Vài điểm đáng chú ý của các cuộc bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” ở Đông Âu, Bắc Phi - Trung Đông

Lương Đàm
Mặc dù quần chúng nhân dân được tập hợp thành lực lượng chủ yếu, nhưng “cách mạng màu” còn có sự tham gia của những người từng giữ những vị trí lãnh đạo cao của đất nước nay bị chuyển hóa, cũng như có sự tiếp tay của nước ngoài.
morning-first-day-of-orange-revolution-1708525620.jpg
Những người biểu tình cách mạng cam tập trung tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti ở Kiev, năm 2004. Ảnh: Wikipedia

Sự “tự chuyển hóa” ở Đông Âu và Bắc Phi - Trung Đông xảy ra theo hai chiều hướng khác nhau, từ trên xuống và từ dưới lên, nhưng đều có được hiệu quả cao, ít phải thông qua hình thức đấu tranh bằng bạo lực vũ trang. Các cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở các nước Đông Âu có điểm giống nhau: Đều là quá trình tự chuyển hoá, phát sinh từ trong ra; bạo loạn chính trị được tổ chức chặt chẽ, lực lượng đối lập có ngọn cờ lãnh đạo, tập hợp lực lượng; được sự hậu thuẫn từ bên ngoài để lật đổ chính quyền hiện hữu.

Trái lại, các cuộc “cách mạng màu” ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông xuất phát từ các vụ phản kháng mang tính tự phát cá nhân trước sự bế tắc của cuộc sống, nhất là tầng lớp thanh niên, sau đó nhanh chóng bị kích động, lợi dụng, lực lượng được tập hợp qua mạng Internet thông qua các trang mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, sự tiếp tay từ bên ngoài giữ vai trò tổ chức bộ máy lãnh đạo để lật đổ chính quyền.

Lực lượng an ninh, quân đội mất lòng tin, thiếu sự trung thành, cán cân lực lượng nhanh chóng nghiêng về phía người biểu tình của lực lượng đối lập. Đây là sự “tự chuyển hoá”, phi chính trị hóa đối với lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang không còn chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của đảng cầm quyền và của nhà nước. Tại các cuộc “cách mạng màu” vừa qua, phần lớn nhân dân tham gia biểu tình chỉ vì muốn thoát ra khỏi cuộc sống khó khăn và phản ứng lại các hiện tượng tiêu cực của xã hội, chứ không ý thức được một cách sâu sắc về vai trò chính trị mà mình đang đóng vai trò quyết định. Nếu sử dụng lực lượng vũ trang để giải tán đoàn biểu tình, không phân biệt được đâu là người bị xúi giục, đâu là kẻ chủ mưu, thì sẽ rơi vào trạng thái “ta đánh ta”, dẫn đến hiện tượng bất tuân lệnh của lực lượng an ninh, quân đội khi cần phải trấn áp bạo loạn chính trị.

1280px-havla-1989-1708525620.jpg
Người dân Praha biểu tình tại quảng trường Wenceslas trong cuộc cách mạng Nhung. Ảnh: Wikipedia

Các cuộc “cách mạng màu” ở các nước Đông Âu đều diễn ra theo kịch bản: Tạo sự thân Mỹ; xác định thủ lĩnh phe đối lập; gây sức ép buộc chính quyền đương nhiệm tổ chức bầu cử; phản đối kết quả bầu cử; phát động cách mạng đường phố dưới sự trợ giúp tài chính hùng hậu từ Mỹ và phương Tây, dùng bạo lực đường phố để cướp chính quyền. Các cuộc “cách mạng màu” ở Bắc Phi - Trung Đông lại diễn ra bắt đầu từ các cuộc đấu tranh tự phát, phản kháng trước sự bế tắc, tuyệt vọng với các điều kiện xã hội, không có bất kỳ tương lai nào cho sự thay đổi một khi chế độ độc tài, tham nhũng kéo dài; tiếp đến là sự hình thành nhanh chóng các tổ chức đối lập, được sự tiếp tay của Mỹ và phương Tây tiến hành bạo loạn cướp chính quyền.

Các cuộc “cách mạng màu” thường là sự biến động phi bạo lực có liên quan đến xu hướng “êm thấm hóa” các cuộc cải cách chính trị trong liên hệ mật thiết với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, các cuộc bạo loạn chính trị phi bạo lực, phi vũ trang cũng có thể biến thành bạo loạn vũ trang nếu thực sự cần thiết nhằm lật đổ chính quyền. Bản chất của những cuộc “cách mạng màu” đều nhằm thay đổi chính quyền hiện hữu bằng một chính quyền mới thân Mỹ và phương Tây, trong trường hợp chính quyền hiện hữu có những chính sách đối đầu với Mỹ và phương Tây. Do đó, “cách mạng màu” có thể xảy ra đối với mọi thể chế chính trị, không phân biệt thể chế xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa.

Nhìn chung, so với các cuộc “cách mạng màu” trong không gian hậu Xôviết, các cuộc “cách mạng màu” đã và đang diễn ra ở Bắc Phi - Trung Đông trong thời gian gần đây có sự thay đổi về thủ đoạn, đối tượng, phương thức tiến hành, nhưng bản chất và mục tiêu vẫn không thay đổi. Bản chất của “cách mạng màu” là một thủ đoạn chiến lược mới tiếp nối các thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”, do các thế lực thù địch với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chỉ đạo, điều khiển bằng cách nuôi dưỡng, hỗ trợ các phần tử phản động, các đảng phái chính trị đối lập và kích động một bộ phận quần chúng bất mãn với chế độ, sử dụng các hình thức đấu tranh phi vũ trang, chủ yếu là đấu tranh chính trị và nghị trường, biểu tình đường phố kết hợp bạo loạn vũ trang nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm, lập chính quyền mới thân Mỹ và phương Tây.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến