Tạo nên sự gắn bó thống nhất giữa giai cấp lãnh đạo với các tầng lớp nhân dân vừa là xây dựng được một trong những nội dung quan trọng nhất cấu thành tiềm lực chính trị - tinh thần, vừa là tiền đề, cơ sở không thiếu để phát triển tiềm lực chính trị - tinh thần theo chiều sâu. Đương nhiên, mức độ gắn bó giữa giai cấp, tầng lớp lãnh đạo xã hội với quần chúng nhân dân luôn phụ thuộc rất lớn vào bản chất và sức sống của chế độ chính trị - xã hội trong bối cảnh lịch sử của mỗi thời đại. Xét về nguồn gốc, bản chất chế độ chính trị - xã hội ở nước ta trong bối cảnh xu hướng phát triển tương đối bình ổn của thế giới đương đại, có thể thấy việc huy động toàn thể nhân dân vào công cuộc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng toàn dân, cũng như khả năng động viên chính trị - tinh thần ngay trong chiến tranh nếu xảy ra, là vấn đề hoàn toàn khả thi, tất nhiên phải trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.
Xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội có vai trò to lớn đối với sức mạnh quân sự quốc gia nói chung, cũng như sức sống của một đất nước trong chiến tranh nói riêng. Đó là cơ sở vật chất - xã hội làm hậu thuẫn cho toàn bộ hoạt động tư tưởng, tổ chức quân sự của bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước; là cơ sở để tạo nên sự thống nhất và ổn định xã hội, củng cố niềm tin và ý chí quyết thắng; là tiền đề để phát triển nền khoa học quốc phòng vững mạnh; là nhân tố vật chất bảo đảm cho sự phát triển và chiến thắng của quân đội. Xã hội càng phát triển, chiến tranh càng hiện đại thì tiềm lực kinh tế - xã hội càng đóng vai trò to lớn.
Do vậy, vấn đề xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thật sự năng động, phát triển bền vững... không chỉ là nhu cầu chung của sự phát triển đất nước, mà còn là nhu cầu nội tại của việc tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia, nhất là trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, quá trình xây dựng và phát triển tiềm lực kinh tế - xã hội của một quốc gia không thể chỉ dựa vào các tiềm năng sẵn có về tài nguyên, nhân lực, vật lực..., mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tổ chức, quản lý và huy động các nguồn lực đó của nhà lãnh đạo đất nước. Trong đó, đường hướng, quan điểm, cơ chế, chính sách và các hoạt động thực tiễn liên quan của thể chế chính trị đóng vai trò quyết định.
Xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội của nền quốc phòng ở nước ta hướng tới đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình cần được tiến hành chặt chẽ ở cả hai phương diện cơ bản có sự kết nối chặt chẽ với nhau: Phương diện kinh tế và phương diện xã hội. Về phương diện kinh tế, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ của các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với việc triển khai các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ trước và nhất là từ khi chiến tranh bắt đầu xảy ra. Đó là chuẩn bị chu đáo cho khả năng chuyển toàn bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nền kinh tế, sang điều kiện thời chiến, đồng thời được duy trì và phát triển không ngừng, không bị đứt đoạn, xuyên qua các thời đoạn đầy thử thách của cuộc chiến tranh. Về phương diện xã hội, đó là chuẩn bị mọi tiền đề, cơ sở cần thiết để cho Đảng và Nhà nước có thể huy động và phát huy cao độ mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội và nhất là nguồn lực con người cho nhu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh. Đó là giữ vững sự ổn định về thể chế và kết cấu xã hội, truyền thống cộng đồng, kỷ cương, đạo lý, đời sống xã hội của người dân trong điều kiện chuyển đất nước sang chiến tranh...
Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ có vai trò rất to lớn đối với sức mạnh quân sự quốc gia, cung cấp cơ sở lý luận cho sự phát triển của hệ thống tiềm lực và toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung. Nó thâm nhập các tiềm lực, giúp cho sự tác động qua lại của các tiềm lực được tăng cường nhờ được luận giải nhận thức một cách duy lý. Mặt khác, trình độ công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự cho phép tối ưu hóa hệ động lực thúc đẩy các tiềm lực quốc phòng khác phát triển hợp quy luật. Đồng thời, tiềm lực khoa học - công nghệ còn góp phần nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các tiềm lực cũng như toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung. Riêng đối với lực lượng vũ trang, tiềm lực khoa học - công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các khoa học quân sự (bao gồm khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học y - dược quân sự...), từ đó tạo khả năng vận hành tối ưu đối với cơ cấu tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang, nhất là công tác chỉ huy và quản lý bộ đội.
Theo đó, vấn đề xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng, cũng như xác lập hệ thống cơ chế tối ưu cho phép huy động mọi thành tựu khoa học và công nghệ của đất nước nói chung vào thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng cũng như mức độ động viên khoa học - công nghệ nói chung phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chiến tranh, như thực tế lịch sử cho thấy, phụ thuộc trực tiếp vào mục đích, tính chất của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và của cuộc chiến tranh, vào bản chất chế độ xã hội và trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước.