Các cuộc chiến tranh thời mở nước ở Việt Nam thời đại phong kiến (Phần 1)

Lương Đàm
Thời mở nước, theo Việt sử lược, bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã phải liên tục đối phó với mối đe dọa ngoại xâm. Truyền thuyết dân gian đã phản ánh các cuộc chiến đấu chống “giặc Man”, “giặc Hồ Tôn”, “giặc Hồ Xương”, “giặc Mũi Đỏ”, “giặc Thục”, “giặc Hồ - Quảng”.
giong-6-1580911613-675-width330height219-1703690212.png
Bản anh hùng ca Thánh Gióng phản ánh những hoạt động giữ nước đầu tiên của người Việt. Ảnh: Internet

Truyền thuyết Thánh Gióng chống giặc Ân là một điển hình. Đời Hùng Vương thứ sáu, nước ta bị giặc Ân xâm lược, vua sai sứ giả đi tìm người tài giúp nước. Tại làng Gióng (hương Phù Đổng, Tiên Du), có cậu bé đã 3 tuổi vẫn chưa biết nói cười, nghe tiếng rao cầu người tài, cậu bỗng nói với sứ giả xin vua ban cho ngựa sắt và roi sắt để đánh giặc. Sứ đi khỏi, cậu ăn rất khoẻ; dân làng cùng đem cơm cà đến góp. Khi ngựa sắt và roi sắt đúc xong, cậu vươn người thành chàng trai cao lớn, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận.

Những người đang làm đồng cũng vác dao, cuốc, vồ... chạy theo giúp sức. Khi xung trận, roi sắt gãy, cậu nhổ tre vụt xuống đầu giặc. Phá xong giặc, cậu quay ngựa về núi Sóc rồi bay lên trời, không màng đến danh lợi trần thế. Bản anh hùng ca Thánh Gióng phản ánh những hoạt động giữ nước đầu tiên của cư dân Văn Lang, đồng thời là biểu tượng đầu tiên về văn hóa quân sự – hòa bình của Việt Nam trong lịch sử.

Sử ký Tư Mã Thiên của Trung Quốc cũng ghi lại: sau khi thống nhất Trung Hoa năm 221 trước Công nguyên, nhà Tần sai Đồ Thư mang 50 vạn binh đánh vào đất Việt, nhưng người Việt đều chạy vào rừng, không chịu để bị bắt, rồi lợi dụng địa hình hiểm trở để ban đêm ra đánh tiêu hao quân Tần, nhằm khi quân Tần rơi vào tình thế nguy khốn thì họ phản công, giết được Đồ Thư. Rõ ràng, cuộc kháng chiến chống Tần là một trong những hoạt động giữ nước nổi bật của người Việt đã được ghi nhận trong cứ liệu sử học.

Và điều đáng chú ý là chiến công này liên quan tới truyền thuyết về sự kiện mất nước của Hùng Vương thứ 18 diễn ra trước đó. Theo truyền thuyết, hoặc là Thục Phán đánh đổ Hùng Vương để cướp ngôi, và Hùng Vương thất bại do cậy mạnh, không phòng bị; hoặc là Hùng Vương đã nhường ngôi cho Thục Phán để dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Tần. Từ truyền thuyết này cũng có thể rút ra bài học về thiếu cảnh giác dẫn đến mất nước của Hùng Vương thứ 18, song quan trọng hơn là vấn đề đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung của hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt có căn cốt từ tâm thức hòa hợp, hòa bình, song cũng sẵn sàng đối đầu với thử thách chiến tranh.

nhipsonghanoihanoimoicomvn-uploads-images-phananh-2023-01-19-nothan1-1703690482.jpg
Truyền thuyết An Dương Vương gắn liền với hình tượng vũ khí nỏ thần. Ảnh: Internet

Tên nước Âu Lạc do Thục An Dương Vương đặt sau khi lên ngôi đã phản ánh sự hòa hợp, liên kết chặt chẽ hai thành phần Âu Việt và Lạc Việt trở thành một cộng đồng mới lớn hơn về số dân và đất đai. An Dương Vương đã cho xây dựng kinh đô mới là thành Cổ Loa. Theo di tích còn lại, ngoài một số luỹ và ụ đất được đắp phía ngoài như công trình tự vệ phía trước, có ba vòng thành chính khép kín hình xoáy ốc, đều có ngoại hào nối liền với sông Hoàng tạo thành mạng lưới đường thuỷ tiện lợi.

Các cửa thành nối với nhau bằng những con đường quanh co, hai bên đắp các ụ đất phòng ngự rất chắc chắn. Mé ngoài tường thành dựng đứng, mé trong lại thoai thoải, rất thuận tiện cho quân sĩ phòng ngự, đồng thời cũng là căn cứ xuất phát tiến công. Như vậy, thành Cổ Loa trước hết là một quân thành - một công trình phòng thủ đặc biệt, đồng thời là kinh thành của nhà nước Âu Lạc. Thành công trong xây dựng thành Cổ Loa phản ánh ý thức quốc phòng và quyết tâm giữ nước rất cao của người Việt nhằm bảo vệ bộ máy đầu não của đất nước, bảo vệ sản xuất và một số lượng dân cư quan trọng cư trú tại trung tâm lãnh thổ, đồng thời biểu thị tài năng sáng tạo và nghệ thuật quân sự tài giỏi của quân dân Âu Lạc trong điều kiện chiến tranh bạch khí lúc bấy giờ.

Thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ điều đó qua nghệ thuật giữ thành chống quân xâm lược Triệu Đà năm 183 trước Công nguyên. Quân Âu Lạc rất mạnh, được huấn luyện chu đáo, thạo thuỷ chiến, lại làm được nỏ liên châu và có thành Cổ Loa kiên cố, nên quân Triệu Đà chỉ tiến được đến núi Tiên Du (Bắc Ninh), bị quân ta từ Cổ Loa ra đánh, Triệu Đà thua chạy rồi xin giảng hoà. Rõ ràng, thành Cổ Loa đã phát huy được tác dụng góp phần bẻ gãy các cuộc tiến công của kẻ thù.

Tuy nhiên, năm 179 trước Công nguyên, sự thất thủ thành Cổ Loa đã để lại cho người Việt bài học sâu sắc về tinh thần cảnh giác, nhất là trong điều kiện hòa bình. Về sự kiện này, các sách sử tuy có vài chi tiết khác nhau, nhưng đại thể đều chép rằng: biết không thể thắng An Dương Vương bằng quân sự, Triệu Đà xin giảng hòa và cầu hôn công chúa Mỵ Châu cho con là Trọng Thuỷ. Trọng Thuỷ xin sang ở rể tại Cổ Loa rồi tìm cách chia rẽ, ly gián nội bộ triều đình, điều tra tình hình bố phòng và đánh cắp bí mật quân sự (xem trộm nỏ thần, đổi lẫy nỏ móng rùa vàng bằng lẫy thường...). Thừa cơ, Triệu Đà bất ngờ đánh thẳng vào Cổ Loa. An Dương Vương thất bại, nước ta bị rơi vào thảm họa của hơn một nghìn năm Bắc thuộc, không phải do chiến tranh xâm lược mà là do “diễn biến hòa bình” của kẻ thù.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến