Đến bao giờ, những giá trị cao hoặc đỉnh cao trong Văn học?

Huyền Văn
Thế nào là tác phẩm hay, là có giá trị cao, hoặc đỉnh cao? Tưởng là dễ mà hóa ra không dễ khi đặt tác phẩm vào môi trường sáng tạo của tác giả và tiếp nhận của công chúng qua thời gian.

Trước hết là câu hỏi: Thế nào là tác phẩm hay, là có giá trị cao, hoặc đỉnh cao? Tưởng là dễ mà hóa ra không dễ khi đặt tác phẩm vào môi trường sáng tạo của tác giả và tiếp nhận của công chúng qua thời gian. Truyện Kiều là trường hợp gần như duy nhất có sự sống vượt thời gian, thế nhưng từng có lúc bị các bậc trí thức rất đáng trọng về nhân cách cho là dâm thư, và nhân vật chính trong đó là con đĩ! Ta quen có câu trả lời cho vấn đề này là cần chờ và nhờ vào sự thẩm định của thời gian và công chúng.

Thời gian quá ngắn thì quả là chưa đủ cho sự thử thách. Nhưng dài thì dài đến đâu? Dăm năm hoặc vài chục năm, nếu là vào một thời bình yên, ít có biến động, để cho cái hay, cái đẹp là chiếm lĩnh ngay tức khắc, hoặc dần dần được hé lộ. Nhưng nếu là thời trải những biến động lớn, như chiến tranh, hoặc các cuộc khởi nghĩa, những thay đổi triều đại hoặc thể chế chính trị thì có khi còn bị đảo ngược. Cái được hiểu là phò Lê thì Tây Sơn diệt. Cái theo Tây Sơn thì nhà Nguyễn diệt... Như vậy thời gian là cần nhưng không nên sốt ruột; độ dài thời gian như thế nào là tùy thuộc vào độ giá trị của tác phẩm cùng với tình thế và tâm thế thời đại. Còn công chúng? Đó là công chúng nào, tùy theo đặc trưng và sự phân hóa, phân tầng của xã hội. Xã hội phong kiến khác xã hội tư bản. Xã hội tư bản khác xã hội xã hội chủ nghĩa... Tâm thế nông dân khác người thành thị. Người ít học khác bậc trí thức. Người già hoặc đứng tuổi khác thế hệ trẻ. Trong rộng lớn và phức tạp của các thị hiếu, cần chọn một thị hiếu nào đó là chủ đạo. Một tác phẩm hay phải là hay với một đối tượng chủ yếu nào đó trước khi nói đến hay cho tất cả. Chọn lấy những kiệt tác của văn học dân tộc và nhân loại đưa ra để kiểm nghiệm độ hay thì sẽ thấy không phải bất cứ lúc nào, hoặc bất cứ ai cũng nhất tề công nhận.

truyenkieu-1666586413.jpg
Ảnh nguồn Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch

Không kể trong nền kinh tế thị trường hình thành cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, làm nên thời hiện đại như hiện nay chúng ta đang sống, thì tất cả mọi giá trị của các loại giải văn chương, gồm cả Nobel, Goncourt, Mao Thuẫn... đều có sự cập kênh với giá cả, tức là khả năng tiêu thụ. Để hiểu những best seller in ra nhiều triệu bản làm nên sự giàu có cho không ít người, không hẳn đã có giá trị cao! Trở lại câu chuyện tác phẩm hay – đó là câu chuyện gần như không lúc nào không đặt ra trong chế độ ta, qua các văn kiện, các diễn văn, tổng kết, nói chuyện của các bậc lãnh đạo và các hội nghề nghiệp. Có nghĩa là chưa bao giờ chúng ta thỏa mãn với các kết quả thu được trong sự phát triển của văn học - nghệ thuật sau 1945; nghĩa là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tôi nói như vậy bởi từ 1945 mà ngược lên hàng ngàn năm lịch sử trong xã hội phong kiến và thuộc địa thì chưa bao giờ có câu chuyện quan tâm như vậy của bất cứ ai.

Thời trung đại, có một lý tưởng cho kẻ Sỹ lập thân, và nghiệp viết của họ, nhu cầu viết của họ là sự thể hiện, thực hiện lý tưởng ấy. Tôi tin là bất cứ một tên tuổi nào trong lịch sử văn học Việt đều không lăm le viết ra một tác phẩm hay; trong đó gồm cả Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô đại cáo và 254 bài trong Quốc âm thi tập; hoặc Nguyễn Du với ba tập thơ chữ Hán và Truyện Kiều bất hủ. Mỗi người viết viết theo lý tưởng sống của mình, với tạng riêng của mình trong một bối cảnh cụ thể, có thể là rất thuận cho nhu cầu sáng tạo của mình như 28 ngôi sao trong Tao đàn của Lê Thánh Tông – mà vẫn không có tác phẩm hay; hoặc cũng có thể rất nghịch đưa đến tù đày và án chém như chú cháu Cao Bá Quát và Cao Bá Nhạ - lại có tác phẩm để đời. Còn trong xã hội thuộc địa, chính thức hình thành từ khi Toàn quyền Paul Doumer khánh thành chiếc cầu mang tên mình, bắc qua sông Hồng năm 1902, chỉ sau chẵn 30 năm, vượt qua hoàn cảnh giao thời mà đến với mùa gặt ngoạn mục đầu tiên của văn học hiện đại diễn ra trong 15 năm – từ 1930 đến 1945, thì tất cả các tên tuổi làm nên ba giòng văn học gồm nhiều chục người, tôi tin cũng không ai nhận được sự thúc giục của bất cứ ai, để có tác phẩm hay.

van-hoc-la-gi-mot-so-net-chinh-ve-dac-trung-cua-van-hoc-2-e1543025789897-1666587001.jpeg
Ảnh minh hoạ Internet

Tất cả, không trừ ai – kể từ Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký, Tố Hữu trong Từ ấy, Ngô Tất Tố trong Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan trong Bước đường cùng, Khái Hưng trong Nửa chừng xuân, Nhất Linh trong Đoạn tuyệt, Thạch Lam trong Gió đầu mùa, Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, Nguyên Hồng trong Bỉ vỏ, Nguyễn Huy Tưởng trong Vũ Như Tô, Nam Cao trong Chí Phèo, Huy Cận trong Lửa thiêng, Tô Hoài trong Dế mèn phiêu lưu ký... Và tôi dám khẳng định tất cả những tên sách, tên người ấy đều đạt giá trị cao, nếu không nói là đỉnh cao trong văn học dân tộc. Những đỉnh cao được viết từ những trái tim lớn – lớn bởi sự đồng cảm với cảnh ngộ và số phận của nhân dân, của đất nước; bởi mối gắn bó xương thịt với mọi lớp người lao khổ làm nên bộ mặt nhân dân; một nhân dân cần lao thấp cổ bé họng luôn khao khát một cuộc sống xứng đáng là cuộc sống của con người.

Không thể nói xã hội phong kiến trong hàng nghìn năm là một xã hội có tự do. Không thể nói trong xã hội đó ai muốn viết gì thì viết. “Ngục văn tự” là số phận đau lòng dành cho bao kẻ Sỹ. Nhưng tất cả những gì làm nên văn mạch dân tộc đều được viết với tự do mà người viết – kẻ Sỹ đã dành lại được, hoặc quyết dành cho được. Bởi không có tự do cho nghĩ và viết thì làm sao mà có tác phẩm chiếm trọn tình cảm của người đọc qua các thế hệ. Xã hội thuộc địa trước 1945 không thể nói là xã hội tự do. Nhưng bằng tự do mà người viết dành được, các nhà văn thuộc thế hệ Vàng – 100 năm, kể từ Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách sinh vào thập niên cuối thế kỷ XIX đến Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài sinh năm 1920 đã để lại những tác phẩm xứng đáng là đỉnh cao của văn học hiện đại. Và đừng nghĩ là họ viết trong sự thoải mái về sinh hoạt, về cơm áo, tiền nong. Nhìn vào Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... tất cả đều bị cái nghèo, cái đói và muôn nỗi lo toan bủa vây, có lúc gần như là kiệt sức.

Thế nhưng như trên tôi đã nói, việc xác định một giá trị, hoặc đỉnh cao phải có thời gian. Tôi xin dẫn hai trường hợp. Một là Nam Cao. Nam Cao sinh thời sống và viết rất khiêm nhường(1). Sau sự xuất hiện bất ngờ là Chí Phèo, gần như 5 năm trước 1945, ông rất ít được chú ý. Trong số 79 tác giả có mặt trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan không có tên ông. Nam Cao chỉ được tôn vinh sau khi mất, cuối 1951 với bài điếu văn của Nguyễn Huy Tưởng, và bài viết của Nguyễn Đình Thi. Đây là hai bài viết thật súc tích và cảm động của hai văn hữu – một là người cùng thời, một thuộc thế hệ sau. Nhưng rồi cũng còn phải chờ thêm mười năm nữa khi in xong Sống mòn (1956) và hai tập hợp truyện ngắn trong Truyện ngắn Nam Cao (1960) và Một đám cưới (1963) thì giá trị Nam Cao mới là một sự định vị vững chãi.

nlntv-1666587060.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Trường hợp thứ hai là Nguyễn Tuân – tác giả nổi tiếng ngay từ Vang bóng một thời (1941). Nhưng hành trình nghề nghiệp của ông cũng lắm lúc trồi sụt, thăng trầm trên sóng dư luận; phải đến năm 1987, sau khi mất, ông mới thật sự được tôn vinh qua bài điếu của Nguyễn Đình Thi, trong tư cách “người đi tìm cái đẹp và cái thật”; cả hai - cái thật và cái đẹp không chỉ được chuyển tải ở Đường vui, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, mà cả trong Phở, Tờ hoa, Giò lụa, Cây Hà Nội, Tình rừng – những tác phẩm từng bị soi xét, bắt bẻ... Hai mươi ba năm sau, năm 2010, trong Lễ tưởng niệm 100 năm sinh Nguyễn Tuân do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nhà Hát lớn Hà Nội, trong Báo cáo của mình, tôi tiếp tục khẳng định: Nguyễn Tuân không chỉ là “người đi tìm” mà là người “đến được với cái đẹp và cái thật”. Với một nhà văn, ai mà không mong đến được với hai cái đích ấy.

Trở lại với bối cảnh sống và thực trạng văn học chúng ta hôm nay. Nếu xác định giá trị cao, hoặc đỉnh cao trong sáng tác văn học- nghệ thuật, là nằm ở giá trị của cái thật và cái đẹp; thì với hai mục tiêu này con đường của một nhà văn cầm chắc là không nhẹ nhàng, không suôn sẻ. Với cái thật, họ không được tránh né hoặc quay lưng với sự sống của nhân dân; và mặt khác họ phải đối diện với những thế lực bòn rút, ăn bám, tước đoạt sự sống của nhân dân. Và nhân dân, đó là những người ở các tầng lớp cơ bản – nó là một cộng đồng lớn, trong đó gồm cả những anh Pha và chị Dậu, những Tám Bính và “cô gái sông Hương” của thời hiện đại. Có hiện tượng đáng buồn là trong thơ văn từ thập niên 1990 đến nay, tôi ít được tiếp xúc với sự sống này – trong văn học, cũng như trong điện ảnh và truyền hình. Còn những mặt trái trong bộ máy công quyền và thể chế chính trị? Thực tế này cũng đã có trong tiểu thuyết, nhưng đọc vào tôi ít thấy thỏa mãn, vì sự thiên lệch hoặc nửa vời của nó.

Nếu mục tiêu hướng về cái thật này, văn học chưa đến được hoặc trốn lánh thì làm sao mà nói đến giá trị cao! Đó là chưa nói còn có cái đẹp. Tức là một khát vọng nhân văn và thẩm mỹ toát lên từ sau các trang chữ, các con chữ. Bởi, văn chương – dẫu với bao biến chuyển, thay đổi trong hơn một thế kỷ qua, từ bút lông sang bút sắt; rồi từ bút sắt hoặc bút bi sang bàn phím thì thơ hoặc văn vẫn cứ là kết quả hoạt động của nhà văn trên phương tiện ngôn từ, với chữ và nghĩa. Sự chăm sóc này tôi thấy cũng còn ít hoặc còn chưa đủ độ, mặc dù số lượng người tham gia vào đội ngũ nhà văn, những người đã hoặc đang chờ được nhận thẻ hội viên Hội Nhà văn là con số nhiều nghìn người, có nghĩa là gấp nhiều chục lần so với đội ngũ viết trước 1945. Sự chăm nom về ngôn từ, nếu trước 1945 là những nỗ lực và tiếp sức thật rõ rệt của mấy thế hệ trong khoảng vài ba chục năm, khi tiếng Việt đang trong chuyển giao từ Hán- Nôm sang Quốc ngữ, thì sau 1945 có nhiều thời là buông lỏng. Phải từ thập niên 1980 trở đi tôi mới thấy xuất hiện dần những tên tuổi mới, có ý thức làm nên sự phong phú, linh hoạt, biến hóa của tiếng Việt, nhờ vào quá trình giao lưu và hội nhập, mà tạo nên một hệ thẩm mỹ mới, làm thay đổi những gì đã trở nên quen thuộc, hoặc cũ mòn. Nhưng dẫu có thay đổi như thế nào thì trong câu chuyện này, vẫn phải là sự theo đuổi cho có được những cái riêng trong cá tính và giọng điệu.

Rút lại, bất cứ lúc nào trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc cũng cần có tác phẩm hay; một mong mỏi nằm trong trải nghiệm, ý nguyện, tâm niệm của nhà văn, chứ không cần phải ai đó nhắc nhở hoặc thúc dục. Vấn đề đặt ra và phương hướng giải quyết là làm sao cho nhà văn chạm được vào sự sống của nhân quần, của nhân dân; nói được những khát vọng sâu thẳm của nhân dân – từ miếng cơm, manh áo, đồng lương, nơi ăn học, nơi làm việc, chỗ ở, đất đai cho đến quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền được phát triển và hoàn thiện nhân cách và khát vọng làm người...; và như vậy phải đề cập cả những mặt trái, những mảng tối của hiện thực – bởi sự thực là cuộc sống hôm nay không hề vắng thiếu những mặt trái đó; nó là những nghịch lý, những bất công, đôi lúc gần như tràn lấn làm đau đớn, nhức nhối tất cả cơ thể xã hội. Đó là những tiệc nhậu thừa mứa sơn hào hải vị bên cạnh những bữa cơm không cá thịt của học sinh nội trú ở vùng sâu, vùng xa. Là những biệt thự của người đương quyền hoặc về hưu với giá nhiều trăm tỷ bên những ngôi nhà tình nghĩa vài chục triệu đồng cho người có công với cách mạng. Là những trụ sở công hoành tráng, từ cấp phường, xã trở lên bên sự tồi tàn, nhếch nhác của bệnh viện, bến xe, nhà ga, bãi chợ của dân sinh. Bên lương tháng vài trăm triệu đồng cho một vị Giám đốc nào đó chắc không phải học hành hoặc có chuyên môn gì cao lắm bên cạnh dăm bảy triệu đồng cho người công nhân suốt ngày vục vào bùn đất cống rãnh. Vân vân và vân vân... Và như vậy ở đây lại trở về một câu chuyện cơ bản. Đó là tự do cho sáng tạo của người viết, một tự do rất dễ chạm vào những giới hạn mà thể chế quyền lực quy định; và do vậy mỗi người viết cần tạo được tự do cho mình, như trong lịch sử các đấng, bậc tiền nhân đã tạo được, với tất cả cốt cách cao cường ở họ, cùng với những cái giá mà họ phải trả. Thiếu đi cái tự do đó do người viết thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh; hoặc do những hạn chế, kiềm chế của thể chế thì đừng nói gì đến các giá trị, cũng đừng mơ đến các đỉnh cao!

   GS. Phong Lê