Vạch trần mục đích chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ tại Việt Nam

Lương Đàm
Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp sâu vào Việt Nam. Thực thi chiến lược “những biên giới mới” và “phản ứng linh hoạt”, Mỹ nhằm mục tiêu toàn cầu là đàn áp, chống phá phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mà trước hết ở những nơi phong trào dân tộc có chiều hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó Việt Nam là một trọng điểm.
chien-tranh-dac-biet-la-gi-so-sanh-chien-tranh-dac-biet-va-cuc-bo-2-1688379195.jpg
Chiến tranh đặc biệt là cuộc chiến tranh “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Ảnh tư liệu.

Mỹ vi phạm Hiệp định, hất cẳng Pháp, dựng lên chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam nước ta. Mỹ đã thực hiện nhiều chiến lược phản cách mạng tàn bạo và đầy tham vọng: Chiến lược tổ cộng, diệt cộng (1955-1960), chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975). Khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” phá sản, Mỹ đưa lực lượng viễn chinh trực tiếp tham chiến ở miền Nam bằng “chiến tranh cục bộ”, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Nhân dân Việt Nam cùng lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng: Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trước thử thách vô cùng cam go, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những vấn đề chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 15 xác định con đường cách mạng ở miền Nam và những nghị quyết xác định nhiệm vụ cách mạng chung của cả nước nhằm “đánh cho Mỹ cút” và “đánh cho ngụy nhào”, với ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Như vậy, thời kỳ đầu chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được bắt đầu từ công cuộc chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, song nếu tính đến kẻ thù đối đầu đích thực của chúng ta là đế quốc Mỹ thì thời kỳ đầu chiến tranh bao gồm cả công cuộc chống chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Riêng đối với miền Bắc, công cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ lần thứ nhất được coi như thời kỳ đầu chiến tranh thuộc loại hình tương đối độc lập - chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ những tháng cuối năm 1960 đầu năm 1961, ở miền Nam Việt Nam, phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chúng ta đã giành quyền làm chủ phần lớn nông thôn, miền núi. Chế độ ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam bị thất bại một bước nghiêm trọng. Để cứu vãn tình hình, ngày 28 tháng 1 năm 1961, Mỹ chính thức thông qua chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và chọn miền Nam Việt Nam làm nơi thí điểm. Về thực chất, “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam là “dùng người Việt đánh người Việt” dưới cái ô “bảo trợ” của đế quốc Mỹ. Đây là một âm mưu thâm độc, một chiến lược quân sự - chính trị nguy hiểm, thực hiện sự kết hợp giữa thủ đoạn chiến tranh tàn bạo và vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại với sự điên cuồng, man rợ của bọn tay sai, bao gồm các thế lực của giai cấp phong kiến, tư sản mại bản phản động ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 5 năm 1961, Phó Tổng thống Mỹ đến Sài Gòn, bí mật ký kết với ngụy quyền Diệm một hiệp ước hợp tác. Mỹ cam kết ủng hộ tối đa về mọi mặt, tăng gấp đôi viện trợ quân sự, thậm chí sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để trợ giúp cho quân đội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 6 năm 1961, Mỹ cử Xtalây sang miền Nam Việt Nam nghiên cứu tình hình, vạch kế hoạch dập tắt phong trào cách mạng. Tháng 10 năm 1961, tướng Taylo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, được cử sang nghiên cứu tại chỗ và bổ sung các vấn đề quân sự cho kế hoạch ấy. Thế là kế hoạch Xtalây - Taylo bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng được hình thành, về thực chất là thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Để thực thi Hiệp ước phòng thủ chung ký với Mỹ ngày 18 tháng 10 năm 1961, Ngô Đình Diệm tuyên bố “tình hình khẩn cấp” và sử dụng “quyền đặc biệt” ở miền Nam. Tại Oasinhtơn, Tổng thống Mỹ thông báo quân lực Hoa Kỳ đã được chuẩn bị tham gia vào nỗ lực liên quân gia tăng với Việt Nam Cộng hòa, và sẽ tham gia hành quân với quân đội Nam Việt Nam. Tháng 12 năm 1961, hai đại đội trực thăng và 400 lính biệt kích “mũ nồi xanh” của quân đội Mỹ được điều đến miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) được thành lập, đánh dấu giai đoạn chuyển từ hình thức cố vấn quân sự sang hình thức có lực lượng vũ trang Mỹ tham chiến.

chien-tranh-dac-biet-la-gi-so-sanh-chien-tranh-dac-biet-va-cuc-bo-3-1688379269.jpg

Mục đích của “chiến tranh đặc biệt”, mà Mỹ vẫn gọi là “chiến tranh chống lật đổ”, là để chống chiến tranh du kích, chống lại chiến tranh giải phóng của nhân dân các nước bị áp bức. Đó là loại hình chiến tranh không có chiến tuyến cố định, thường ít huy động những binh đoàn chủ lực lớn. Phương thức của loại hình chiến tranh này là phối hợp đầy đủ các hoạt động chính trị, quân sự, tâm lý, kinh tế,... Công cụ chủ yếu được sử dụng là quân đội ngụy cùng vũ khí, phương tiện chiến tranh và tiền bạc của Mỹ, do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” được Mỹ cho là một sáng tạo về lý luận quân sự, một phương pháp có hiệu quả để dập tắt phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ.

Để thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chỉ trong một năm, Mỹ đã tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó là cái giá buộc chính quyền Diệm đôn quân, bắt lính, đưa lực lượng quân chính quy ngụy lên 20 vạn tên, gồm 7 sư đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ; đồng thời đưa lực lượng bảo an lên 8 vạn tên, tổ chức ở mỗi tỉnh từ một đến hai tiểu đoàn bảo an. Lực lượng dân vệ cũng được đôn lên đến 7 vạn tên, tổ chức ra các đại đội dân vệ ở cấp quận, huyện. Trong hoạt động quân sự, chúng đóng thêm hàng nghìn đồn, bốt, huy động một lực lượng lớn quân ngụy mở hàng vạn cuộc hành quân càn quét với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”,... nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, tái chiếm các vùng giải phóng và gom dân vào các ấp chiến lược. Xây dựng ấp chiến lược được coi là quốc sách của chế độ ngụy quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời là xương sống của “chiến tranh đặc biệt”, nhằm tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng, thực hiện “tát nước, bắt cá”.

Với âm mưu và thủ đoạn như trên, lúc đầu, Mỹ - ngụy đã gây cho ta một số khó khăn, nhất là việc tái chiếm một số nơi nhân dân giành được quyền làm chủ trong thời kỳ Đồng khởi. Tuy nhiên, với đầu óc chủ quan, ỷ vào tiền của, trang bị kỹ thuật hiện đại, chúng không nhận thấy rằng đang triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trong thế bị động đối phó. Hơn nữa, nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, lại có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ của bè bạn và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới,... đã kết thành một khối thống nhất với sức mạnh to lớn mà chúng không thể lường hết được. Đặc biệt, sau Đồng khởi, ngụy quyền cơ sở tan rã, ngụy quyền trung ương khủng hoảng triền miên, mâu thuẫn nội bộ ngày thêm sâu sắc. Chính vì vậy, mảnh đất miền Nam Việt Nam không phải là “miền đất hứa” thuận lợi để Mỹ tuỳ ý thí điểm chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chiến lược này rồi sẽ thất bại, nhân dân ta sẽ chiến thắng - đó là tất yếu lịch sử.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến