Tư duy quân sự của chiến tranh giải phóng cần được chuyển sang tư duy quân sự của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; từ đối phó với chiến tranh thông thường sang đối phó với chiến tranh công nghệ cao; từ đối phó với hoạt động quân sự thuần tuý sang đối phó toàn diện với các đòn tiến công của đối phương trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, tâm lý, tư tưởng, văn hoá, ngoại giao, pháp lý... Việc đổi mới tư duy lý luận nói trên một mặt dựa trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mặt khác kế thừa kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của một dân tộc có bề dày văn hóa quân sự, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa quân sự cổ - kim, đông - tây trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận quân sự, quốc phòng hiện nay được thể hiện ở đổi mới toàn diện hàng loạt vấn đề rất cơ bản như quan niệm về mạnh và yếu, thắng và thua, quan niệm về không gian và thời gian tác chiến hiện đại, về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.
Trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận quân sự theo hướng kết hợp truyền thống với hiện đại, cần từng bước xây dựng và hoàn chỉnh chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự của nước ta nhằm thích ứng được với điều kiện mới. Vấn đề này là tất yếu khách quan để chủ động ứng phó với sự điều chỉnh chiến lược quân sự của các cường quốc, nhất là chủ động ứng phó với chiến tranh nếu xảy ra. Cùng với hoàn thiện chiến lược chung về bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã chú trọng lãnh đạo việc đi sâu phát triển các chiến lược chuyên ngành như chiến lược bảo vệ biển, chiến lược biên giới, chiến lược thông tin, chiến lược phòng không... Đặc biệt, đổi mới tư duy lý luận về phương thức gắn kết giữa chiến lược quốc phòng với chiến lược an ninh và chiến lược đối ngoại được chú trọng, nhằm làm cho các lĩnh vực tác động và thúc đẩy lẫn nhau tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Đảng lần thứ XI xác định: “Hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các quy chế phối hợp quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội”. Vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để bảo đảm cho toàn bộ quá trình xây dựng nền quốc phòng trong thời bình cũng như quá trình tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc luôn giữ đúng định hướng chính trị và vận hành thông suốt, có hiệu lực. Trong giải quyết thực tiễn, việc xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay luôn gắn với sự chuẩn bị cho phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân nhằm phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, cũng như sức mạnh của lực lượng vũ trang và toàn dân đã chuẩn bị từ thời bình để giải quyết các mục tiêu của chiến tranh nếu xảy ra.
Phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân đã phát huy tác dụng trong việc tổ chức, bố trí và triển khai lực lượng mọi mặt theo mục tiêu, kế hoạch của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, đánh thắng mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực phản động. Mục tiêu quốc phòng toàn dân ở nước ta trước hết là giữ gìn độc lập dân tộc, tuy nhiên trong thời kỳ mới, giữ nước không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, mà quan trọng là phải giữ được chế độ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Do vậy, vận hành nền quốc phòng toàn dân không phải là xây dựng thế trận trong thời bình để chờ đối phó với chiến tranh, mà phải là thế trận được củng cố ngày càng vững chắc cùng với sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực chất, đó là thế trận lòng dân làm thất bại cuộc tiến công toàn diện của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong điều kiện thời bình như “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ... Và khi chiến tranh xảy ra thì tất cả các điều kiện tổng thể đã chuẩn bị sẽ chuyển hóa thành sức mạnh hiện hữu một cách có tổ chức, hiệu quả để đánh thắng kẻ thù xâm lược.