Không cần phải ở địa chỉ là cái nôi của một nền văn minh nào đó – như văn minh Hy - La, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ... mà chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng, vùng phủ sóng của nó, những dân tộc yếu và nhỏ như dân tộc Việt Nam vẫn cần, và có thể xây dựng một nền văn hóa riêng, tức là xác định một gương mặt riêng trong sự tồn tại nhiều nghìn năm của nó.
Không phủ nhận là Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa; và có mối quan hệ bền chặt với khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Với Đông Nam Á, đó là một nền văn minh bản địa có từ nhiều nghìn năm về trước, tồn tại từ trước thời Bắc thuộc và ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc – định hình khá rõ trong văn hóa dân gian, trong các tập quán, phong tục được lưu giữ bền vững trong tâm thức dân gian. Với Đông Bắc Á, Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là ba nước “đồng văn”, “đồng chủng” cùng chịu áp lực mô hình văn minh Trung Hoa như là một “mẫu mẹ”, ít nhất là trong hai nghìn năm, bắt đầu từ thời Bắc thuộc, với chín cuộc khởi nghĩa; và trong 1000 năm tự chủ luôn đứng trước hiểm họa bị phương Bắc xâm lược. Trong một tình thế lịch sử đặc thù như vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam phải học cách tiếp cận văn minh Trung Hoa trong xây dựng thể chế Nhà nước, tiếp nhận kinh điển Nho gia, để xây dựng những nền tảng cho văn hóa, giáo dục, văn chương, học thuật dân tộc.
Không phủ nhận việc giới trí thức dân tộc, những kẻ Sỹ đã tìm đến văn minh Trung Hoa như một khuôn mẫu để học tập, đối sánh, thi đua. Thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn so văn chữ Hán của người Việt với văn của người Trung Quốc, thấy “không khác gì cổ nhân”; và nhận xét về hai triều Lý Trần “tinh anh nhân tài, khí cách văn chương không khác gì Trung Quốc”... “Thời nhà Lý, lối biền ngẫu bóng bẩy, đẹp đẽ còn giống thể văn nhà Đường, đến thời nhà Trần thì lưu loát chỉnh tề đã giống khẩu khí người nhà Tống”. Thế kỷ XIX trong bài Tựa sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Nước Việt ta, từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến nhà Lê kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh, không kém gì Trung Hoa”. Còn với vua Tự Đức thì đó là một đối sánh thật hoan hỷ: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”.
Nhưng, nếu một mặt việc tiếp nhận Nho học, và tìm đến khuôn mẫu Trung Hoa cho văn hóa, văn chương, học thuật Việt là khó tránh, thì mặt khác, việc cưỡng lại để xác định một gương mặt riêng, một bản lĩnh riêng cho văn hóa Việt cũng là một thực trạng có lúc nổi bật và bao trùm. Tìm đến chữ Hán, để có một phương tiện cho kẻ Sỹ học tập và giao tiếp, cũng là một lối thoát, một cách giải quyết, khi dân tộc chưa có chữ; nhưng chính bằng vào chữ Hán, nền văn chương - học thuật Việt Nam đã đạt được những giá trị cao nhất trong thể hiện chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, bắt đầu từ bốn câu thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư, qua Hịch tướng sĩ đến Bình Ngô đại cáo... Cũng chính chữ Hán là phương tiện để xây dựng một nền văn chương- học thuật Việt Nam, qua các áng văn như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Vũ trung tùy bút, Truyền kỳ mạn lục... Qua các bộ sử như Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư... Và văn hóa sử, có giá trị bách khoa như Vân Đài loại ngữ, Lịch triều hiến chương loại chí...
Thế nhưng, đồng thời với việc sử dụng chữ Hán, cha ông ta vẫn khoắc khoải di tìm chữ Nôm – như một cách giải Hán hóa, để từ thế kỷ XIII đã có một áng văn Nôm đầu tiên, qua thế kỷ XV với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông làm nên sự bùng nổ của văn chương Nôm, rồi ba thế kỷ sau mà đến với đỉnh cao rực rỡ những tuyệt phẩm Nôm trong văn chương dân tộc.
Tình hình diễn ra như trên trong một lịch sử dài ngót 1000 năm, nếu tính từ khởi nghĩa Ngô Quyền năm 938 đến hết thế kỷ XIX, khi kết thúc phong trào Cần Vương chống Pháp năm 1897, nền văn chương - học thuật dân tộc đã phát triển trên hai loại chữ viết, và với những đặc trưng riêng của thời trung đại. Bài này không làm nhiệm vụ dựng lại toàn cảnh đó, theo cách viết của một chuyên gia lịch sử văn học. Trong yêu cầu của một chuyên đề – để tìm đến mối quan hệ giữa văn học Việt và văn hóa Việt, tôi muốn xuất phát từ một đặc trưng chung của văn chương trung đại – đó là tính nguyên hợp, nó là sự phối kết, hòa quyện giữa ba phương diện văn-sử-triết trong một tác phẩm, mà những văn bản như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo là những biểu trưng trọn vẹn. Nói văn chương là đấy. Nói khoa học nhân văn, khoa học xã hội là đấy. Và nói văn hóa cũng là đấy. Dần dần về sau, trong sự trưởng thành và mở rộng của ý thức và tâm thức dân tộc sẽ là sự phát triển rồi đi tới chuyên biệt, để có sự phân biệt một bên là văn chương, một bên là học thuật – cả hai đều được thực hiện bởi một lớp người có tên chung là kẻ Sỹ, trong bộ tứ: Sỹ, Nông, Công, Thương, làm nên cộng đồng cư dân Việt.
Một tầng lớp trí thức là chủ thể, là tác giả của cả một kho tàng văn chương và học thuật được sản sinh trong hàng ngàn năm, trên hai loại chữ Hán và Nôm; nó chính là pho sử của trí tuệ Việt, tâm hồn Việt, bản sắc Việt với hai nội dung làm nên hai giòng, hai trào lưu xuyên suốt, vừa song song, vừa tiếp nối – đó là trào lưu yêu nước – chống lại mọi âm mưu đồng hóa và xâm lược đến từ phương Bắc, chủ yếu bằng chữ Hán, và từ cuối thế kỷ XIX là phương Tây; và trào lưu nhân đạo, đứng về phía nhân dân để chống lại sự suy thoái, hư hỏng, phản động của chính quyền phong kiến, sau những thời kỳ hưng thịnh, chủ yếu bằng chữ Nôm...
Qua hai trào lưu gồm cả văn chương và học thuật dân tộc, sẽ có được một hình dung đầy đủ về nền tảng và cốt cách văn hóa Việt trong suốt 1000 năm lịch sử.
Để nắm hiểu gương mặt và thành tựu của văn hóa Việt, văn chương - học thuật Việt thời trung đại, rất cần tìm đến vai trò của tầng lớp trí thức có tên chung là kẻ Sỹ - nhân vật chủ yếu làm nên diện mạo khu vực văn học bác học – tức văn học viết, để phân biệt với văn hóa dân gian truyền miệng là một câu chuyện lớn cần một chuyên đề riêng.
Kẻ Sỹ với vai trò và chức năng riêng của nó là vấn đề đáng nói trong lịch sử dân tộc, để hiểu gương mặt văn hóa, văn học trung đại hàng nghìn năm, trước khi Việt Nam chuyển sang xã hội bán phong kiến thuộc địa.
Nói kẻ Sỹ là nói về giới trí thức có tên chung là Nho sĩ. Có chung một nền móng tri thức và đạo lý, được đào tạo quy củ nơi “cửa Khổng sân Trình”; cả về lý thuyết – rút từ kinh điển Nho gia (Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bách gia chư tử...) và thực tiễn (hành vi, ứng xử)... Họ trở thành một tầng lớp đáp ứng nhu cầu xây dựng thể chế chính trị và kiến tạo gương mặt văn hóa của dân tộc trong hàng ngàn năm. Qua các triều đại và những thịnh suy của đất nước, họ chịu những áp lực lớn để tìm một chỗ đứng trong những giao tranh hoặc phân hóa của xã hội.
Giữ mình cho trong sạch theo đạo lý Nho gia, được chỉ dẫn từ các kinh điển của thánh hiền; tiến vi quan thối vi sư; nhập thế làm quan thì sống cho trọn đạo vua tôi; xuất thế thì về với dân, sống với quê hương, làng mạc, gia tộc, giòng họ; nếu không thể lập thân hành đạo thì lui về lo chuyện tu thân, tề gia – đó là phương thức sống định hình hàng ngàn năm của kẻ Sỹ.
Nhưng là kẻ Sỹ họ có một cái vốn tri thức không phải chỉ để làm quan mà còn để làm người. Làm người, đó là một sự sống lương thiện, không gây tai tiếng; một sự sống đáng làm gương cho nhân quần và con cháu, trong đó trước hết là biết phân biệt tốt – xấu, thiện – ác, trung – nịnh, chính – tà… Không hiếm kẻ Sỹ thoái hóa mà một số đã được ghi vào sử sách; nhưng số kẻ Sỹ giữ được sự trong sạch của nhân cách cho bản thân chắc chắn vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn để làm nên một nền tàng học vấn và đạo lý cho nhân dân, cho dân tộc, suốt hàng ngàn năm.
Trên hành trình lịch sử thời trung đại, gồm rất nhiều chặng, thuộc trong số những kẻ Sỹ chân chính như thế kể có hàng ngàn, nhiều ngàn; và mỗi triều đại, mỗi thế kỷ cũng có đến hàng trăm người – những khóa sinh, những ông cống, ông nghè; những người lĩnh các chức trách từ thấp lên cao trong bộ máy nhà nước phong kiến, từ kinh kỳ đến các địa phương. Ai trong họ mà chẳng phải trải qua các cuộc khảo thí từ thấp lên cao, từ trường làng đến trường huyện, trường tỉnh; từ hương thí qua hội thí, đình thí… Ai mà không trải dăm lần mang theo lều chõng, bút nghiên.
Chỉ cần bước chân vào trường khoa hoạn là họ đủ sức để làm thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách… trước hết là để vượt các vũ môn, và sau đó là để ứng đối, thù tạc trong giới quan trường, hoặc đồng liêu, bằng hữu – nghĩa là một bộ phận công chúng hẹp. Cái kho tri thức và kỹ năng được hiện thực hóa bằng chữ nghĩa, văn bản, vào một thời văn sử triết bất phân, thời văn chương nhằm chở đạo và nói chí đó, ở mỗi người, nếu được lưu lại bằng các phương tiện như thời nay thì có lẽ số giấy mực biên chép cũng là một con số khổng lồ. Đáng tiếc là hành vi đó đã không có, bởi việc làm thơ văn ở họ không phải để đến với công chúng rộng rãi, để được xem là một nghề, để mang tính chuyên nghiệp như thời hiện đại, phải đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong thập niên thứ hai thế kỷ XX mới có thể xem là người khai sinh. Thơ văn để thù tạc, thơ văn chỉ viết cho riêng mình hoặc một số đồng liêu tri kỷ với mình, trong những lúc trà dư tửu hậu; thơ văn ghi trên giấy bản cho con cháu lưu lại; hoặc được in trên gỗ, trên đá với số lượng ít ỏi – quả là khó đến tay người đọc – đó là tình hình chung của sự sáng tác và lưu hành văn chương làm nên gương mặt chung của văn hóa thời trung đại, kể từ những áng văn đầu tiên vào đầu thế kỷ XI cho đến cuối thế kỷ XIX.
Là lớp người tạo nên gương mặt tinh thần của dân tộc, họ chiếm lĩnh các vị thế văn hóa, để ngoài tư cách là ông quan, họ còn là người trí thức, là nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ. Những sáng tạo của họ làm nên di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc – như một giòng chảy liên tục, xuyên suốt, qua những tác phẩm lớn có giá trị về nhận thức, về đạo lý, về xây dựng tâm hồn và tình cảm con người và in đậm dấu ấn thời đại, làm nên lịch sử văn chương - học thuật Việt. Tôi dùng hai khái niệm văn chương – học thuật để nói đến một đặc trưng bao trùm những tác phẩm lớn như thế trong lịch sử, kể từ bốn câu thơ “thần”: Nam quốc sơn hà nam đế cư”... đời Lý, qua Hịch tướng sĩ đời Trần, đến Bình Ngô đại cáo đời Lê – những áng văn với nội dung hàm chứa cả ba phương diện: văn, sử, triết làm nên đặc trưng nguyên hợp của văn chương dân tộc kể từ đầu nguồn của nó.
Nhưng dẫu mang đặc trưng nguyên hợp, dẫu chiếm lĩnh những đỉnh cao các giá trị tinh thần của dân tộc, bởi các tác giả của nó vừa là danh nhân lịch sử vừa là danh nhân văn hóa như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... cho đến Hồ Chí Minh – tác giả Tuyên ngôn độc lập, thì lịch sử văn chương- học thuật dân tộc vẫn dần dà có sự hình thành bên cạnh thơ và văn là những lĩnh vực được chuyên sâu thành các khoa học chuyên biệt, với đối tượng được khoanh vùng và xác định, mà lĩnh vực đầu tiên có lẽ là sử học. Sử học – đó là khoa học, theo tôi hiểu, được hình thành và có thành tựu lớn, và sớm nhất ở ta, với những tên sách có giá trị khởi động và đặt nền móng, trong hai thế kỷ XIV và XV – như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (1230-1322), Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên (?-?), Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (1479-?)...
Hiện tượng trên cho thấy ý thức về chủ quyền của cha ông ta, với sự khẳng định: Việt Nam là một dân tộc có lịch sử; và ý thức về việc chép sử đã rất sớm hình thành – đúng như lời của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác”... Hoặc như lời Bác Hồ căn dặn trong Lịch sử nước ta viết năm 1942 thế kỷ XX: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Qua các bộ sử, kể từ Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên... thế kỷ XIV, XV đến các bộ sử thời Nguyễn thế kỷ XIX như Đại Nam thực lục, Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử di biên... là sự ghi nhận và khẳng định hành trình dân tộc qua lịch sử các triều đại.
Cùng với các bộ sử chính thống còn là các bộ sử ca, dùng thơ văn chuyên chở sử, để cho ý thức về dân tộc được thấm nhuần rộng rãi, sâu sắc trong sinh hoạt tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, như Thiên Nam minh giám 838 câu, Thiên Nam ngữ lục 8136 câu, Đại Nam quốc sử diễn ca 2000 câu... Những bộ sử ca này – kéo dài cho đến Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh – 208 câu – năm 1942 – gần như rất dễ dàng in sâu vào tâm thức của nhân dân, qua nhiều đời, khiến cho gần như ai ai cũng thuộc:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
...
Từ tình hình trên, cần một đối sánh, để mà buồn và đau cho tình trạng khoa học lịch sử bị coi nhẹ, và ý thức về lịch sử bị nhạt nhòa, quên lãng trong các thế hệ trẻ hôm nay ở học đường, qua các mùa thi cử.
Sau khoa học lịch sử là sự hình thành và phát triển các khoa học khác, thuộc các lĩnh vực giáo dục, luân lý, nhân văn, xã hội và tự nhiên... làm nên bộ mặt chung của văn hóa dân tộc qua đóng góp của những đầu óc bách khoa như Lê Hữu Trác (1720 - 1790) với Y tông tâm lĩnh; và nhất là Lê Quý Đôn (1726 - 1784) với Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ; và Phan Huy Chú (1782 - 1840) với Lịch triều hiến chương loại chí...; cả hai có thể xem là hai đầu óc bách khoa, hai học giả cỡ lớn nhất trong lịch sử văn chương- học thuật Việt thời trung đại.
Vậy là trong lịch sử văn hóa và văn học dân tộc có sự hình thành một lịch sử văn chương- học thuật, vừa trong xen cài, vừa trong phân hóa để có những bộ môn riêng, qua đó bên cạnh lịch sử thơ văn là lịch sử học thuật, xuất hiện tuy có muộn hơn, nhưng vẫn để lại những tác phẩm lớn – có giá trị khai sáng – kể từ đầu nguồn cho đến giữa thế kỷ XIX – với những đỉnh cao, trong đó hai gương mặt sáng giá nhất gần như xuất hiện cùng thời – đó là Nguyễn Du (1765 - 1820) – tác giả Truyện Kiều và Phan Huy Chú (1782 - 1840) – tác giả Lịch triều hiến chương loại chí.
Trong sự phân hóa, và phân công giữa văn chương và học thuật kể từ thế kỷ XIX trở đi; nếu một bên chúng ta có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, rồi tiếp đến là phong trào văn thơ yêu nước với một đội ngũ hùng hậu những tên tuổi lớn, không ngừng đông đảo suốt nửa sau thế kỷ XIX sang thập niên đầu thế kỷ XX, thì về phía học thuật cũng có sự tiếp nối từ Phan Huy Chú qua Phan Thúc Trực (1808 - 1852) với Quốc sử di biên, đến Cao Xuân Dục (1842 - 1912)... Xin dừng lại một ít ở Cao Xuân Dục, bởi đây là tác gia còn ít được biết đến trong diện rộng của giới nghiên cứu, và đến muộn với công chúng thế kỷ XX(1). Ông là đại thần cuối triều Nguyễn, từng đảm nhiệm các chức trách: Tổng đốc, Thượng thư Bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán, Đông Các đại học sĩ, một trong tứ trụ triều đình dưới triều Duy Tân (1907 - 1916) – tác giả của Quốc triều khoa bảng lục, Nhân thế tu tri, Long Cương văn tập và Long Cương thi tập đề cập các lĩnh vực văn, sử, giáo dục và luân lý, đạo đức, cùng với các công trình sưu tập, lưu giữ các di sản của cha ông... Với bấy nhiêu chức trách và công trình có thể khẳng định Cao Xuân Dục là một trí thức lớn, một nhà văn hóa lớn thời cận đại, làm nên một dấu nối liền mạch thế kỷ XIX và thế kỷ XX.
Kể từ 1912 là năm Cao Xuân Dục qua đời, cũng là khi dân tộc thức nhận ra chân lý: phải canh tân đất nước mới có thể cứu được nước, tức là phải thực hiện yêu cầu hiện đại hóa, làm gắn nối hai nhu cầu khẩn thiết là văn minh và dân chủ, thì con đường xây dựng một nền tảng học vấn và hướng tới tư duy khoa học, sẽ được các thế hệ sau hưởng ứng làm nên một giòng chảy mới trong đời sống tinh thần dân tộc như đã diễn ra qua hoạt động sưu tập, biên khảo, biên dịch vốn văn hóa dân gian và cổ điển dân tộc, cùng phong trào báo chí, xuất bản bỗng trở nên sôi động, khi chữ Quốc ngữ đã được dùng song song rồi thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong ba thập niên đầu thế kỷ XX.
Ba thập niên – 1900 - 1930, với đóng góp của những tên tuổi Nho học, hoặc vừa Nho học vừa Tây học, như Nguyễn Bá Học (1857 - 1921), Nguyễn Đỗ Mục (1866-?), Nguyễn Hữu Tiến (1874 - 1941), Phan Kế Bính (1875 - 1921), Nguyễn Can Mộng (1875 - 1953), Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), Hoàng Tăng Bí (1883 - 1939), Phạm Duy Tốn (1883 - 1927), Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940), Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958), Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965), Trần Trọng Kim (1887 - 1953), Phan Khôi (1887 - 1959), Bùi Kỷ (1887 - 1960), Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942), Lê Thước (1891 - 1975), Phạm Quỳnh (1892 - 1945), Ngô Tất Tố (1894 - 1954)... – những tên tuổi có tư cách học giả, vừa uyên thâm về kiến thức, vừa có lòng yêu nước với những biểu hiện kín đáo hoặc xa xôi qua các sáng tác hoặc trước tác của họ.
Sau ba thập niên này, như là một chuẩn bị tích cực, khẩn trương, gương mặt hiện đại của lịch sử văn chương- học thuật dân tộc sẽ được thực hiện trọn vẹn trong thời kỳ 1930 - 1945. Đây là thời một thế hệ Tây học thừa hưởng những bền bỉ xây dựng của mấy thế hệ tiền bối xuất thân Nho học để làm nên một mùa màng ngoạn mục nhất trong thế kỷ XX. Trong mùa màng đó, ở lĩnh vực văn chương, ngoài sự lên ngôi của hai trào lưu lãng mạn và hiện thực, cùng trào lưu cách mạng trong bí mật với nhiều chục tác gia lớn, là sự xuất hiện muộn hơn, từ nửa đầu thập niên 1940, những tên tuổi cũng sáng giá không kém trong các lĩnh vực của học thuật như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Hãn, Hoa Bằng, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Đổng Chi, Trương Tửu...
So với các bậc tiền bối trong lịch sử, cho đến Cao Xuân Dục, thay vì tư chất bách khoa, họ đi sâu vào các chuyên ngành, như sử và văn hóa sử, văn học sử; như nghiên cứu, hoặc lý luận, phê bình văn học. Cũng cần nói thêm: số lớn, hoặc hầu hết trong họ đều không làm công chức cho chính quyền thuộc địa. Bởi vào lúc này, việc sáng tác thơ văn và nghiên cứu khoa học (trong đó có sử học, văn học và các khoa học khác) đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, và đều mang tính chuyên nghiệp.
(còn tiếp)