Mô hình quốc phòng theo phân cấp quản lý

Lương Đàm
Việc xây dựng và vận hành quốc phòng gắn với lý luận - thực tiễn vấn đề chiến tranh và hòa bình nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội phải tính đến những mô hình quốc phòng theo phân cấp quản lý. Một mặt, có thực hiện được điều đó thì mới tạo sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, tránh làm thay, chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, đó còn là phương cách tốt nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn, thu hút được tất cả các cấp quản lý nhà nước nhằm tăng cường quốc phòng trên từng địa bàn.
567211104240am-1722440115.jpg
Huấn luyện chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu tại Trạm Ra-đa 68, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Mô hình quốc phòng thuộc cấp trung ương quản lý bao gồm hệ thống chính sách lớn, những quyết sách chiến lược về quốc phòng gắn với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đó còn là hệ thống pháp luật cũng như những chính sách, cơ chế về quốc phòng cần vận dụng ở từng địa phương để tạo hành lang pháp lý thuận lợi tối đa cho quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng nhằm giải quyết tốt vấn đề chiến tranh và hòa bình để phát triển bền vững.

Mô hình này cũng bao gồm hệ thống các tổ chức, các lực lượng chủ lực của Trung ương đứng chân trên địa bàn được tăng cường trực tiếp. Mô hình quốc phòng thuộc cấp trung ương quản lý còn bao gồm các phương án vận hành quốc phòng nhờ sự chuẩn bị hệ thống tiềm lực, thế trận, lực lượng... do Trung ương quản lý, cũng như huy động từ mọi nguồn lực mà Trung ương nắm để tăng cường giải quyết mọi tình huống chiến lược trên địa bàn.

Mô hình quốc phòng thuộc cấp địa phương quản lý lại có thể được cấu trúc cụ thể hơn từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, riêng cấp xã được phân định phổ biến thành cấp cơ sở. Ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay đang là mô hình khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), trong đó bao quát cả các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng hình thành những khu vực phòng thủ, tất nhiên với quy mô nhỏ hơn. Xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương trên cơ sở thấu triệt quan điểm của Đảng “xây dựng tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc” với phương châm “vững toàn diện, mạnh trọng điểm” là tiền đề tất yếu để giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.

s4-1722440115.jpg
Cơ động chiến đấu phòng ngự. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Nhìn chung, mô hình quốc phòng theo phân cấp địa phương quản lý là khu vực phòng thủ được tổ chức về quốc phòng theo địa giới hành chính, nằm trong hệ thống phòng thủ chung của cả nước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó không phải là hình thức tổ chức hành chính nhà nước hoặc lực lượng vũ trang mà là một không gian địa lý, trong đó nhiệm vụ quốc phòng, lực lượng quốc phòng, hoạt động quốc phòng... được kết hợp chặt chẽ, hòa quyện, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau từ cơ sở đến toàn vùng. Khu vực phòng thủ địa phương thực chất là tổng thể thế trận quốc phòng toàn dân trên từng tỉnh, huyện nhằm tạo nên sức mạnh quốc phòng tổng hợp, đồng thời sẵn sàng động viên sức mạnh đó nhằm giải quyết các tình huống xung đột vũ trang hoặc chiến tranh.

Trong thời bình, khu vực phòng thủ là nơi trực tiếp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trực tiếp phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, vai trò tự bảo vệ của từng địa phương làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó cũng là tiền đề để huy động nhanh nhất sức người, sức của tại chỗ, kịp thời đối phó với diễn biến tình hình phức tạp trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Khi chiến tranh xảy ra, khu vực phòng thủ là nơi tổ chức, chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, chủ động tác chiến phòng thủ và đánh tiêu hao địch rộng khắp, ngăn chặn bước tiến và thủ đoạn mở rộng chiến tranh của địch. Xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc góp phần quyết định củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy tính tự lực của từng địa phương trong tác chiến, thực hiện xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh, vừa chiến đấu vừa sản xuất.

Mô hình quốc phòng thuộc cấp cơ sở quản lý, xét trong tính phổ biến ở nước ta là cấp xã, là nơi trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, nơi xây dựng những “tế bào gốc” của nền quốc phòng toàn dân. Đương nhiên, trong mô hình quốc phòng ở cơ sở cũng chứa đựng những yếu tố quốc phòng mang tầm rộng hơn, song nhìn chung thì việc xây dựng mô hình này bao chứa những vấn đề, khía cạnh, yếu tố, nội dung rất cụ thể, có ý nghĩa thiết thực đối với từng làng, bản, buôn, bon..., thậm chí từng hộ dân.

Về tiềm lực quốc phòng, đó là sự huy động trực tiếp nguồn lực từ đồng bào, cùng với sự đầu tư của trên. Về thế trận quốc phòng, sự liên kết giữa thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân là liên kết hữu hình, trực tiếp. Về lực lượng quốc phòng, cơ bản nhất và quan trọng nhất chính là lực lượng dân quân tự vệ được triển khai rộng khắp. Về phương thức vận hành, đó là nền quốc phòng do người dân trực tiếp tổ chức xây dựng, vận hành và thụ hưởng thành quả.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến