Phân tích quan hệ giữa hòa bình và “diễn biến hòa bình” (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các cuộc “cách mạng màu” - một dị bản khác của “diễn biến hòa bình” có kết hợp với yếu tố bạo loạn lật đổ - cũng được chủ nghĩa đế quốc thực hiện thành công ở một loạt nước.
morning-first-day-of-orange-revolution-1700491879.jpg
Những người biểu tình cách mạng Cam tập trung tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti ở Kiev ngày 22/11/2004. Ảnh: Wikipedia.

Nhìn nhận khái quát về những cuộc bạo loạn lật đổ ở một số nước, có thể thấy mặc dù có những điểm không giống nhau, nhưng “Cách mạng đường phổ”, “Cách mạng nhung”, “Cách mạng da cam”... chỉ là những tên gọi khác nhau để biểu đạt khái quát về một sản phẩm “sáng tạo” của phương Tây: Công nghệ giành chính quyền thông qua biểu tình. Thực chất, đây là những cuộc đảo chính lật đổ chính quyền theo kiểu dùng “bạo lực đường phố”, đặc biệt nguy hiểm một khi quần chúng bị kích động bởi những trung tâm quyền lực từ bên ngoài luôn rắp tâm “đục nước béo cò”.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc cùng các thế lực phản động quốc tế dùng mọi thủ đoạn, kể cả màn kịch “cách mạng nhung” để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy chúng ta cần hết sức cảnh giác nhằm chống lại âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm này của các thế lực thù địch, đặc biệt là giải quyết những mặt trái chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. “Diễn biến hòa bình” dù là một kế hoạch rất công phu của các thế lực thù địch nhưng cũng sẽ không có đất diễn nếu trong nội bộ đất nước ta không xuất hiện những điểm tựa thuận lợi cho chúng.

Trước hết, phải có sự nhận diện thoả đáng về phương diện lý luận đối với “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”. Rõ ràng, không phải bất cứ sự yếu kém nào trong đời sống xã hội, thậm chí trong hệ thống chính trị và chế độ nhà nước, cũng đều thuộc về phạm trù “diễn biến hòa bình”.

Đối với nước ta, nói đến “diễn biến hòa bình” là nói đến âm mưu, thủ đoạn tổng thể của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù dịch hòng làm chuyển hóa chế độ chính trị của ta từ bên trong mà không cần phải sử dụng đến bạo lực vũ trang để can thiệp. Về thực chất, nếu chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang mang tính nhà nước thì “diễn biến hòa bình” chính là sự thể hiện rõ ràng về mưu đồ làm cho sự kế tục của chính trị theo hướng trượt dốc, nhưng bằng thủ đoạn phi bạo lực vũ trang.

dh31932021-1700491937.jpeg
Phòng chống “diễn biến hòa bình” tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này. Ảnh: CPV

Trên thực tế, chưa thể coi những hiện tượng thoái hóa, biến chất của một bộ phận đảng viên và những bức xúc xã hội trong nhân dân, kể cả những “điểm nóng” xã hội song chưa đụng đến chế độ chính trị và nhà nước, là “diễn biến hòa bình”. Tuy nhiên, chính sự thoái hóa, biến chất của đội ngũ lại là tiền đề, mầm mống của sự biến chất chế độ chính trị, và nó thuộc về phạm trù “tự diễn biến”.

Thành thử, “tự diễn biến” luôn chứa đựng nội hàm rộng hơn, và khi được đẩy lên đến mức phổ biến thì chắc chắn sẽ trực tiếp dẫn thẳng đến làm biến chất chế độ chính trị. Nhìn tổng thể thì có thể thấy âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chuyển hóa chế độ ta bằng “diễn biến hòa bình” là hết sức nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là khai thác những mầm mống và khả năng “tự diễn biến” để chuyển hóa ta cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Tất nhiên cần thấy, “diễn biến hòa bình” không thể làm nổi công việc nhấn nút kết thúc một khi tiền đề của nó là quá trình “tự diễn biến” đã được ta ngăn chặn.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến