Nói đến bảo vệ Tổ quốc tất nhiên là phải nói đến bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực. Nhưng việc bảo vệ các mục tiêu đó không thể tách rời nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành và nhân dân làm chủ là các nhân tố giữ vai trò quyết định nhất mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Ngày nay, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đã đổi khác rất nhiều, bằng các biện pháp “phi quân sự” là chủ yếu, tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo lạo lật đổ, với mục tiêu hàng đầu là nhằm vào Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân ta, tạo ra quá trình “tự diễn biến” theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng vừa chuẩn bị những giải pháp quân sự và tìm nguyên cớ gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn từ bên ngoài, vừa đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên trong nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điêu hành của Nhà nước. Do vậy, thực hiện các giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay phải gắn chặt với lý luận và thực tiễn nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ sơn hà với duy trì xã tắc.
Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần là cơ sở quan trọng hàng đầu để xây dựng sức mạnh quân sự quốc gia, vừa thể hiện bản chất giai cấp vừa giữ vai trò chủ đạo định hướng sự vận động, phát triển sức mạnh quân sự quốc gia nói chung cũng như sự vận động, phát triển các tiềm lực khác trong sức mạnh quân sự quốc gia. Riêng đối với bối cảnh chiến tranh, tiềm lực chính trị - tinh thần thể hiện vai trò nổi trội của nó trên các mặt chủ yếu như: Số lượng và chất lượng nguồn lực con người có thể động viên đáp ứng nhu cầu chiến tranh; khả năng, kinh nghiệm của người cầm quyền trong việc giải quyết các nhiệm vụ của chiến tranh; trình độ nhận thức, mức độ sẵn sàng và ý chí, bản lĩnh của quần chúng, nhất là bộ đội, khi đối mặt với các tình huống của chiến tranh.
Từ tầm quan trọng đặc biệt của tiềm lực chính trị - tinh thần đối với nền quân sự, quốc phòng gắn với nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình, có thể thấy việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần là vấn đề cần thiết hàng đầu. Thực tế lịch sử cho thấy, trong mỗi cuộc chiến tranh, sức sống của toàn bộ đất nước và chế độ chính trị, trước hết là vượt qua được thử thách khốc liệt của chiến tranh, phụ thuộc rất lớn vào tiềm lực chính trị - tinh thần đã được chuẩn bị. Song đến lượt nó, việc động viên tiềm lực chính trị - tinh thần vào mỗi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng lại phụ thuộc trực tiếp vào mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh và nhiệm vụ quân sự, phòng thủ đất nước cần được tiến hành, vào bản chất chế độ chính trị - xã hội, vào năng lực lãnh đạo của chính đảng và phương cách quản lý của nhà nước, vào trình độ dân trí, văn hoá, quan niệm đạo lý của người dân đối với chiến tranh và hòa bình...
Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng ở nước ta hướng tới đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình cần được tiến hành chặt chẽ ở cả hai phương diện cơ bản có sự gắn kết chặt chẽ với nhau: phương diện chính trị và phương diện tinh thần. Về phương diện chính trị, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ của cơ cấu xã hội - giai cấp đối với việc triển khai các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra; duy trì được sự kiên định và khả năng lãnh đạo lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đường hướng chiến lược tiến hành chiến tranh... của Đảng và Nhà nước đối với toàn xã hội; khơi dậy và phát huy cao độ khả năng đoàn kết và tính tích cực chính trị của quần chúng nhân dân trước các tình huống chiến tranh. Về phương diện tinh thần, đó là giữ vững ý chí, bản lĩnh của chế độ chính trị và hệ tư tưởng chính thống; bảo đảm uy tín của hệ thống chính sách đối nội, đối ngoại quốc phòng, duy trì trạng thái đất nước trong điều kiện chuyển sang chiến tranh; ổn định nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý... của quân và dân trước các nhiệm vụ đặt ra trong chiến tranh.
Cơ cấu xã hội - giai cấp, bao gồm các giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội cùng những mối quan hệ qua lại, hợp thành chỉnh thể, luôn giữ vai trò đặc biệt trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng và nhu cầu chiến tranh. Cơ cấu đó vừa là cơ sở xã hội để Đảng và Nhà nước tổ chức xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần có sự thống nhất cao giữa ý chí của giai cấp thống trị với nguyện vọng, lợi ích chính trị của nhân dân, vừa là tiêu chí quan trọng nhất để hướng toàn bộ sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ hoạt động chính trị của quần chúng nhân dân vào việc xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần sâu rộng thời bình, đồng thời có tính năng động và bền vững khi chiến tranh xảy ra.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị có vai trò quan trọng hàng đầu và trực tiếp đối với quá trình xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần nói riêng và sức mạnh quân sự quốc gia nói chung. Với sứ mệnh lịch sử trước đường hướng phát triển và vận hội chính trị của cả đất nước và toàn xã hội, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là chủ thể trực tiếp nhận định, đánh giá xác đáng sức mạnh và tiềm lực của các thế lực thù địch, nhận thức rõ trạng thái thực của các tiềm lực đất nước, từ đó xác định mục đích, phương hướng và những giải pháp cơ bản nhằm phát triển toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung và mỗi tiềm lực nói riêng. Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị cũng là chủ thể có đầy đủ tư cách và hệ thống thiết chế xã hội mạnh nhất, từ đường lối, chính sách đến hệ thống tổ chức chính trị, từ hành chính đến bạo lực, từ giáo dục đến cưỡng chế... để tác động đến mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội nhằm quy tụ, tập hợp nhân dân thành khối thống nhất về ý chí và hành động. Riêng đối với xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là chủ thể trực tiếp tiến hành mọi hoạt động: hoạch định, tổ chức xây dựng, kiểm tra, giám sát...