Tiềm lực quốc phòng toàn dân (Phần 2 và hết)

Tiềm lực khoa học - công nghệ là tổng hợp khả năng về trình độ khoa học cũng như trình độ phát triển công nghệ của một đất nước có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra.
7-imwb-1720967910.jpg
Tàu chiến đấu của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân trực chiến tại căn cứ quân sự Cam Ranh Ảnh: Mai Thanh Hải

Cấu trúc của tiềm lực khoa học - công nghệ bao hàm hai phương diện cơ bản là khoa học và công nghệ, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể. Về phương diện khoa học được xác định bằng trình độ phát triển của tất cả các ngành khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, bao gồm các khoa học tự nhiên, các khoa học xã hội, các khoa học nhân văn, các khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ... Về phương diện công nghệ được xác định bằng trình độ và tốc độ phát triển của nền công nghệ cũng như sự ứng dụng công nghệ vào các ngành sản xuất.

Trình độ và tốc độ phát triển khoa học - công nghệ nói trên, đến lượt nó, lại được biểu hiện bằng số lượng, chất lượng các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ; điều kiện cơ sở vật chất hiện có cùng khả năng tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; và đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ của xã hội nói chung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng, trong cả thời bình và thời chiến.

Khả năng này được thể hiện thông qua mối liên hệ giữa khoa học với đời sống, thông qua khả năng ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng. Trong đó, khả năng phát triển các khoa học quân sự cùng khả năng ứng dụng thành tựu công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự vừa là tiêu chuẩn kiểm nghiệm, vừa là mục đích và là nội dung quan trọng hàng đầu phản ánh sự vận động, phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng.

screenshot-1-1720968045.png
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân trong buổi huấn luyện đêm. Ảnh: TTXVN

Tiềm lực quân sự đóng vai trò yếu tố trực tiếp nhất trong tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống tiềm lực quốc phòng, đồng thời là đích đến của các tiềm lực khác. Đó là sự kết tinh toàn bộ những yếu tố chính trị - tinh thần, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tổ chức - con người... của đất nước trong việc duy trì và tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang cả thời bình và thời chiến. Cấu trúc nội dung của tiềm lực quân sự được biểu hiện ở khả năng của giai cấp lãnh đạo và nhà nước trong định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang.

Đó là xác định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, xác định đối tượng tác chiến và mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ nhất định. Đó là củng cố cơ cấu tổ chức biên chế, cung cấp nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa vũ khí trang bị để lực lượng vũ trang đủ sức tiến hành hoạt động quân sự, quốc phòng và chiến tranh. Đó là hoàn chỉnh thế trận quốc phòng và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh có lợi, tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng vũ trang bước vào chiến đấu đạt hiệu suất và hiệu quả cao nhất.

Đó là duy trì và phát triển sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến trên cơ sở giáo dục, huấn luyện chu đáo để bộ đội hiểu biết sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, ổn định trạng thái tinh thần, nâng cao bản lĩnh chiến đấu, thuần thục về khoa học và nghệ thuật quân sự. Đó là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhất là khả năng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống.
 

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến