Thời kỳ đầu chiến tranh và những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam

Chiến tranh luôn là sự thử thách toàn diện đối với sức sống của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của nó, trong đó thời kỳ bắt đầu bước vào những động thái đầu tiên của cuộc chiến đặt ra những thử thách nghiêm trọng bậc nhất.

Chiến tranh luôn là sự thử thách toàn diện đối với sức sống của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của nó, trong đó thời kỳ bắt đầu bước vào những động thái đầu tiên của cuộc chiến đặt ra những thử thách nghiêm trọng bậc nhất. Vận mệnh của quốc gia, dân tộc có giữ được hay không, chế độ sẽ tồn vong thế nào, nhân tâm rối loạn hay nhanh chóng bình ổn trở lại phụ thuộc rất lớn vào kết quả những động thái chiến lược ban đầu của nhà nước, mà trực tiếp là kết quả thực hiện các nhiệm vụ chiến lược ban đầu về phương diện tác chiến vũ trang. Đó là logic thép không thể chối cãi.

Các đơn vị bộ đội từ miền Bắc hành quân vào Nam chiến đấu.Ảnh tư liệu 

Các đơn vị bộ đội từ miền Bắc hành quân vào Nam chiến đấu. (Ảnh: tư liệu)

Tuy nhiên, cách thức luận giải cụ thể về thời kỳ đầu chiến tranh không phải đồng nhất giữa tất cả những người nghiên cứu về nó: các chính trị gia chiến lược, các tướng lĩnh tham chiến, các chuyên gia khoa học quân sự và khoa học chính trị, các nhà bình luận chiến lược...

Ngay cả những vấn đề tưởng chừng đã có sẵn câu trả lời như thời gian chính xác bắt đầu cuộc chiến là khi nào, khi nào thì kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến, không gian của thời kỳ này rộng hẹp ra sao... cũng chưa hẳn được định hình một cách thuần lý. Đặc biệt, việc luận giải về nội dung, đặc điểm, tầm quan trọng và phương thức xử lý của chủ thể đối với thời kỳ đầu chiến tranh chắc chắn phụ thuộc rất lớn vào quan điểm chính trị - giai cấp, trình độ phân tích chiến lược văn hóa trí thức tổng hợp và nhất là văn hóa tri thức quân sự.

Trên cơ sở phương pháp luận quân sự mac xít, cuốn sách chuyên khảo "Thời kỳ đầu chiến tranh và những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam" tập trung tiếp cận thời kỳ đầu chiến tranh được lý luận chính trị quân sự tổng hợp. Cơ sở lý luận quan trọng nhất để phân tích vấn đề không ngoài luận điểm chủ chốt: chiến tranh là sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn khác – thủ đoạn bạo lực vũ trang mang tính nhà nước.

Đồng thời, dựa trên phương pháp tiếp cận logic - lịch sử, cùng với việc góp phần làm rõ quan niệm khoa học về thời kỳ đầu chiến tranh, cần tập trung khảo cứu thể hiện thời kỳ đấu chiến tranh trong thực tiễn lịch sử một số cuộc chiến tranh tiêu biểu trên thế giới, cũng như trong thực tiễn lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Và quan trọng hơn cả là hướng toàn bộ sự nghiên cứu đề việc khái quát bước đầu những vấn đề đặt ra cho quốc phòng Việt Nam trong bối cảnh thế giới đương đại.

Rõ ràng, thế giới ngày nay đang tiến vào kỷ nguyên mới mà một trong những đặc trưng cơ bản là xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế không thể đảo ngược. Tất nhiên, tình thể xuất hiện những lợi ích toàn cầu và lợi ích xuyên quốc gia không hề loại bỏ hoàn toàn những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn chính trị - giai cấp, mà chỉ đưa vào đó những hình thái biểu hiện mới.

Hơn nữa, sự xuất hiện kinh tế tri thức cùng những bước nhảy vọt mới của cách mạng khoa học và công nghệ chắc chắn sẽ kéo theo sự gia tăng lớn khả năng tích tụ và tái cơ cấu tiềm lực, sức mạnh quân sự nhà nước của các cường quốc quân sự, đưa đến cuộc cách mạng mới trong quân sự và làm cho chiến tranh nếu xảy ra sẽ phổ biến mang hình hài chiến tranh công nghệ cao.

Do vậy, cùng với nguy cơ chiến tranh lớn vẫn tiềm ẩn với hiểm họa chắc chắn còn lớn hơn trước nhiều lần, thì những hình thái xung đột vũ trang để giải quyết lợi ích chính trị cục bộ, cũng như những động thái quân sự vụ lợi vẫn hết sức tiềm tàng với mức độ nguy hiểm không kém. Đặc biệt, với những sự biến đổi khôn lường về phương diện kỹ thuật của lĩnh vực quân sự, cả chiến tranh và các hình thức xung đột vũ trang khác nếu xảy ra thì thời kỳ đầu của nó sẽ có những đột biến rất lớn về cả thời gian, không gian, đặc trưng diễn tiến và nội dung chuyển biến chiến lược cơ bản, đòi hỏi phải xử lý phù hợp. 

Bối cảnh thế giới đương đại đang đặt ra cho Việt Nam những vấn đề hết sức trọng đại để bước vào hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực trong tu thể chủ động và năng lực từ chủ. Cũng như các lĩnh vực khác, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực quân sự nhà nước nói riêng đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới và cả những thách thức lớn.

Để phát triển bền vững nền quốc phòng toàn dân và tiếp tục thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, chắc chắn cần có sự nghiên cứu toàn diện, hệ thống sâu sắc những vấn đề mới về chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh thế giới đương đại. Đặc biệt, từ những chuyển động gần đây của thế giới, khu vực liên quan đến hệ vấn đề này, mà điển hình như những động thái phức tạp ở Biển Đông, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ..., rõ ràng Việt Nam không thể coi nhẹ vấn đề chuẩn bị chu đáo cho khả năng sẵn sàng sử dụng đấu tranh vũ trang, kể cả tiến hành chiến tranh, để bảo vệ Tổ quốc. 

Chính vì vậy, nghiên cứu về “Thời kỳ đầu chiến tranh và những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam” là thực sự cần thiết và có đóng góp nhất định vào sự phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt 4 chương và các phần của cuốn sách, độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều về thời kỳ đầu chiến tranh tranh trên thế giới thời kỳ cận đại và hiện đại, thời kỳ đầu chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam, qua đó hiểu thêm được những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam từ lý luận và thực tiễn thời kỳ đầu chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến