
Quả là sau năm 1945, nếu ta hiểu nửa đời phía sau của ông là sau năm 1945 khi ông đã ba mươi sáu tuổi, và ông mất năm 1982, ở tuổi bảy mươi ba - ông, cũng như một số người khác bỗng chuyển sang lập trường phủ định gần như triệt để sự nghiệp viết của mình trước 1945. Nửa sau 1945 này, tiếp nối Nói chuyện thơ kháng chiến ông chỉ chuyên bình Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thơ Tố Hữu. Ông đã viết nhiều bài về Nhật ký trong tù và nói đến hàng nghìn buổi rất say sưa về tập thơ “suốt từ Việt Bắc cho đến thị trấn Năm Căn đầu mũi Cà Mau”. Có thể nói, đối với ông đó là một công việc lớn lao và đầy vui thú, vì ông muốn mọi người nghe thơ có thể qua thơ mà hiểu người, bởi theo ông, với Hồ Chí Minh, thơ và người là nhất trí, và người lớn hơn thơ. Cũng nên nói thêm, trong mối quan hệ thơ và người này, theo Hoài Thanh, không phải lúc nào cũng diễn ra sự nhất trí; và có lúc ông đã bỏ qua, đã bất chấp chuyện người mà chỉ nghĩ đến thơ: “Có người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa. Họ phủ phàng, họ nhỏ nhen... Nhưng thôi (...) phần sâu sắc nhất trong tâm hồn, họ đã ghi lại trong những vần thơ đẹp”. Với Tố Hữu, ông viết không bỏ sót bất cứ tập thơ nào đã in, bởi các giá trị đặc sắc của thơ, và bởi không phải vì tác giả mà vì sự nghiệp cách mạng. “Tố Hữu là nhà thơ từ sau Cách mạng tôi được gần nhiều nhất. Nên tôi muốn viết về thơ anh để góp sức đưa thơ anh càng đi sâu vào người đọc vì lợi ích của cách mạng và của văn học cách mạng”. Ông muốn mọi người sống theo lý tưởng và tình cảm mà nhà thơ lớn này theo đuổi. “Người ngồi trên” đúng là như vậy. Và “cái kiểu bình như thế - theo ông nói - cũng rất dễ bị xem là muốn nịnh hót gì đây”. Nói cho đúng, ngoài Hồ Chí Minh và Tố Hữu, ông cũng có quan tâm một số đối tượng khác, nhưng là ít và đều có lý do cụ thể. Đó là Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân - những người viết từ tiền tuyến lớn, nói tiếng nói của nhân dân miền Nam. Đó là Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Cảnh Trà, lớp các cây bút trẻ “có nhiều triển vọng”.
Như vậy là có một sự thay đổi rất lớn trong quan niệm và trong hoạt động nghề nghiệp ở Hoài Thanh so với thời gian trước năm 1945, là những năm ông chỉ chuyên tập trung theo dõi phong trào Thơ mới; và quyển sách duy nhất về phê bình ông viết là sự hội tụ chân dung bốn mươi lăm nhà thơ. Họ là những người đồng thời với ông, và ông đã nói đến họ thỉnh thoảng với chữ Người viết hoa hoặc thi nhân. Trong họ có người nổi tiếng, nhưng cũng có người bình thường, hoặc do nhờ vào phát hiện của ông mà họ được chú ý.
Và cũng đúng là sự thật, việc ông ít theo dõi về họ - những nhà Thơ mới, thuộc đội ngũ “tiền chiến”, ngay từ sau năm 1945, mặc dầu, theo tôi nghĩ không phải ông không hiểu về họ.
Nhưng ông lại không viết. Đó cũng là hiện tượng khiến ta ngạc nhiên. Tìm hiểu nó tôi nghĩ không chỉ để hiểu Hoài hơn trong sự phát triển của nền phê bình văn học Việt Nam trước và sau năm 1945. Nhìn lại chặng đường dài trong công việc phê bình mà Hoài Thanh vẫn thủy chung theo đuổi từ sau năm 1945 đến năm 1982, ta thấy cuốn sách mở đầu của ông là Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) và cuốn sách kết thúc của ông là Phan Bội Châu (1978). Một là những tên tuổi vô danh trong một phong trào sáng tác bỗng có sức hấp dẫn rất bất ngờ đối với ông, và một là đại thụ văn thơ cách mạng ở phần đầu thế kỷ mà tên tuổi đã là niềm ngưỡng mộ của ông từ tuổi thơ. Như vậy nếu có một tác gia thế kỷ XX được Hoài Thanh quan tâm cần nhắc thêm Phan Bội Châu; không kể văn học cổ điển với đỉnh cao là Truyện Kiều vốn đã sớm tạo nên một cảm hứng say mê không lúc nào đứt đoạn, xuyên suốt đời văn của ông trước và sau năm 1945.
Truyện Kiều, riêng Truyện Kiều là đối tượng ông giữ được quyền yêu để được yêu liền mạch, trước và sau năm 1945. Còn Thơ mới, đã bị ông “cắt đứt” ngay, với những phủ định gay gắt suốt hơn ba mươi năm!
Trở lại câu chuyện “người ngồi trên”, theo Xuân Sách, kể cũng đúng. Bởi, thứ nhất đó là vị lãnh tụ lớn nhất của dân tộc; và thứ hai, là người vừa có vị trí cao trên trường chính trị lại cũng là người có cương vị phụ trách cao nhất, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong giới văn chương - nghệ thuật.
Nhưng nếu chỉ thu hẹp trong phạm vi hoạt động văn chương - nghệ thuật thì những “người ngồi trên” trong giới nghề nghiệp quả ít có mặt trong sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh sau 1945. Như vậy bảo ông là “nịnh” thì cũng không thật phải lẽ. Bởi, theo tôi hiểu, chính việc đó đã gây cho ông “khối chuyện phiền”. Thậm chí còn “bị vu cáo, bị nói oan”. Phiền, nhưng ông cũng không quá bận tâm cho sự giải phiền. Nghĩa là ông vẫn giữ cho mình được là mình. Cũng như trước 1945, trong Nhỏ to của Thi nhân Việt Nam, ông cũng bất chấp mọi phiền hà để chỉ viết theo tạng của mình - “âu là tôi chỉ chiều tôi vậy”.
Vậy là cả trước và sau 1945, Hoài Thanh vẫn cứ là Hoài Thanh, người viết theo một quan niệm riêng và cái tạng riêng của mình. Quan niệm thay đổi, đối tượng quan tâm cũng thay đổi. Trước năm 1945, trong chật hẹp của văn học công khai, ông chỉ viết về Thơ mới; sau năm 1945, do sự phát triển rộng rãi, nhiều mặt của phong trào thơ, nhịp theo sự phát triển của cách mạng, ông đành tập trung sự quan tâm vào một vài khu vực mà ông cho là quan trọng. Một hợp tuyển mới về thơ sau năm 1945, việc đó là cần thiết, nhưng quả một khối lượng quá ư đồ sộ, và thường là việc của nhiều người, nhiều tập thể, đoàn thể, ông không muốn và cũng chưa thể làm. Do vậy mà sự trống thiếu một vài khu vực quan trọng nào đó của phong trào thơ cũng là chuyện có thể hiểu và thông cảm với ông.
Ý định làm một tuyển thơ sau năm 1945 theo kiểu Thi nhân Việt Nam, tuy vậy cũng đã nhiều dịp đến với ông, như được ghi trong thư gởi một vị phụ trách công tác văn nghệ vào giữa năm 1977 khi ông mới về hưu, vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh; và trong bản giám định Tuyển tập Hoài Thanh ông gửi cho Nhà xuất bản Văn học năm 1982. Vậy là cái việc ông đã không làm, do chưa thể hoặc chưa muốn, khi còn sức và “đương chức” thì mãi sau khi nghỉ hưu, có tuổi và lắm bệnh tật ông mới lại thấy muốn làm và cần làm. Nhưng ngoài khó khăn kinh phí, phương tiện còn biết bao là khó khăn khác khiến ông không thể làm được. Cái việc người đọc kỳ vọng vào ông trước đây, bây giờ ông lại không thể là người được kỳ vọng. Thời làm Thi nhân Việt Nam, ông ở tuổi hai mươi và ba mươi, ấy là một tuổi sung sức và say mê. Sau năm 1945, khi “nói chuyện thơ kháng chiến” ông cũng còn ở thời sung sức. Còn bây giờ... Trở lại hai câu thơ của Xuân Sách:
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Vậy oan là có. Và oan, với ông là đi cùng với ác. Ác, vì nếu đúng thì đó là câu nhận xét vào nhân cách con người. Kẻ Sĩ - người trí thức, hoặc mang danh là trí thức cần phải đủ hai phương diện: tri thức và nhân cách. Tri thức là cần, nhân cách càng cần hơn. Hướng vào nhân cách, đó là một cách điểm đúng huyệt đối tượng. Vị “người ngồi trên” là nịnh. Là để mưu một lợi ích gì đó. Khối người trong đời đều khó tránh chuyện đó, và do vậy cũng là nhược điểm dễ bỏ qua; nói như Vũ Trọng Phụng hãy thông cảm cho cái “chỗ yếu của lòng người”. Nhưng đó là nói chuyện người bình thường. Còn những người đã có danh vị; đã được định vị một cách công khai, tức là đã có tên, có danh thì lại là chuyện khác. Nó trúng vào nhân cách, khiến cho bao là con mắt nhìn vào. Ông “đau” cũng là phải. Sách, ông chỉ “đau” vì câu thứ hai. Còn các câu
Tiếp nhận bài thơ của Xuân khác, không thấy ông nói hoặc anh Từ Sơn kể:
“Thi nhân”, còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau.
Thì đúng thế. Ông đã xua đuổi nó suốt từ 1951 đến 1982.
Theo tôi nghĩ, đây cũng là một phương diện của nỗi đau, nếu không là bi kịch của nghề nghiệp, mà Hoài Thanh đã phải trải nghiệm và chịu đựng. Nói là nỗi đau và bi kịch vì ông không hề là người cơ hội. Nếu đã là cơ hội thì chẳng có chuyện đau. Không cơ hội có nghĩa là ông đã trung thực đến cùng với chính mình, với mọi quan niệm và chủ kiến của mình. Một sự trung thực rất cần thiết cho người viết chân chính, và với sự trung thực đó mà có khi họ bỗng trở thành nạn nhân - nạn nhân của thời cuộc khách quan hoặc nạn nhân của chính mình, cả hai, tránh sao khỏi được? Trong Hội thảo khoa học năm 1992, kỷ niệm năm mươi năm Thi nhân Việt Nam, do Viện Văn học phối hợp với năm cơ quan cùng tổ chức, tôi đã có dịp trình bày ý nghĩ này trong bản Báo cáo để dẫn: “Có thể nói mà không phân vân: ông đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; và ông cũng đã chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và Thi nhân Việt Nam khi đã nhận ra một chân lý nào đó. Có điều chân lý ông tìm ra có khớp được với chân lý khách quan của cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta, cũng như rộng ra khỏi chúng ta”.
Những ngày cuối đời, khi vào nghỉ hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông có tâm trạng buồn. Buồn vì sức khỏe. Vì xa công việc. Vì muốn làm việc, muốn sống cổ ích mà không có việc. Tâm trạng này ông gửi gắm vào thư từ gửi các con và bè bạn; và một đôi khi, cả vài nơi cần gửi, để mong tìm một việc làm, hoặc một khoản trợ cấp chính đáng. Nhưng ngoài cái buồn vì sức khỏe và công việc còn cái buồn về nhân tình thế thái. Chẳng hạn thư đi thư lại cho một địa chỉ đến ba lần trong nửa năm mà vẫn không có hồi âm. Cái địa chỉ, đối với ông vốn là rất quen biết; còn với người nhận thì tuy bận “trăm công nghìn việc”, nhưng lại có cả một hệ thống người giúp việc. Thư cuối cùng, sau ba thư đã gửi, ông đành chỉ để nói lại chuyện đó: “... Các anh đều có thư ký riêng. Sao các anh không giao trách nhiệm cho thư ký? Nếu thư ký thứ nhất cũng bận không trả lời được thì thư ký thứ hai, thứ ba trả lời”... Hoặc việc làm hợp tuyển thơ sau năm 1945 ông đã có thư, ngay từ giữa năm 1977, với năm đề nghị cụ thể gởi tới nhiều người, nhiều cơ quan nhưng không nơi nào trả lời.
Những chuyện buồn như vậy đã đến với ông hơi sớm, khi vừa vào tuổi nghỉ hưu; - có lẽ cũng là chuyện quen thuộc với nhiều người; một người từng trải như ông chắc là biết, nhưng vẫn làm ông sửng sốt.
Hoài Thanh trong quá trình hơn năm mươi năm nghề nghiệp, tính từ những bài viết đầu tiên của ông trên Le Peuple, Phổ thông, Sông Hương, Tràng An, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tao đàn,... những năm ba mươi đến Tuyển tập năm 1982 là một chân dung với những chuyển đổi, thăng trầm, gấp khúc, và... ổn định như vậy. Người chủ trương chuyên đi tìm cái hay để bình, chứ không phê; và bình với lối viết nhỏ nhẹ, tinh tế và tài hoa, đầy chất văn lại là người đã trải những sóng gió bên trong, thậm chí là những phủ định bản thân gay gắt, quyết liệt. Cũng là người đã phải chịu những áp lực bên ngoài, dẫu là vô hình và âm thầm, nhưng không thể nói là dễ chịu; và ông đã chịu đựng được trong một kiên tâm không dễ dãi. Cũng có thể hình dung ông là người kiên trì con đường đi tìm chân lý trong văn chương - học thuật; chân lý đó trong thế kỷ XX đầy những sự kiện, những biến động, những đổi thay, những cách mạng... là không dễ dàng tìm kiếm, và do vậy mà không thể dứt điểm một lần. Với Hoài Thanh, thật đúng cái định nghĩa: chân lý, kể cả chân lý trong văn chương - học thuật là cả một quá trình. Quá trình của khách quan, thông qua kinh nghiệm chủ quan. Một chủ quan không chút dễ dãi mà phải trải bao trăn trở kiếm tìm. Có điều cuối cùng, trong kiếm tìm, Hoài Thanh đã không tự đánh mất bản thân, và ông vẫn là ông.