Mối quan hệ giữa hòa bình và chính trị (Phần 1)

Xét về cơ bản, hòa bình và chính trị đồng thuận với nhau, khác với chiến tranh là hiện tượng rất khó để khái quát bản chất chính trị của nó. Chính vì thế, chỉ khi nghiên cứu thật kỹ lưỡng về chiến tranh, người ta mới phát hiện và khái quát được về bản chất chiến tranh là sự kế tục của chính trị.
moitruong-opii-1699890057.jpg
Câu chuyện hoà bình được gắn với biến đổi khí hậu - vấn đề mà Liên Hợp Quốc khẳng định đang tạo ra 1 cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ảnh: Reuters

Trong trạng thái bình thường, chính trị luôn đồng hành với hòa bình. Chính trị lấy hòa bình làm điểm tựa, tiền đề và tiêu chí phấn đấu vươn tới để tự bình ổn. Ngược lại, hòa bình lấy chính trị làm điểm tựa, lực lượng xã hội cơ bản để tự duy trì. Sự thống nhất giữa chính trị và hòa bình thể hiện đặc biệt rõ nét trong những thời đại “quốc thái - dân an” xét ở phạm vi từng quốc gia, dân tộc nói riêng, cũng như trong những thời đại “thiên hạ thái bình - quốc gia vô sự” xét ở phạm vi khu vực và quốc tế.

Nghiên cứu bản chất của hòa bình với tính cách là sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn phi bạo lực vũ trang thực chất là nghiên cứu mối quan hệ giữa đường lối chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định với các thủ đoạn duy trì đường lối ấy trừ thủ đoạn bạo lực vũ trang. Nhưng, chính trị còn bao hàm các quan hệ chính trị, tổ chức chính trị, chủ thể chính trị và các hoạt động chính trị. Ngoài hoạt động đấu tranh vũ trang, chính trị còn được kế tục bằng các hoạt động đấu tranh kinh tế, tư tưởng, ngoại giao...

Đương nhiên, hoạt động chính trị và đấu tranh chính trị mà không phải sử dụng đến bạo lực vũ trang và các hình thức đấu tranh vũ trang là lý tưởng nhất. Theo đó, nền chính trị được xây dựng và vận hành trên căn cốt của mối quan hệ giữa hòa bình và chính trị là hình mẫu ưu trội so với dựa trên quan hệ giữa chiến tranh và chính trị. Tất nhiên, vì được kế tục trong môi trường hòa bình, nền chính trị cũng buộc phải tránh những “điểm nóng” không cần thiết, nhất là những “điểm nóng” có khả năng chuyển hóa thành đấu tranh vũ trang và nguy cơ chiến tranh.

Mối quan hệ giữa hòa bình với chính trị cũng thể hiện ở sự tương tác lẫn nhau giữa chúng. Tất nhiên, sự tương tác ấy là khác nhau bởi nội dung, tính chất của mỗi nền chính trị ở mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi thời điểm lịch sử là không giống nhau, thậm chí đối lập nhau. Có nền chính trị tiến bộ cách mạng, thúc đẩy các quốc gia, dân tộc và cả nhân loại tiến lên, có nền chính trị kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của quốc gia, dân tộc và nhân loại, và cũng có nền chính trị mà trong đó về mặt này là tiến bộ, nhưng mặt khác lại là lạc hậu, thậm chí phản động. Do vậy, trong mối quan hệ với hòa bình, không phải nền chính trị nào cũng luôn cần đến môi trường hòa bình, tha thiết với hòa bình và hoàn toàn đứng trên nền tảng hòa bình để giải quyết mọi vấn đề.

be-mac-ky-hop-thu-muoi-quoc-hoi-khoa-xiv-180842250-5138460-1699890154.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Các nền chính trị được xây dựng trên cơ sở chế độ tư hữu ngay khi hình thành đã thường phải vượt cạn bằng chiến tranh (nội chiến) với thể chế quan phương. Trong quá trình phát triển, các nền chính trị ấy cũng thường xuyên phải sử dụng đến bạo lực trấn áp bằng vũ trang trong đối nội và mở rộng sự thống trị giai cấp sang thống trị dân tộc trong đối ngoại - đó là cái gốc của chiến tranh. Trong rất nhiều trường hợp, chính trị hòa bình đối với các giai cấp thống trị bóc lột trở thành thứ hài xa xỉ, hoặc được coi như đồ trang trí cao cấp hòng mị dân và “đánh bóng” chế độ. Đặc biệt, khi đến bước suy tàn, các nền chính trị dựa trên cơ sở chế độ tư hữu thường tìm đến chiến tranh như một cách cứu giúp hòng vớt vát lợi ích và vị thế chính trị của giai cấp cầm quyền.

Nền chính trị phản động trước sau đều gắn với sự phá hoại hòa bình. Trong thực tế, ngay trong tiến trình chính trị thời bình, nhà nước của các giai cấp thống trị bóc lột thay vì chăm lo xây dựng môi trường hòa bình, ổn định lại thường chú trọng thiết kế các phương án, xây dựng các quyết sách, huy động các lực lượng vật chất và tinh thần có thể để chuẩn bị chiến tranh hoặc nhằm trấn áp sự phản kháng của dân chúng, hoặc để mở rộng quyền lực thống trị.

Thay vì chăm lo gìn giữ hòa bình thì nền chính trị ấy lại sốt sắng sắm vai trò sắp xếp tổ chức và con người, huy động phương tiện, cơ sở vật chất từ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong nước, dàn xếp các quan hệ đối ngoại, hình thành các khối liên minh với các quốc gia trên thế giới và khu vực, tạo nguyên cớ cho chiến tranh nổ ra. Trong không ít trường hợp, chính trị còn chủ động xây dựng kịch bản, ấn định thời điểm phát động chiến tranh, nhất là chiến tranh xâm lược.

Ngay cả trong trường hợp chiến tranh tự vệ thì khát vọng hòa bình của các nền chính trị này cũng chỉ được đặt ra khi đụng chạm đến sự mất còn về lợi ích chính trị của giai cấp thống trị phản động. Việc ký kết các hiệp ước chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình cũng chỉ được thực hiện trên cơ sở đem lại lợi ích cho thiểu số là giai cấp thống trị bóc lột.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến