Luận bàn về chiến tranh và hòa bình trong Chiến tranh thế giới thứ II (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Để tăng cường sự chỉ đạo các lực lượng vũ trang, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngay từ đầu chiến tranh đã cử một phần ba số cán bộ có năng lực đang công tác tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước vào nắm giữ các trọng trách về mặt chỉ huy và lãnh đạo trong quân đội và hạm đội.
642d801bec244f024b54eb9a-1702828164.jpg
Binh sĩ Xôviết giải phóng Crimea đầu năm 1944. Ảnh: Internet

Với mục đích kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội ở các cấp binh đội và binh đoàn, hàng triệu đảng viên cộng sản Bônsêvích và đoàn viên thanh niên Cômxômôn đã được động viên tăng cường cho lực lượng vũ trang trên các mặt trận. Việc xây dựng các lực lượng dự bị chiến lược cũng được đẩy mạnh, đã tổ chức, giáo dục và cử ra mặt trận nhiều đơn vị với hàng trăm nghìn chiến sĩ tình nguyện.

Cùng với nhiều biện pháp được áp dụng nhằm tăng cường khả năng phòng không quốc gia ở hậu phương là việc tổ chức phong trào chiến tranh du kích trong vùng tạm thời bị địch chiếm. Hàng trăm nghìn người dân Xôviết đã đứng lên tham gia các cuộc đấu tranh sau lưng địch. Hoạt động đấu tranh vũ trang trong hậu phương địch cũng được đẩy mạnh. Các biện pháp mang tính chiến lược trên là một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định để đưa đất nước Xôviết vượt qua thử thách hiểm nghèo, chặn đứng âm mưu, thủ đoạn đánh nhanh thắng nhanh của quân đội phátxít Đức. Do vậy, lúc đầu, Hồng quân tuy gặp phải khó khăn tột bậc, tổn thất nặng nề và buộc phải rút lui trên nhiều hướng, song sau đó đã đứng vững và chặn được bước tiến ồ ạt của địch, và quan trọng hơn là dần dần xoay chuyển được cục diện chiến lược và tiến tới chiến thắng cuối cùng.

m-sum20-bagration-8-copy-1702828164.png
Quân Liên Xô trong chiến dịch Byelorussian. Ảnh: Internet

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, việc Mỹ - Anh mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu chỉ được tiến hành vào thời điểm giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, khi phátxít Đức đang đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn và chỉ một mình Liên Xô cũng đủ sức tiếp tục hoàn thành việc tiêu diệt Nhà nước Đức quốc xã. Trên thực tế, cuộc công phá thành Béclin đã chứng tỏ rõ ràng khả năng không thể chối cãi ấy. Hơn thế, với mục đích chính trị của mình, chỉ ba tháng sau khi tiêu diệt phátxít Đức, Nhà nước Liên Xô đã tuyên bố tình trạng có chiến tranh với Chính phủ quân phiệt Nhật Bản và đã mở ra trên chiến trường Viễn Đông một chiến cục mới.

Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố nhằm thực hiện tinh thần của Hiệp ước Pốtxđam được ký kết giữa các nước Đồng minh. Tuyên chiến với Nhật, Liên Xô nêu rõ đây là nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng phải làm trước vận mệnh của các nước đang bị chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản nô dịch, nhanh chóng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân Nhật Bản tránh khỏi nguy cơ bị tàn phá như nước Đức phátxít vừa trải qua sau khi từ chối việc đầu hàng không điều kiện.

bundesarchiv-bild-183-r86965-potsdamer-konferenz-gruppenbild-1702828365.jpg
Các nhà lãnh đạo tham gia Hiệp ước Pốtxđam từ trái qua phải: Clement Attlee, Harry S. Truman, Iosif Stalin, đằng sau: William Daniel Leahy, Ernest Bevin, James F. Byrnes và Vyacheslav Molotov. Ảnh: Internet

Liên Xô cũng khẳng định lập trường trước sau như một giữ vững tuyên bố với các nước Đồng minh, cùng Đồng minh đánh đuổi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản ra khỏi các nước ở lục địa châu Á, giúp đỡ nhân dân Trung Quốc, Triều Tiên và các nước khác ở châu Á giành lại quyền tự do và độc lập dân tộc của mình.

Cuộc chiến tranh của Liên Xô chống chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản với những điều kiện trên đã được các nước Đồng minh chấp nhận bằng cách chuyển các nỗ lực chủ yếu từ chiến trường châu Âu sang chiến trường Viễn Đông. Chiến cục ở Viễn Đông tiêu biểu ở chỗ quy mô diễn ra trên một không gian rộng lớn nhưng thời gian tiến hành lại ngắn nhất và đạt được kết quả to lớn nhất nếu đem so sánh với các chiến cục khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Lực lượng vũ trang Xôviết đã hoàn toàn tiêu diệt lực lượng chủ yếu của lục quân Nhật Bản - đạo quân Quan Đông - đòn quyết định buộc Chính phủ quân phiệt Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện. Một đặc điểm nữa là Liên Xô đã giành thắng lợi hoàn toàn chỉ bằng một chiến dịch tiến công chiến lược nổi tiếng - chiến dịch Mãn Châu.

chien-dich-man-chau-9-8-2-9-1945-1-1702828485.jpg
Quân đội Liên Xô giải phóng thành phố Hắc Long Giang trong chiến dịch Mãn Châu. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, xét ở bình diện chung, kể cả đến khi kết thúc chiến tranh, trở về với sự kế tục hòa bình, thì sự chuyển hóa chiến tranh và hòa bình “hậu Chiến tranh thế giới thứ hai” cũng hết sức phức tạp. Bản thân phương thức kết thúc chiến tranh ở từng chiến trường cũng cho thấy sự đa dạng về con đường đi của chính trị xuyên qua luồng gió xoáy chiến tranh hòa bình.

Thời kỳ đầu, Pháp và Tây Âu kết thúc nền chính trị bằng đầu hàng chủ nghĩa phátxít, còn Anh thì rút toàn bộ lực lượng về án binh bất động sau thất bại trên mặt trận Thái Bình Dương. Mãi đến khi “giấy báo tử chiến tranh” đã ghi tên Đức quốc xã thì Mỹ và Anh mới mở “Mặt trận phía Tây” hòng “đục nước béo cổ”. Hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật chỉ đem lại thương đau khủng khiếp cho người dân mà không thêm chút gì vào quyết định đầu hàng vô điều kiện của Nhật hoàng sau khi đạo quân Quan Đông bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt.

Ngoại trừ một số nước tận dụng thời cơ thuận lợi là thắng lợi của Đồng minh chống phátxít để giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường riêng của mình, không ít quốc gia nhược tiểu tiếp tục rơi vào vòng lệ thuộc các cường quốc. Chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, song được thay thế bằng chủ nghĩa thực dân mới, do vậy không thể giải trừ hết nguy cơ chiến tranh.

Dấu ấn lớn về vấn đề hòa bình thế giới khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai là các hội nghị quốc tế của phe thắng trận, sự ký kết các hiệp ước đa phương về kết thúc chiến tranh, giải giáp “phe Trục”, lập lại hòa bình và thiết lập những định chế quốc tế nhằm chống nguy cơ chiến tranh, gìn giữ hòa bình thế giới. Tổ chức thế giới Liên hợp quốc ra đời và đóng vai trò ngày càng tăng trong việc thu hút tất cả các quốc gia, dù khác biệt về chế độ chính trị là sự kiện vĩ đại đánh dấu thời kỳ mới “thi đua hòa bình”, giải quyết mọi tranh chấp bằng diễn đàn thương lượng quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần thấy kể từ năm 1945, sau chiến tranh nóng là thời kỳ “chiến tranh lạnh” kéo dài với hai hệ thống chính trị đối lập trên thế giới. Cùng với xu thế hòa hoãn giữa các quốc gia có chế độ chính trị đối lập quy tụ vào Liên hợp quốc, đã xuất hiện phong trào “không liên kết” của các quốc gia kém phát triển. Và có thể nói, tình trạng “chiến tranh lạnh - hòa bình nóng” vẫn còn tồn tại cho đến nay.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến