Tầm vóc Phan Bội Châu trong lịch sử và lịch sử văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX (Phần 2)

Lương Đàm
Cần một kết hợp cả lý trí và tình cảm, bởi thiếu một thì chưa đủ để biểu đạt cái mới mà Phan và thế hệ Phan đã đem lại cho đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
screenshot-1-1720457823.png
Phan Bội Châu luôn nung nấu quyết tâm giải phóng dân tộc. Ảnh: Internet

Lý trí tỉnh táo (và sáng suốt) - đó là việc thừa nhận sự thất bại hiển nhiên của tất cả các phong trào chống Pháp trước Phan, cho đến người kết thúc phong trào Cần Vương là Phan Đình Phùng (1897). Phải có một nhận thức khác và một kế sách khác cho công cuộc giải phóng - đó là hướng về lợi ích của Dân, tìm đến sức mạnh của Dân (thay cho vua quan và kẻ Sỹ); là yêu cầu Dân chủ, theo mô hình cách mạng tư sản phương Tây thế kỷ XVIII, mà nhờ vào sự tiếp xúc với Tân thư, mới vỡ ra được:

Nghìn, muôn, ức, triệu người chung góp

Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà

Người dân ta, của dân ta

Dân là dân nước, nước là nước dân.

Ở trên có nói đến nước với phần hồn của nó; phải tích cực gọi hồn về. Bây giờ là nước với dân; và dàn là một tập hợp rộng rãi, gồm đủ các loại người: gái trai, già trẻ, miền ngược miền xuôi, phủ hào - thứ dân, và thật là mới mẻ, gồm cả người công giáo (Nào ai có vị gì Tây/ Mà coi người đạo ra ngay người thù), và đương nhiên có sự hiện diện của người trí thức (Đứng đầu lên có bạn nhà Nho).

Vậy là, với Phan Bội Châu, số phận người dân đã được đưa lên hàng đầu, chứ không còn là số phận của một vương triều, hoặc một ông vua. Sự thay đổi nhận thức này phải đến thế hệ Phan mới cổ; còn từ Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu trở về trước thì chưa có. Nguyễn Đình Chiểu, người từng viết với nỗi căm hận ngút trời: Bữa thấy bòng bong trắng lốp, muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói đen sì, toan ra cắn cổ; cũng là người đã viết: Tấc đất, ngọn rau, ơn Chúa; tài bởi cho nước nhà ta/ Bát cơm, manh áo, sự đời; mắc mở chỉ ông cha nó.

Vậy là khi đã gắn được dân với nước; đã nhìn đất nước qua tình cảnh của dân, thì sự xót xa, niềm đau khổ, mối hận thù sẽ càng tăng gấp bội. Đó là lý do để tạ hiểu nồng độ thống thiết của lòng yêu nước, trong bối cảnh mới, đã làm nên kích thước mới - như được thể hiện tập trung trong thơ văn Phan; làm nên sự sôi sục trong bầu không khí dân tộc ở phần đầu thế kỷ XX mà hai đoạn văn được dẫn trên, của Đặng Thai Mai và Hoài Thanh sẽ góp phần chứng tỏ.

Trở lại với khởi đầu là dân, và đích đến cũng là dân, với người phát ngôn là Phan và các chiến hữu của ông - đó sẽ là nguồn mạch xuyên suốt thế kỷ XX, đưa tới đỉnh cao Cách mạng tháng Tám, xác lập nền Dân chủ cộng hòa ở thời điểm 1945; rồi vẫn còn được tiếp tục khẳng định lại, với khẩu hiệu “Lấy Dân làm gốc” ở thời điểm khởi động công cuộc Đổi mới, năm 1986. Và cho đến bây giờ, trong kỷ nguyên hội nhập và Toàn cầu hóa - nếu nhìn vào tình cảnh người nông dân vẫn là thành phần cơ bản trong khái niệm dân, và người công nhân trong các khu công nghiệp, từng là thành phần lãnh đạo của Nhà nước Công Nông, thì mới thấy khát vọng dân chủ vẫn còn là một cái đích xa, chưa dễ một sớm một chiều mà thực hiện được như ao ước của Phan, và của biết bao thế hệ con cháu của Phan, cho đến bây giờ.

tu-tuong-lay-dan-lam-goc-1720458538.jpg
“Lấy dân làm gốc” là một trong những tư tưởng quan trọng được Đảng và Nhà nước ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn. Ảnh: Internet

Sự thống thiết của tình yêu nước còn cần được soi sáng bởi một vài phương diện khác, do hành trình hoạt động của Phan, là gồm 20 năm xa xứ và 15 năm bị giam lỏng ở chính quê nhà. Là người yêu nước mà phải xa nước; là người gắn bó với đất quê mà phải xa quê, Phan như một cái cây phải bứng ra khỏi đất trồng; và tình cảnh đó lâu lâu lại thấy xuất hiện ở Phan trong những câu thơ bùi ngùi: “Đã khách không nhà trong bốn biển/ Là người tù tội giữa năm châu”...

Trong bầu khí quyền xứ Nghệ, Phan là người từng nuôi chí cứu nước từ rất sớm, kể từ khi là cậu bé chơi trò bình Tây, và ở tuổi 17 viết Bình Tây thu Bắc; nhưng việc xác định con đường và cách thức cứu nước thì dường như chỉ có thể hình thành từ sau 1900, khi Phan vẫn phải trải qua để rồi kết thúc con đường văn chương cử nghiệp với cái bằng Giải nguyên khá muộn, ở tuổi ngoài 30 mới giành được; và cơ hội cứu nước chỉ có thể mở ra ở thời điểm 1905, sau chiến thắng của Nhật Bản đối với nước Nga - Sa hoàng. Ý niệm đồng văn, đồng chủng đã đến với Phan cùng với chủ trương bạo động và cầu viện đã thúc đẩy Phan tìm đường Đông du (1905) sau khi hình thành ý tưởng Duy tân (1904). Đã đặt lên vai Phan sứ mệnh người mở đường, thật là hăm hở, trong Xuất dương lưu biệt:

Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

(Bản dịch của Tôn Quang Phiệt)

Và với hành trình tìm đường kéo dài đến 20 năm, Phan thuộc số ít người phải vượt biên giới từ rất sớm, để truyền lửa về nước, trong những khoảng cách không gian khá lớn, lúc ở Nhật, lúc ở Tàu, lúc ở Xiêm. Nơi đâu Phan cũng khắc khoải, xót xa về tình cảnh của dân và nước mà ông không được cùng sẻ chia, cùng chịu đựng. Do vậy mà thư gửi về cho đồng bào từ hải ngoại của Phan là phải viết bằng máu, là huyết thư - Hải ngoại huyết thư. Sách viết về tình cảnh mất nước của người (xứ Lưu cầu - tức đảo Riou Kiou, nay thuộc Nhật Bản) cũng là viết bằng nước mắt và máu - là Lưu cầu huyết lệ tân thư. Lời chữ, âm giọng trong văn thơ Phan bao giờ cũng như dầu sôi, lửa cháy:

Anh em ơi xin tuốt gươm ra

Của nhà ta trả chủ ta.

(...)

Vạch trời xanh mà tuốt gươm ra

Cũng xương, cũng thịt, cũng da

Cũng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long

(...)

Hai mươi triệu dân cùng của hết

Bốn mươi năm nước mất quyền không.

Thương ôi công nghiệp tổ tông

Nước tanh máu đỏ non chồng thịt cao

Non nước ấy biết bao máu mủ,

Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang...

Một kẻ thù mới với những dã tâm và trang bị khác trước; một tình huống bi thảm sau ngót nửa thế kỷ liên tục nổi dậy đều thất bại; một cách nhìn gắn nối nước với dân, và dân với nước; và tình cảnh một người hết xa nước lại xa quê trong ngót 40 năm... đó là những nguyên cớ làm nên một kích thước mới, một nồng độ mới của lòng yêu nước mà Phan Bội Châu là đại diện tiêu biểu nhất trong lịch sử và lịch sử văn chương Việt Nam trong mở đầu thế kỷ XX.

1-phan-boi-chau-va-cuong-de-o-nhat-ban-172953-061019-82-1720458321.png
Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật. Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia

Khi kẻ thù là đến từ nửa vòng trái đất, và mang theo một gương mặt lạ - là Tây dương“mắt xanh mũi lỡ”, “đít cưỡi lừa”, “mồm huýt chớ”, với vũ khí là thuốc súng và chiến thuyền thì người chí sĩ yêu nước phải có một cách ứng phó khác với các bậc tiền bối, là không thể ngồi một nơi, ở yên một chỗ mà kêu gọi, hoặc bài binh bố trận. Một hình ảnh mới xuất hiện trong văn thơ cách mạng đầu thế kỷ XX là hình ảnh người chỉ sĩ trong những cuộc đi gần và xa, những cuộc đi không ngừng nghỉ, ở trong nước hoặc ra nước ngoài. Cùng với Phan, cả một thế hệ chí sĩ, ai đều có các cuộc đi như thế, dẫu phương tiện đi, ngoài tàu biển và xe lửa thì chủ yếu vẫn là đi bộ. Trong một hoàn cảnh giao thông và liên lạc rất khó khăn, và với sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền thực dân, những cuộc đi như vậy thật là cần thiết, thay vì các cuộc khởi nghĩa nổi lên từng lúc từng nơi, trong tình thế cô lập, suốt nửa sau thế kỷ XIX, cuộc trước gọi cuộc sau, nhưng rồi cuộc nào nhanh chóng bị dập tắt. cũng

Thuộc số người “xuất dương lưu biệt” từ rất sớm, Phan rồi sẽ có một hành trình 20 năm lưu lạc ở xứ người, trong đó có 5 năm (1913-1917) bị cầm tù. 20 năm với bao cuộc tiếp xúc với các nhân sĩ, chí sĩ ở nước ngoài như Khuyễn Dưỡng Nghị ở Nhật, Lương Khải Siêu ở Nhật và Trung Hoa... Để tìm phương sách cứu nước. Để cầu viện. Để tìm mua vũ khí. Để tìm trường huấn luyện thanh niên... Phương tiện giao thiệp vẫn là chữ Hán, - để bút đàm; để viết và đăng trên các báo chí ở nước ngoài, như Vân Nam tạp chí, Đông Á tân văn, Binh sự tạp chí..., rồi tìm cách gửi về nước. Vậy là lòng yêu nước và cách thức cứu nước của Phan, và các đồng chí của Phan đã có thể vượt biên giới quốc gia mà có một không gian rộng hơn, gồm một phần Đông Á và Đông Nam Á, trong đó Trung Hoa lúc này đã trở thành miếng mới to cho chủ nghĩa đế quốc xâu xé, và Nhật Bản nhờ vào ý thức canh tân khá sớm của một giai cấp tư sản hùng mạnh, và sức mạnh của khoa học và công nghệ để trở thành một cường quốc mới mà Phan gửi bao hy vọng.

Những gì được Phan viết ra trong hoàn cảnh phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ có một biên độ rộng hơn cho suy ngẫm, và một nồng độ cao hơn cho cảm xúc - điều đó dĩ nhiên đã đem lại một chất lượng mới, đưa văn chương Phan vào một quỹ đạo khác với tất cả văn thơ yêu nước nửa sau thế kỷ XIX - để từ cái nhìn quốc gia mà chuyển sang cái nhìn khu vực, trước khi đến với cái nhìn toàn cầu, trong hành trình của Nguyễn Ái Quốc, 15 năm về sau.

GS. Phong Lê