Vấn đề bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” ở Việt Nam hiện nay

Nguy cơ bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có những nét mới. Thực tiễn “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” trong những thập kỷ vừa qua đã gây ra những tổn thất to lớn đối với chủ nghĩa xã hội và phong trào độc lập dân tộc ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.
cach-mang-1708526039.jpg
Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ảnh: Internet

Đối với nước ta, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đã và đang là một nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguy cơ này đã được nêu lên từ Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII và tiếp tục được chỉ rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”.

Đối với nước ta, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình chủ thể chịu tác động từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, làm thoái hóa, biến chất về chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng và đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho đất nước ngày càng rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là quá trình diễn ra dần dần, không mang tính đột biến, vì thế khó nhận biết ngay. Một mặt, đây là hệ quả tác động từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mặt khác là quá trình vận động tiêu cực từ bên trong chế độ.

Chủ thể bị rơi vào vòng xoáy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vốn là lực lượng lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ yếu gồm những con người và tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nội dung “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của lý luận Mác Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước ngày càng vận động chệch định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội như: Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại...

Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù “cách mạng màu” chưa phải là nguy cơ trực tiếp, nhưng sự thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tiến tới “cách mạng màu” là thủ đoạn chiến lược mới của các thế lực thù địch nhằm chống phá nền độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong những năm tới, “diễn biến hòa bình” sẽ được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn ra “cách mạng màu”. Khả năng diễn ra “cách mạng màu” ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào mức độ phát triển và kết quả của “diễn biến hòa bình”.

Do vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” hiện nay có mối quan hệ chặt chẽ. Trong đó, phòng ngừa “cách mạng màu” là một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; và đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đến lượt nó là yếu tố giữ vai trò quyết định để phòng ngừa “cách mạng màu”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến