Tiềm lực quốc phòng toàn dân (Phần 1)

Theo tư duy mới của Đảng, tiềm lực của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chính là kết quả chuyển hóa từ tiềm lực quốc phòng toàn dân.
9-ieih-1720967721.jpg
Biên đội tàu chiến đấu của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân huấn luyện bắn tên lửa trên biển Ảnh: Đàm Duy Khánh

Đó là tiềm lực tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, ngoại giao... được xây dựng ngay từ thời bình và được khai thác, động viên, sử dụng, phát huy cao độ trong thời chiến. Tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn nhấn mạnh vấn đề khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc; vấn đề xây dựng và giữ gìn môi trường hòa bình; vấn đề kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại; vấn đề giải quyết quan hệ giữa nội và lực ngoại lực để xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Bảo vệ Tổ quốc, dù trong điều kiện hòa bình hay trong trạng thái chiến tranh, đều cần dựa trên nguồn sức mạnh tổng hợp bao gồm nhiều tiềm lực vừa có sự phân định tương đối, vừa có quan hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, đó là tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quân sự.

Từ lý luận và thực tiễn về chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh thế giới đương đại có thể thấy rằng, trước khi sử dụng hình thức gây chiến tranh xâm lược bằng quân sự, các thế lực thù địch với nước ta sẽ thường xuyên sử dụng nhiều thủ đoạn tiến công trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội... hòng lái nước ta vào quỹ đạo chịu sự chi phối của chúng.

Chiến tranh là sự kế tục các hình thức, thủ đoạn ấy lên đỉnh điểm mâu thuẫn đối kháng, đồng thời trực tiếp thực hiện thủ đoạn vũ trang xâm phạm độc lập, chủ quyền và phá hoại toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội.

Để chống lại các động thái ấy, hoạt động quốc phòng không chỉ đơn thuần xây dựng sức mạnh quân sự đủ sức đối phó các cuộc chiến tranh xâm lược của địch, mà còn bao gồm tổng thể các hoạt động trên các mặt trận quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội... nhằm xây dựng chỉnh thể thống nhất của tiềm lực quốc phòng ngay từ thời bình.

Trong hệ thống các tiềm lực cấu thành cơ sở sức mạnh của nền quốc phòng, tiềm lực chính trị - tinh thần là toàn bộ những yếu tố thuộc về lĩnh vực chính trị của xã hội cũng như về mặt tinh thần của nhân dân, quân đội mà một quốc gia có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh nếu xảy ra.

Xét theo cấu trúc nội dung thì tiềm lực chính trị - tinh thần bao gồm các giá trị chính trị - tinh thần cơ bản, các mối quan hệ và hoạt động chính trị tinh thần, các thiết chế, thể chế xã hội giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tổ chức chính trị quần chúng... thành một kết cấu chính trị - tinh thần bền vững, phản ảnh và dựa trên nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Xét theo cấp độ thể hiện, tiềm lực chính trị - tinh thần bao gồm hai lớp khác nhau nhưng có quan hệ tương hỗ với nhau: lớp tư tưởng và lớp tâm lý xã hội. Trong đó, lớp tư tưởng (bao gồm hệ thống quan điểm lý luận và tri thức khoa học chính thống về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc) luôn giữ vai trò quyết định so với lớp tâm lý xã hội (bao gồm những kinh nghiệm, tập quán, thái độ, tâm trạng... của quảng đại quần chúng trước các vấn đề quân sự, quốc phòng của quốc gia, dân tộc). 

anh-t6-1720967548.png
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đều được xếp hạng qua mỗi năm. Ảnh: VnEconomy

Tiềm lực kinh tế - xã hội là toàn bộ những yếu tố thuộc về lĩnh vực kinh tế của xã hội, cũng như khả năng tổng thể về văn hoá, xã hội, dân trí, giáo dục, y tế... với tư cách nguồn lực phát triển mà một quốc gia có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh nếu xảy ra.

Cấu trúc của tiềm lực kinh tế - xã hội bao gồm trình độ và khối lượng sản xuất xã hội; nhịp độ và khả năng tăng trưởng sản xuất xã hội; nguồn dự trữ tài nguyên và lao động; sự đồng bộ giữa sản xuất - trao đổi - phân phối - tiêu dùng; cơ cấu xã hội, các nguồn lực con người và cộng đồng, các lợi thế về lao động, việc làm, an sinh xã hội... Việc đánh giá tiềm lực kinh tế - xã hội của một đất nước trước hết dựa trên những chỉ tiêu kinh tế cơ bản như tổng sản phẩm xã hội, tổng thu nhập quốc dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng dự trữ quốc gia, thu nhập quốc dân tính theo đầu người..., và gắn chặt với tiêu chí đó là những chỉ số cơ bản về sự ổn định xã hội, về tính ưu việt trong giải quyết các vấn đề xã hội...

Với lĩnh vực quốc phòng, tiềm lực kinh tế - xã hội được thể hiện ở các mặt chủ yếu như: khối lượng và chất lượng các nguồn lực kinh tế và xã hội có thể động viên để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và chiến tranh; tính cơ động và sức sống của nền kinh tế - xã hội trước thử thách ác liệt của chiến tranh...

Đặc biệt, một bộ phận quan trọng cấu thành tiềm lực kinh tế - xã hội là khả năng về kinh tế quân sự mà một quốc gia có thể huy động để đáp ứng các nhu cầu đối phó với chiến tranh cũng như các nguy cơ khác đe dọa quốc phòng và an ninh của đất nước. Tiềm lực kinh tế quân sự bao gồm số lượng và chất lượng các cơ sở kinh tế có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm nhu cầu hoạt động của lực lượng vũ trang và chuẩn bị tư liệu sản xuất cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Đặc trưng nổi bật nhất của kinh tế quân sự là không trực tiếp tham gia quá trình tái sản xuất mở rộng tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trên phạm vi toàn xã hội, mà tập trung vào lĩnh vực quân sự.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến