trước đã. Thậm chí, các nước tư bản già đời và cũng là những tay thực dân siêu hạng như Anh, Pháp, Mỹ,... còn chấp nhận tham gia cùng Liên Xô trong khối Đồng minh chống phátxít.

dao-quan-quan-dong-va-con-ac-mong-cua-ca-dong-a-691-1548175701-width553height38727082022041654-1702827637.jpeg

Đạo quân Quan Đông tại Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Song, cũng chỉ khi Hồng quân Liên Xô đã phản công chiến lược tiến sát Béclin thì Đồng minh mới vội vã mở “mặt trận thứ hai”, và khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt một triệu quân Quan Đông của Nhật thì Mỹ mới vội vã ném xuống Nhật hai quả bom nguyên tử, hòng cố vớt vát danh hiệu "dũng sĩ" tiêu diệt chủ nghĩa phátxít.

Chính tính chất đa mục đích nói trên làm cho việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong Chiến tranh thế giới thứ hai trở nên hết sức phức tạp. Các nước khối phátxít (Đức, Nhật, Italia) coi việc tiến hành chiến tranh có ý nghĩa quyết định để thay đổi cục diện thế giới có lợi cho “phe Trục”. Do vậy, ngay trong khoảng thời bình trước chiến tranh, họ đã dự kiến tiến hành những biện pháp như động viên và triển khai chiến dịch quân sự để tạo bất ngờ, đánh bại chủ lực đối phương trong các chiến dịch đầu tiên, đồng thời dự kiến tiến trình và kết cục chiến tranh có lợi.

Khi biết rằng tiềm lực kinh tế không cho phép mang lại hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến tranh kéo dài, chính phủ các nước khối phátxít đã lấy lý luận chiến tranh tổng lực và “chớp nhoáng” làm cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang cũng như các phương thức sử dụng quân đội trong chiến tranh.

danzig-police-at-polish-border-1939-09-01-1702827129.jpg

Binh lính Đức phá vỡ đường biên giới vào Ba Lan, năm 1939. Ảnh: Internet.

Các tính toán chiến lược ấy đều dựa vào việc lợi dụng một loạt yếu tố để giành thắng lợi, trong đó có hai yếu tố quan trọng hàng đầu: Thứ nhất, chia rẽ về chính trị các đối thủ tiềm tàng, từ đó loại trừ khả năng buộc phải tiến hành chiến tranh đồng thời trên hai mặt trận và bảo đảm điều kiện để đánh bại từng đối thủ một; thứ hai, bí mật chuẩn bị trước các cuộc tiến công, triển khai cuộc chiến nhanh hơn đối phương nhằm bất ngờ đánh đòn đầu tiên.

Các nhà hoạt động chính trị - quân sự của khối quốc gia đối địch, mặc dù có một số luận điểm chính trị - quân sự khác nhau, đều coi trọng tiến hành tác chiến phòng ngự trận địa hoặc phòng ngự cơ động để bảo vệ việc động viên, tập trung và triển khai quân đội. Ngay các nhà lý luận quân sự Xôviết cũng cho rằng, trong quá trình giao chiến ở biên giới mà từ ngày đầu chiến tranh đã có quy mô lớn, thì chủ lực của quân đội các nước bị tiến công cũng sẽ phải hoàn tất việc động viên và triển khai tại các khu vực dự kiến.

Song luận thuyết này cũng lưu ý rằng, lực lượng phòng ngự có thể lâm vào tình thế khó khăn do việc động viên và tập trung quân tại các vùng biên giới có thể bị vỡ kế hoạch. Vấn đề triển khai động viên, sớm đưa các quân khu biên giới vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ và chuyển nền kinh tế đất nước sang thời chiến trong chiến tranh khó có thể được giải quyết một cách triệt để...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến