Những nguyên nhân khiến Mỹ thất bại trong chiến tranh phá hoại miền Bắc (Phần 1)

Lương Đàm
Về tổng thể, các mục tiêu chiến lược mà Mỹ đề ra trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân lần thứ nhất đã không thể thực hiện được.
sukienvinhbacbovasudoitracuachinhquyenmysukienvinhbacbo1964doitracuamy11564544920width762height500-20190804171433-1691494150.jpg
Tháng 8/1964, Mỹ tiến hành chiến dịch Mũi Tên Xuyên nhằm ném bom một số cửa biển quan trọng của Việt Nam nhằm mục đích "trả đũa" cho sự kiện vịnh Bắc Bộ. 

Nhân dân miền Bắc vẫn bền tâm, vững chí vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa bảo đảm đời sống vừa chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam. Đó là một trong những thành quả lớn của đường lối cách mạng đúng đắn, đồng thời là giá trị trực tiếp của sự phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng ta về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong thời kỳ đầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn tạo tiền đề và để lại những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, lập nên một Điện Biên Phủ trên không bất hủ. Đó chính là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố:

Một là, luôn luôn nắm vững âm mưu, thủ đoạn và khả năng đánh phá của địch để tìm giải pháp đối phó thích hợp, giành thắng lợi. Việc nghiên cứu nắm vững âm mưu địch rất quan trọng nhằm dự đoán đúng thời cơ, xác định hình thức, biện pháp phòng, tránh và đánh trả. Phòng, tránh là tổng hợp tất cả các biện pháp bảo tồn mọi tiềm lực, hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất để giữ vững ổn định kinh tế - xã hội. Đánh trả là giải pháp bảo vệ tích cực, kiên quyết nhất nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Hai hình thức đó đều mang tính chủ động, tích cực bo sung cho nhau và đều được coi trọng trong tổng thể phương thức phòng không độc đáo.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta ngay từ khi chuẩn bị đối phó và trong suốt quá trình chống chiến tranh phá hoại là thực hiện chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, được triển khai với những nội dung cụ thể: toàn dân tham gia bắn máy bay và vây bắt giặc lái, toàn dân tham gia phòng tránh, toàn dân tham gia bảo đảm giao thông vận chuyển.

Việc sơ tán, phòng, tránh không mang ý nghĩa chạy trốn mà là chuyển toàn bộ nền kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện chiến tranh. Phòng tránh để giảm tổn thất, để duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, thực hiện phương châm vừa kháng chiến vừa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Hai là, bằng mọi nỗ lực tổ chức thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, gồm các nội dung chính: tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi trọng điểm; xây dựng hầm hào phòng không báo động phòng không; tổ chức khắc phục hậu quả; giữ vững mạch máu giao thông vận chuyển. Tổ chức sơ tán có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến cơ sở, liên quan trực tiếp đến nhiều tỉnh tiếp nhận sơ tán.

Ban Sơ tán Trung ương chỉ đạo phối hợp giữa Thủ đô với các tỉnh để phát huy trách nhiệm chung và tổ chức điều hành chặt chẽ. Xây dựng hầm hào phòng không phải tổ chức và phát động toàn dân thực hiện, lấy dân quân tự vệ làm nòng cốt; chỉ đạo mỗi người đều có hầm phòng không tại nơi ở, nơi công tác và trên đường giao thông. Toàn bộ hệ thống hầm phòng không được quản lý chặt chẽ để điều động hợp lý, phát hiện và cứu nạn, khắc phục hậu quả kịp thời. Báo động phòng không được tổ chức rộng khắp để bảo đảm kịp thời, kết hợp mạng tình báo với mạng vọng quan sát trực tiếp để chủ động thông báo báo động bằng mọi phương tiện.

nhipsonghanoihanoimoicomvn-uploads-images-tuandiep-2019-12-16-ham-1691493964.jpg
Xuống hầm trú ẩn cá nhân trên phố khi có báo động. Ảnh tư liệu.

Chủ động tổ chức khắc phục hậu quả là cần thiết để nhanh chóng ổn định tình hình và đưa hoạt động trở lại bình thường, cần huy động nhiều ngành và chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ; có sự phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, tổ chức thành nhiều tuyến để tăng khả năng giải quyết kịp thời và đồng thời; các tình huống xấu nhất đều được dự kiến để chủ động đối phó; đặc biệt phải dựa vào quần chúng và phát động quần chúng.

Giữ vững mạch máu giao thông vận chuyển không chỉ bảo đảm sinh hoạt dân sự thời chiến, mà còn là huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, nên cần tập trung lực lượng đánh địch để bảo vệ, gắn với chủ động chuẩn bị các phương tiện thay thế; coi trọng quản lý và rà phá bom nổ chậm, tổ chức cả công binh nhân dân và công binh phá bom chuyên nghiệp của bộ đội.

Ba là, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Việc xây dựng và vận hành thế trận phòng không nhân dân đã phát huy trách nhiệm chung của quân và dân dưới sự chỉ đạo thống nhất của trung ương nên rất nhuần nhuyễn, cho phép vừa đánh địch rộng khắp vừa đánh tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn; vừa tác chiến tại chỗ vừa cơ động, tạo sự bảo vệ lẫn nhau, phân công và phối hợp đánh các loại mục tiêu, tránh tổn thất; đánh địch liên hoàn, vững chắc và có chiều sâu; nghi binh lừa địch để tiến hành phục kích tiêu diệt lớn...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến