
Một số cơ sở đào tạo đã tập trung đào tạo tinh hoa ở một số ngành như: Khoa học - công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, y tế... phục vụ cho những ngành công nghệ mũi nhọn của đất nước. Đánh giá về chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã khẳng định: “Chất lượng sản phẩm đào tạo luôn được đánh giá chặt chẽ, khách quan, đảm bảo đúng thực chất năng lực học và rèn luyện của học viên... Kết quả đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội hoá giáo dục, tham gia tích cực vào chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh”. Một số cơ sở đào tạo có chất lượng đào tạo hệ dân sự tốt như:
Học viện Kỹ thuật Quân sự: kết quả tốt nghiệp của 6 khoá học từ khoá I (năm 2007) đến khoá VI (năm 2012), có tổng số 3.645 học viên tốt nghiệp; trong đó, giỏi 52 học viên (chiếm 1,4%), khá 608 học viên (chiếm 16,7%), trung bình khá 2.417 học viên (chiếm 66,3%), trung bình 562 học viên (chiếm 15,4%) và không đạt 6 học viên (chiếm 0,2%).
Học viện Quân y: Kết quả đào tạo các đối tượng bác sĩ dài hạn dân y từ khoá I (năm 2008) đến khoá V (năm 2012); bác sĩ dài hạn cử tuyển Tây Nguyên từ khoá I đến khoá III (năm 2012); đại học dược dân sự khoá I (năm 2011) với tổng số 892 học viên tốt nghiệp; trong đó, giỏi 13 học viên (chiếm 1,2%), khá 362 học viên (chiếm 37,7%), trung bình khá 507 học viên (chiếm 53%), trung bình 10 học viên (chiếm 1%), không đạt 59 học viên (chiếm 6,1%) và vi phạm quy chế 5 học viên (chiếm 0,7%).
Cơ cấu nguồn nhân lực được biểu hiện ở tỷ trọng lao động của từng ngành, thành phần kinh tế, vùng kinh tế trong tổng số lao động xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, khu vực và thế giới trong mỗi giai đoạn nhất định. So sánh cơ cấu lao động của Việt Nam và thế giới theo ba khu vực sản xuất cho thấy: Để chuyển dịch cơ cấu lao động với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn gặp không ít khó khăn. Do đó, Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng phải góp phần khắc phục sự bất hợp lý về cơ cấu.
Theo đó, cơ cấu đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội được thực hiện, bảo đảm sự cân đối về trình độ, ngành nghề, giới tính, vùng miền...; đặc biệt, thông qua chính sách cử tuyển và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các đối tượng chính sách xã hội khác, từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ cấu, vùng miền, dân tộc, giới tính... Học viện Quân y đã đào tạo được 300 bác sĩ dài hạn cử tuyển Tây Nguyên; trong đó khoá I: 99 học viên, tốt nghiệp năm 2010, khoá II: 91 học viên, tốt nghiệp năm 2011 và khoá III: 110 học viên, tốt nghiệp năm 2012. Số lượng đào tạo là con em các dân tộc thiểu số tăng; năm 2007 là 35 dân tộc, năm 2012 đã tăng lên 42 dân tộc; từ đào tạo cho 5 tỉnh Tây Nguyên đến nay là đào tạo cho 15 tỉnh gồm: 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh: An Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Kiên Giang, Hà Giang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Trà Vinh. Số con em đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo chính sách cử tuyển hiện có 525 học viên, trong đó nữ là 254 và nam là 271.

Sau hơn 20 năm qua tham gia đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã nhận được sự tin tưởng của xã hội, người học ra trường đóng góp hiệu quả, phát triển tốt trong các lĩnh vực; ngoài trình độ chuyên môn ngoại ngữ, công nghệ thông tin tương đương các trường tốp đầu của cả nước, người học còn được sinh hoạt, rèn luyện trong môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn và sôi nổi. Nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội là nguồn dự bị động viên chất lượng cao sẵn sàng bổ sung cho Quân đội thời bình và khi có tình huống xảy ra, phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở huy động được các nguồn lực rộng rãi từ xã hội.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã tiến hành đào tạo với số lượng “hơn 93.000 học viên, sinh viên với hơn 90% được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở khám chữa bệnh... trong toàn quốc. Trong đó có hơn 1.300 học viên, sinh viên được tuyển dụng vào Quân đội. Nhiều người trở thành giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành…”. Kết quả này là một minh chứng khẳng định trong thời gian tới, Quân đội tiếp tục tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không chỉ phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh và năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo trong Quân đội, mà qua đó Quân đội còn thực hiện vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Quá trình tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, các cơ sở đào tạo trong Quân đội tập trung vào những lĩnh vực, ngành mà nền kinh tế có nhu cầu cao, cấp thiết, mang tính lưỡng dụng, chuyên sâu như khoa học giáo dục, khoa học nhân văn, khoa học y dược, sức khỏe, kỹ thuật và công nghệ, nhất là nhân lực chất lượng cao về khoa học máy tính, an ninh thông tin, truyền thông đa phương tiện, công nghệ cơ khí, tự động hóa, chíp bán dẫn, điện - điện tử là thế mạnh của một số cơ sở đào tạo trong Quân đội; hơn nữa Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không vì mục tiêu lợi nhuận, không làm tăng tổ chức biên chế, quân số, mà vẫn bảo đảm uy tín, chất lượng, tạo sự ổn định và phát triển bền vững của các cơ sở đào tạo trong Quân đội.