
Không ít học sinh ngày nay bước vào tiết học Ngữ văn với tâm trạng nặng nề. Khác xa với hình ảnh háo hức đọc một cuốn tiểu thuyết hay, hay cùng nhau bàn tán sôi nổi về một bộ phim mới, các em lại cảm thấy bối rối khi đối diện với một đề văn nghị luận. Viết một đoạn văn rõ ý, trọn vẹn, thậm chí là đúng chính tả, trở thành một thử thách thực sự. Tình trạng học sinh “sợ viết” đang ngày càng phổ biến. Nhiều em chọn cách im lặng khi phải phát biểu cảm nghĩ, không ít bạn trẻ tốt nghiệp THPT vẫn chưa biết viết một lá đơn xin việc đúng chuẩn. Điều này cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa việc dạy và nhu cầu thực tiễn của kỹ năng viết.
Tình trạng học sinh yếu kém về ngôn ngữ không phải chỉ xuất phát từ phía các em. Quá trình dạy học hiện nay dường như đang thiên lệch khi dành phần lớn thời gian vào phân tích nội dung văn bản, trong khi kỹ năng diễn đạt, trình bày – những yếu tố then chốt của việc viết – lại bị xem nhẹ. Thêm vào đó, áp lực từ việc “dạy để thi” khiến giáo viên không đủ thời gian đầu tư cho từng lỗi sai nhỏ. Bài làm của học sinh ít khi được sửa chữa chi tiết, dẫn đến việc lặp lại lỗi từ năm này qua năm khác. Trong khi đó, các quy định trừ điểm cho lỗi chính tả, trình bày trong đề thi vẫn còn quá nhẹ, thiếu sức răn đe và không phản ánh đúng tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng Việt chuẩn mực.
Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn được định hướng phát triển năng lực thông qua bốn kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe. Đây là lần đầu tiên việc kiểm tra đánh giá không còn dựa vào việc học thuộc văn mẫu, mà tập trung vào khả năng cảm thụ, phân tích và viết sáng tạo. PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 – cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử dạy học Ngữ văn, chương trình được xây dựng theo trục phát triển năng lực, trong đó các hoạt động giao tiếp trở thành trọng tâm xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Theo ông, chương trình mới không chỉ khắc phục tình trạng học sinh học thuộc lòng văn mẫu mà còn tạo điều kiện để phát huy tư duy độc lập, sáng tạo.
Thay vì áp đặt các tác phẩm cố định, giáo viên được tự do lựa chọn văn bản giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh và bối cảnh địa phương. Những đổi mới này mang lại cơ hội lớn để môn Văn thoát khỏi lối mòn cũ kỹ, nhưng cũng đòi hỏi người dạy phải thay đổi phương pháp tiếp cận, tổ chức hoạt động học tập linh hoạt hơn. PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh rằng, giáo viên buộc phải chuyển từ giảng giải sang tổ chức cho học sinh thực hành, qua đó hình thành kỹ năng một cách thực chất. Đây là điểm mấu chốt để người học tiếp cận văn học bằng trải nghiệm, chứ không còn là sự áp đặt tư duy có sẵn.
Điều quan trọng là học sinh không còn đoán đề, học tủ, mà buộc phải rèn luyện kỹ năng thực sự. Bài thi không còn dùng lại văn bản trong sách giáo khoa, mà yêu cầu học sinh viết phản hồi, nghị luận từ ngữ liệu mới, đòi hỏi tư duy độc lập và khả năng viết mạch lạc. Một trong những điểm đột phá đang được kỳ vọng là cải tiến trong cách chấm điểm và hướng dẫn chấm bài. Thay vì chỉ đếm ý để cho điểm, giáo viên cần đánh giá toàn diện cả nội dung và hình thức: ý tưởng rõ ràng, cách viết mạch lạc, câu văn sáng sủa, ít lỗi chính tả.
Cần mạnh tay với những lỗi diễn đạt cẩu thả, sai từ, sai ngữ pháp – vì đó là biểu hiện của sự thiếu đầu tư và không tôn trọng ngôn ngữ. Bài viết mắc trên 10 lỗi cơ bản không thể được xem là “đạt yêu cầu”, dù ý tưởng có hay đến đâu. Hành động này không nhằm làm khó học sinh, mà là giúp các em nhận ra rằng: ngôn ngữ là phương tiện, là công cụ tư duy, chứ không chỉ là bài thi cho xong.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là trách nhiệm của giáo viên Ngữ văn, mà còn là sứ mệnh của cả nền giáo dục. Những gì học sinh viết hôm nay sẽ phản ánh cách chúng tư duy, ứng xử trong cuộc sống ngày mai. Một xã hội với thế hệ trẻ nói và viết rõ ràng, mạch lạc là một xã hội có khả năng đối thoại, thấu hiểu và đồng cảm.
Muốn làm được điều đó, môn Văn cần được đặt lại đúng vị trí: không phải là nơi thuộc lòng văn mẫu, mà là không gian nuôi dưỡng tư duy, ngôn ngữ và nhân cách. Đổi mới chương trình chỉ là điều kiện đủ. Điều kiện cần là thái độ nghiêm túc, đổi mới thật sự từ giáo viên, học sinh và cả những người làm giáo dục.