Tú Mỡ, người thầy của thơ trào phúng và biếm họa (Phần 2)

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Tú Mỡ vẫn tiếp tục nghề nghiệp chủ sự tài chính của mình.
nha-tho-tu-mo-355x500-1737551322.jpg
Nhà thơ Tú Mỡ. Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông cùng gia đình tản cư theo Sở Tài chính về phía Bắc Giang. Nhưng rồi đã diễn ra một cuộc tri ngộ mới - khi những người phụ trách công tác văn hóa, tuyên truyền ở Sở Thông tin tuyên truyền Khu XII, sau chuyển thành Liên khu I, rồi Ty Thông tin tuyên truyền Bắc Giang, do biết danh Tú Mỡ, nên đã mời ông sang cộng tác với họ. Rồi các đồng chí Phạm Văn Hảo và Xuân Thủy lại cũng đến mời ông cộng tác với báo Cứu quốc, Trung ương trong chuyên mục trào phúng đánh địch. Vậy là từ đây Tú Mỡ đã có cơ hội để dứt bỏ nghề cũ mà chuyển sang công việc mình yêu thích là thông tin văn nghệ; và lại được giữ nguyên chuyên mục trào phúng, đả kích đánh địch, đúng với sở trường của mình. Từ đây Tú Mỡ chuyển sang bút danh Bút Chiến Đấu, với những bài thơ trào phúng sắc nhọn liên tục xuất hiện trên các báo: Văn điếu tướng Lơcléc, “Quan lớn” xin hàng, Con trâu kháng chiến, Nồi cá làm vạ cho giặc, Chữa mắt rồng, Tam khí Đờ Tátxinhi, Câu chuyện tướng đi ỉa, Kế hoạch Nava “thượng thò hạ thụt”.

Nếu nói đến một đóng góp có hiệu quả của văn nghệ cho công cuộc kháng chiến thì sự nghiệp viết của Bút Chiến Đấu xứng đáng đứng ở vị trí tiên phong. Ông thật sự trở thành nhà thơ bình dân, ở trong lòng nhân dân; và từ nay nhân dân quen gọi ông là “Bác Đấu” - để gọi tắt Bút Chiến Đấu.

Ông còn là người viết chèo và diễn chèo. Ngót chục vở chèo đã được ông viết và dàn dựng, như các vở Nhà sư giết giặc, Lưu Bình - Dương Lễ tân thời, Giết giặc trừ gian, Tổng động viên...

Không chỉ sắc nhọn trong các bài thơ trào phúng đả kích địch, Tú Mỡ cũng rất hào hứng trong những bài thơ ca ngợi nhân dân, trong chuyên mục “Anh hùng vô tận” của báo Cứu quốc. Ông kể:

Huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh

Có người nghĩa hiệp Văn Trinh họ Bùi

Lý Viết Va vốn người dân Thổ Châu

Võ Nhai quê ở Văn Lang

Có người chiến sĩ vô danh

Đốt kho thuốc đạn một mình mới gan

Rõ ràng đó là lối kể của vè, của truyện dân gian. Dễ hiểu vì sao thơ Tú Mỡ rất nhiều bài nhanh chóng được truyền tụng và trở thành của chung...

imagedaidoanketvn-images-upload-2020-5-22-bcq-1737551487.jpg
Báo Cứu quốc, nơi Tú Mỡ sáng tác các bài thơ trào phúng dưới bút danh Bút Chiến Đấu. Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Như vậy là Tú Mỡ lại sống tiếp một thời kỳ thật đắc ý trong sự nghiệp sáng tác của mình như sau này ông có dịp tổng kết lại. Đắc ý vì ông đã được hoàn toàn chuyên tâm về thơ sau ngót ba mươi năm phải kiêm nghề công chức. Đắc ý vì cách mạng đã nhận ra và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông phát huy hết mọi sở trường của mình.

Với Nụ cười kháng chiến và Anh hùng vô tận, với hàng chục tập vè và chèo, Tú Mỡ đã có đóng góp thật xuất sắc cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc và chính vì lý do đó ông là người sớm nhất trong giới văn nghệ được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1951 và hạng Nhất năm 1955. Là người duy nhất trong giới văn nghệ được phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952.

Cũng trong dịp này Tú Mỡ đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đã nhận ngay ra ông khi nghe ông tự giới thiệu và Bác đáp lời ngay một cách thật vui vẻ: - “À! Tú Mỡ, nhà thơ bình dân!”. Kỷ niệm sâu sắc mà Tú Mỡ còn giữ được trong cuộc họp mặt đó là lần chụp ảnh chung của Hồ Chủ tịch với các chiến sĩ thi đua. Khi mấy nhà nhiếp ảnh còn loay hoay chọn góc ngắm thì Hồ Chủ tịch đã giục: - “Liệu chong chóng lên, kẻo chúng tôi hóa ra... Tú Mỡ cả bây giờ”.

Sau hội nghị chỉnh huấn năm 1953 biết Tú Mỡ từng viết và diễn chèo, Hồ Chủ tịch có lời khuyên vui, nhẹ nhàng mà thật sâu “Chèo thì phải chèo cho vững”.

Từ sau 1954 vẫn tiếp tục là một thời kỳ đắc ý trong sự nghiệp sáng tác của Tú Mỡ. Ông viết tiếp Nụ cười chính nghĩa để đả kích đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong âm mưu xâm lược và kéo dài việc chia cắt đất nước ta. Những bài Tú Mỡ viết dưới tiêu đề mới Nụ cười chính nghĩa đã trở thành những bài thơ đặc sắc trong nền thơ đả kích địch: Độc lập chi bay... rách váy bà, “Cuốc khánh” hay “cuốc sỉ”, Ngô Đình Diệm khóc Mắc-xay-xay, Ranh tướng Tay-lơ, Tay-lơ cùng với “quay lơ” một vần, Xit-pen-man đến miền Nam. Phú Gian-sơn Xi-ty...

GS Phong Lê