Thời kỳ đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân (Phần 1)

Quá trình phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, giữa đánh thắng ở chiến trường miền Nam và đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nếu xét với tư cách hình thái chiến tranh tương đối độc lập - chiến tranh bảo vệ Tổ quốc - thì thời kỳ đầu chiến tranh tương đồng với cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ lần thứ nhất (1964-1967).
05-1082548838-1690903364.jpg
Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.

Ngay từ thời kỳ tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ thâm độc và xảo quyệt đã nhận thấy vai trò quyết định của miền Bắc đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, nên đã tính đến phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm hủy diệt cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, triệt tiêu các nguồn lực vật chất, kỹ thuật và chặn đứng các tuyến đường tiếp viện của ta vào Nam.

Ý đồ thâm độc ấy được bộc lộ rõ qua việc tiến hành các hoạt động trinh sát bằng không quân trong khuôn khổ Kế hoạch 34A ngày 17 tháng 2 năm 1964 của địch nhằm thu thập tình báo, thám sát hệ thống hỏa lực phòng không, hệ thống rađa, hệ thống kho tàng, bến bãi của ta. Và kể từ đó, càng thất bại nặng nề trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” thì đế quốc Mỹ càng điên cuồng leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, hòng “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, vô hiệu hóa vai trò của hậu phương miền Bắc và cuối cùng làm tê liệt ý chí kháng chiến chống đế quốc Mỹ của chúng ta.

Leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc được đế quốc Mỹ xác định không chỉ là biện pháp hỗ trợ cho hoạt động tác chiến trên chiến trường miền Nam, mà còn là những đòn tác chiến chiến lược. Chúng huy động đầy đủ các lực lượng không quân phối hợp tác chiến: Tập đoàn không quân chiến thuật số 7 ở Thái Lan và Đà Nẵng (Việt Nam); Lực lượng đặc nhiệm 77 của Hạm đội Thái Bình Dương, Tập đoàn không quân chiến lược 77 ở Guam và Utapao.

Đặc biệt, đế quốc Mỹ đã đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội một cách hết sức ác liệt hòng gây sức ép với Đảng và Nhà nước ta, làm lung lay ý chí quyết tâm kháng chiến của nhân dân. Đánh phá Hà Nội cũng là một phương cách để chúng hủy diệt các cơ sở kinh tế trọng yếu, từ đó làm giảm sút nghiêm trọng nền kinh tế thời chiến của đất nước, hạn chế khả năng chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Đánh phá Hà Nội, Mỹ cũng nhằm triệt tiêu nguồn lực trí tuệ khoa học hàng đầu của Việt Nam đang tập trung tại đây. Đồng thời, chúng còn muốn cô lập Việt Nam và phô trương sức mạnh quân sự để răn đe các lực lượng cách mạng trên thế giới về sức mạnh của chúng vì Hà Nội là nơi tập trung cơ quan ngoại giao của các nước khắp năm châu có quan hệ với Việt Nam.

Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, đặc biệt cuộc chiến tranh phá hoại bằng lực lượng không quân mạnh nhất thế giới và lại là một loại hình chiến tranh chưa hề có trong lịch sử, Đảng ta vẫn tỏ rõ quyết tâm và xác định chủ trương chiến lược kịp thời, đúng đắn. Nghị quyết Trung ương lần thứ 11, tháng 3 năm 1965 đã xác định: Chuyển hướng toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội của Thủ đô và đất nước từ trạng thái hòa bình sang chiến tranh để giữ vững ổn định và phát triển, đồng thời kiên quyết tổ chức đánh bại chiến tranh phá hoại của địch ngay trên bầu trời Thủ đô; phát động chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại theo phương châm: toàn dân, toàn diện, lâu dài; nhanh chóng phát triển lực lượng phòng không - không quân; tập trung mọi nỗ lực bảo vệ các hoạt động tiếp tế chi viện chiến trường, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

55-nam-ngay-bac-ho-ra-loi-keu-goi-khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do-1690903453.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ảnh: TTXVN.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng ấy, việc tổ chức và phát động chiến tranh nhân dân chống tập kích đường không của địch được tiến hành khẩn trương, chu đáo với phương châm chủ động phòng, tránh và kiên quyết đánh trả tiêu diệt sinh lực địch.

Trước âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, cùng với việc tăng cường lực lượng, chuẩn bị cho bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam đẩy mạnh tác chiến, tập trung tiêu diệt địch, công tác chuẩn bị chiến đấu của lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc đã được triển khai rất tích cực. Có thể thấy rõ, từ năm 1964, miền Bắc vừa là hậu phương lớn chi viện ngày càng nhiều theo yêu cầu phát triển của tiền tuyến lớn miền Nam, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến