Hoàn cảnh lịch sử của Hiệp định Giơnevơ năm 1954

Lương Đàm
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã thực hiện “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, từng bước đánh thắng các chiến lược quân sự của thực dân Pháp, giữ vững độc lập dân tộc.
hanoimoicomvn-uploads-images-tuandiep-2022-07-20-gionevo-20072022345678901-1705328031.jpg
Bộ đội Việt Nam tiếp quản các vị trí quân Pháp vừa rút lui tại Hòn Gai, năm 1955. Ảnh: TTXVN

Mở đầu toàn quốc kháng chiến là chiến công thần kỳ của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm giam chân giặc Pháp, tạo thuận lợi để Trung ương và bộ đội chủ lực rút lên chiến khu an toàn. Tiếp đó là những chiến thắng oai hùng của quân và dân ta trong Chiến dịch Thu - Đông 1947 làm phá sản hoàn toàn âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh hòng “diệt Cộng, cầm Hồ” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận đánh lâu dài và từng bước lún sâu vào thế chiến lược bất lợi.

Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn cầm cự với những chiến dịch rộng khắp trên cả nước. Những thắng lợi vang dội trên các chiến trường được nhân lên gấp bội bởi thành công của công cuộc kiến thiết đời sống mới ở vùng tự do, thành công của các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, chia ruộng đất cho dân nghèo, phát triển sản xuất...

Cách mạng thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời trở thành lực lượng định hướng phong trào cách mạng thế giới phát triển ngày càng lên cao. Với Chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi, ta đã nổi thông được với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước anh em, bè bạn. Từ sau năm 1950, nhiều nước trên thế giới đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập, được các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và giúp đỡ về mọi mặt đã góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến bước sang thời kỳ phát triển mới. Từ thế phòng ngự, ta chuyển dần sang thế phản công và tổng phản công, liên tiếp giành thắng lợi trên các mặt trận, đưa đến chiến cục Đông - Xuân 1953-1954 thắng lợi, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Gần chín năm thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ăn cướp và bẩn thỉu ở Đông Dương, nước Pháp đã phải huy động một số lượng lớn nhân lực và chiến phí, các kế hoạch chiến lược, các tướng tài cầm quân đều lần lượt thất bại, cuối cùng buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ' rút quân về nước, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thắng lợi toàn diện ấy của nhân dân Việt Nam là kết quả phát huy chủ nghĩa yêu nước, quyết tâm chống xâm lược, đoàn kết, cố kết cộng đồng, giàu tình nhân ái - những giá trị truyền thống quý báu, nếp sống đẹp của dân tộc Việt Nam và được phát triển lên chất lượng mới qua chín năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng.

hanoimoicomvn-uploads-images-tuandiep-2022-07-20-gionevo-200720223456789012345678901233-1705327920.jpg
Tại Hội nghị Giơnevơ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954. Hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương. Các nước tham gia Hiệp định ra tuyên bố chung cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia; sau hai năm quân đội Pháp sẽ rút khỏi Đông Dương; khi đó mỗi nước tự tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

Nhưng đất nước ta vẫn tạm thời bị chia thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân miền Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khối phục kinh tế, ổn định xã hội, khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ đã từng bước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Miền Bắc vừa đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

hanoimoicomvn-uploads-images-tuandiep-2022-07-20-gionevo-20072022345-1705327920.jpg
Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), theo quy định tại Hiệp định Giơnevơ. Ảnh: TTXVN

Ở miền Nam, ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ đã ép Pháp lập chính phủ bù nhìn Sài Gòn do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới hòng chia cắt lâu dài để thống trị nước ta. Hiệp định không được chúng nghiêm chỉnh thực hiện. Nhân dân miền Nam tạm thời phải sống dưới ách thống trị, đàn áp dã man của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước.

Với chính sách diệt cộng, chúng ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, mặc sức giết hại, giam cầm, tù đày những người cách mạng, người kháng chiến cũ, đảng viên cộng sản, triệt phá các cơ sở cách mạng. Chúng dồn dân lập ấp chiến lược, thực hành “tố Cộng, diệt Cộng”, tìm diệt cơ sở kháng chiến cũ, cán bộ, đảng viên cộng sản đang bám đất, bám dân lãnh đạo đấu tranh. Chúng đã gây ra vô số vụ thảm sát, giết hại hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào ta, bằng súng đạn và cả những chén cơm thuốc độc. Chúng theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược với mưu đồ đè bẹp cách mạng Việt Nam và ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội lan xuống phương Nam.

Chúng lấy nước ta làm nơi thí nghiệm các chiến lược, chiến thuật tác chiến mới và vận dụng vào đàn áp phong trào cách mạng đang trỗi dậy ở các nước mới giành được độc lập dân tộc, các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội còn nhiều yếu kém, phụ thuộc. Song, sự tàn ác của kẻ thù không ngăn nổi làn sóng cách mạng, mà chỉ hun đúc tinh thần yêu nước, chí căm thù và quyết tâm của nhân dân ta đứng lên tiêu diệt chúng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến