Những giải pháp phòng ngừa và triệt tiêu khả năng dẫn đến bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Đối với lĩnh vực văn hóa tư tưởng, đó là tăng cường công tác lý luận, tư tưởng, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng; bảo vệ, củng cố vai trò nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
ban-chap-hanh-trung-uong-dang-cong-san-viet-nam-8102023-1709047741.jpg
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, cần chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và tinh thần tự cường dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước. Mặt khác, phải kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội dân chủ, các luận điệu tuyên truyền vu cáo chủ nghĩa xã hội, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần tiếp thu có chọn lọc các tính hoa của văn hóa nhân loại, đi đôi với ngăn chặn, đẩy lùi các văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Đối với lĩnh vực xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo, đó là củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân theo đúng pháp luật và truyền thống văn hóa Việt Nam. Cần đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng rừng núi, biên giới; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo; thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.

Để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh trong vùng đồng bào các dân tộc, tôn giáo, cần chú trọng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại chỗ vừa trung thành vừa có uy tín. Đặc biệt, cần làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín... trong vận động quần chúng và ngăn ngừa, đấu tranh với mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động quần chúng ly khai, chống Đảng và chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

1-4-1709047907.jpg
Bộ đội, dân quân và các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả mưa dông và lốc xoáy. Ảnh Phan Định

Đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ sự nghiệp quốc phòng và an ninh; chống “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; xây dựng lực lượng vũ trang vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và hành động bạo loạn lật đổ của địch; không để địch cài cắm, móc nối, mua chuộc... làm biến chất nội bộ; bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia.

Cần nâng cao năng lực và hiệu quả làm tham mưu đối với Đảng, Nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan chức năng về quốc phòng, an ninh; luôn chủ động, có quyết sách đúng đắn để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đặc biệt, phải tăng cường mối đoàn kết giữa quân đội và công an; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, nắm chắc mọi hoạt động của địch, phát hiện, bóc gỡ các tổ chức tình báo, gián điệp, phản động; tăng cường quản lý và đấu tranh với các phần tử cơ hội, bất mãn chống Đảng, Nhà nước.

Đối với lĩnh vực đối ngoại, đó là trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia để tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập khu vực, thế giới. Cần tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo hướng giữ vững môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, cần đổi mới tư duy đối ngoại để theo kịp với sự phát triển mau lẹ của tình hình thế giới; xác định đúng đối tác, đối tượng trên các lĩnh vực; khai thác sự đồng thuận trong các quan hệ lợi ích đan xen, phụ thuộc lẫn nhau trên thế giới, trong khu vực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

dai-hoi-9-220121-4-1709047741.jpg
Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn sau khi gia nhập ASEAN (1995), trong đó có tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Cùng với việc chủ động tiến công trên mặt trận đối ngoại, vạch trần và làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam dưới mọi hình thức, cần chú trọng vận động Việt kiều tham gia phát hiện, đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá của các phần tử phản động người Việt lưu vong. Đối ngoại quốc phòng và đối ngoại an ninh phải phối hợp chặt chẽ với nhau và làm tốt công tác đối ngoại nhân dân nhằm phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, không cho địch lợi dụng lãnh thổ các nước láng giềng để xâm nhập, hỗ trợ, chỉ đạo chống phá Việt Nam.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến