Đảng bộ Hà Nội ý thức rằng, đây là công cụ rất quan trọng để tổ chức nhân dân Thủ đô thành một lực lượng thống nhất có đủ sức mạnh bẻ gãy, đập tan mọi mưu mô phá hoại của thù trong giặc ngoài. Thực hiện tư tưởng trên, đến cuối tháng 8 năm 1945, Ủy ban nhân dân các cấp ở nội và ngoại thành đã được thành lập. Ngoại thành được xây dựng như một vành đai cách mạng bảo vệ nội thành.
Hệ thống Công an nhân dân đầu tiên ra đời, các đội trinh sát trừ gian được tổ chức, đội ngũ tự vệ chiến đấu và tự vệ thành được củng cố. Đồng thời, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đập tan các cơ quan bạo lực phản cách mạng của địch trong thành phố, xóa bỏ nốt những tàn tích của chính quyền phong kiến. Công tác trấn áp phản cách mạng được tiến hành kiên quyết, các đảng phải Đại Việt thân Nhật bị giải tán.
Để bảo vệ vững chắc chính quyền, đội ngũ tự vệ chiến đấu và Tự vệ thành nhanh chóng được củng cố. Những đơn vị Vệ quốc đoàn của Hà Nội, bộ đội chủ lực đầu tiên được thành lập. Toàn bộ hệ thống chuyên chính cách mạng trong thành phố được củng cố và hoàn chỉnh từng bước. Chính nhờ những tư tưởng và biện pháp trên mà sau sáu tháng đóng quân ở miền Bắc và Hà Nội, quân Tưởng không thực hiện được âm mưu diệt Đảng ta, phá Mặt trận Việt Minh, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, sau đó, trong bối cảnh "Tàu chưa đi - Pháp đã tới", vấn đề đặt ra là làm thế nào để lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân giữ nghiêm kỷ luật không để xảy ra xung đột, tạo không khí thuận lợi cho xây dựng phát triển lực lượng vũ trang chuẩn bị kháng chiến.
Như vậy, lúc này, trọng tâm phát triển tư tưởng quân sự là tích cực chuẩn bị mọi mặt để thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, trong đó chuẩn bị củng cố, phát triển lực lượng vũ trang nhiều thứ quân là một trong những vấn đề then chốt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giành và giữ chính quyền cách mạng cũng như công cuộc trường kỳ kháng chiến. Toàn bộ công tác chuẩn bị trên đây của Đảng, Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ứng phó với nguy cơ chiến tranh trên phạm vi toàn quốc đang đến gần.
Ngày 19 tháng 10 năm 1946, Hội nghị Quân sự toàn quốc nhận định: nhất định không sớm thì muộn Pháp cũng sẽ đánh ta và ta cũng nhất định phải đánh Pháp. Cho nên, phải tranh thủ thời gian, tăng cường lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang và phải khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt. Cả nước được chia thành 12 chiến khu, từ Chiến khu I đến Chiến khu XII, Khu đặc biệt Hà được đổi thành Chiến khu XI nhằm chỉ huy tập trung thống nhất cả lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ. Đây là chiến Khu duy nhất của cả nước chỉ có một tỉnh, thành phố là Hà Nội trực tiếp của Trung ương.
Thành ủy Hà Nội được kiện toàn, Ủy ban Bảo vệ, Bộ Chỉ huy Chiến khu XI đặt dưới sự chỉ huy Thành ủy và đổi thành Khu ủy XI. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ thị: Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng để phòng địch gây hấn chiến tranh. Phải làm sao khi địch tiến công, ta lập tức đánh trả ngay. Yêu cầu chiến lược đối với mặt trận Hà Nội là kìm chân địch một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Phải huy động sức mạnh tiềm tàng của nhân dân vào cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, nhưng đồng thời phải bảo toàn và bồi dưỡng lực lượng để kháng chiến lâu dài.
Quán triệt tư tưởng đó, quân và dân Hà Nội tích cực chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh nếu phía Pháp tiếp tục vi phạm cam kết, buộc nhân dân ta phải đứng lên cầm súng để bảo vệ quyền sống của mình. Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã nhấn mạnh yêu cầu của công tác chuẩn bị kháng chiến là “tích cực sẵn sàng về quân sự, chính trị đối phó với những bất trắc có thể xảy ra”. Riêng về quân sự, phải tổ chức thống nhất các lực lượng tự vệ, tăng cường công tác lãnh đạo chính trị và chỉ đạo đấu tranh đối với các lực lượng vũ trang giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó với mọi âm mưu mới của địch.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, quân Pháp tấn công và đánh chìm ở cảng Hải Phòng một chiếc ghe mà chúng tình nghi chở vũ khí cho Việt Minh. Vệ quốc quân Việt Nam đánh trả quyết liệt. Sau khi hai bên ngừng bắn ngày 21 tháng 10 năm 1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Việt Minh phải rút khỏi Hải Phòng và trao thành phố cho Pháp. Ngày 23 tháng 10 năm 1946, Việt Minh từ chối yêu sách của Pháp, và quân Pháp bắt đầu bắn phá Hải Phòng bằng xe tăng, pháo binh cùng trọng pháo từ tuần dương hạm Suffren để “dạy Việt Minh một bài học”. Có rất nhiều người Việt bị chết trong cuộc bắn phá dữ dội này. Hai bên sau đó tiếp tục các cuộc đàm phán ngừng bắn nhưng không mang lại kết quả.