Về Văn hoá và Văn học Nghệ thuật - Nơi lưu giữ sự sống và sức sống tinh thần trường tồn của dân tộc (Phần 2)

Huyền Văn
Cách mạng tháng Tám – 1945 mở ra một thời đại  mới trong lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam – 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương với ba nguyên tắc (hoặc ba phương châm): Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa đem lại không chỉ một nhận thức mới mà còn là một mục tiêu mới, một phương hướng hoạt động mới để cho văn hóa có tác dụng thiết thực, cụ thể đối với đời sống cách mạng luôn luôn đứng trước các nhu cầu thay đổi, biến cải sau hàng nghìn năm xã hội phong kiến, và ngót một trăm năm xã hội thuộc địa.

Khỏi phải nói lại những gì đã diễn ra trong đời sống dân tộc Việt Nam từ sau 1945 cho đến 1990 – là năm Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ; rồi 1995 – là năm đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên hội nhập – có độ dài chẵn 50 năm. Chỉ 50 năm, trong đó có 40 năm chiến tranh chống ba đế quốc, 20 năm đất nước bị chia cắt, 25 năm đi tìm một mô hình phát triển xã hội, do không thuận với quy luật nên phải đến với công cuộc Đổi mới – năm 1986... Cũng cần chú ý ở hai đầu cầu của sự phát triển, đó là một trận đói lịch sử hai triệu người chết vào đầu năm Ất dậu – 1945, và một cơn đói dài suốt thập niên 1980 – thời bao cấp. Có nghĩa là một nửa thế kỷ vừa trong chiến tranh để giành và giữ chủ quyền dân tộc, vừa trong nỗ lực để thoát đói...

Đó là một toàn cảnh làm bối cảnh cho sự thay đổi và phát triển của gương mặt văn hóa, văn học- nghệ thuật, văn chương - học thuật Việt từ sau 1945 cho đến 1995 và 2000 – thời điểm đất nước chuyển sang thế kỷ mới, với tác động của Toàn cầu hóa và Cách mạng 4.0 – nó là cả một chuyển động lớn và sâu rộng chưa từng có cần được tiếp tục bàn trong một chuyên đề khác.

Còn với bài này, tác giả chỉ xin giới hạn trong những gì đáng được ghi nhận trong 50 năm lịch sử - từ 1945 đến 1995, xét trong mối quan hệ giữa văn hóa, văn học- nghệ thuật với thực trạng chính trị - kinh tế - xã hội?

Trước hết – đó là là một nền văn hóa và văn học - nghệ thuật, văn chương - học thuật có tổ chức và được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng với khởi đầu Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự khẳng định: Có một nền văn hóa Việt Nam – như tên một công trình của Hoài Thanh. Tức là có cả một di sản văn hóa cho dân tộc kế thừa. Chứ không phải từ con số không! Sự thực thì nhận thức ấy đã được thực hiện bởi mấy thế hệ đi trước – như đã lược kể ở phần trên, những thế hệ ý thức được yêu cầu hiện đại hóa đã dồn tất cả tâm huyết cho công việc sưu tập, biên soạn, khảo chứng, dịch thuật.. trong suốt ba thập niên đầu thế kỷ XX, để chỉ trong khoảng 15 năm – từ 1930 đến 1945 mà làm xuất hiện những công trình về văn chương- học thuật không chỉ có giá trị khởi đầu mà còn là đặt nền tảng khoa học cho các thế hệ mới sau 1945.

nlntv-vanhoa-1665460704.jpg
Tranh Đông Hồ - Ảnh minh hoạ Internet

Trong những công việc có ý nghĩa khởi động thì công việc đầu tiên là việc tổ chức. Tức là việc tập hợp đội ngũ trí thức: khoa học, giáo dục, văn hóa, văn học, nghệ thuật vào các Hội, Đoàn để trở thành một lực lượng đông đảo, có tôn chỉ, điều lệ, phương thức hoạt động – thay cho sự riêng lẻ, hoặc nhóm phái như trước 1945.

Hội văn hóa cứu quốc – đó là tổ chức đầu tiên để tập hợp những người viết yêu nước theo tôn chỉ của Việt Minh (tức Việt Nam độc lập đồng minh, do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo) nhằm giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám – 1945. Sau 1945 là sự ra đời Hội văn hóa Việt Nam, với Đại hội lần thứ nhất họp vào 24 tháng 11/1946, nhưng do tình thế căng thẳng của thời cuộc nên phải ngừng sau phiên khai mạc. Ở Đại hội này Hồ Chủ tịch có đến tham dự và phát biểu một ý kiến rất được cử tọa hoan nghênh: Văn hóa có tác dụng soi đường cho quốc dân đi. Đại hội Hội văn hóa lần thứ hai – vào tháng 7/1948 ở Việt Bắc. Sau Hội văn hóa toàn quốc là sự thành lập Hội văn nghệ, với Đại hội lần thứ nhất diễn ra trong ba ngày 25, 26, 27 tháng 7 năm 1949 ở Việt Bắc cùng với những tranh luận sôi nổi của các giới văn học- nghệ thuật. Kể từ đây là các Đại hội diễn ra thường kỳ hoặc không thường kỳ, do tình hình thời cuộc. Đại hội lần II – năm 1957; Đại hội lần III – năm 1962; Đại hội lần IV – năm 1968; Đại hội lần V – năm 1995; Đại hội lần VI – năm 2000...
Từ Hội văn nghệ Việt Nam là tổ chức đoàn thể bao trùm các ngành văn học- nghệ thuật, sau 1954 có trụ sở ổn định là 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội sẽ là sự thành lập các Hội chuyên ngành. Đến nay Hội văn nghệ có một cái tên đầy đủ là Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học- nghệ thuật Việt Nam với 10 chuyên ngành, theo thời gian xuất hiện là: Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội văn nghệ dân gian, Hội Điện ảnh, Hội nghệ sĩ múa, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Ngoài cấp Trung ương, 61 đơn vị tỉnh, thành phố có các Hội văn nghệ địa phương.

Bên cạnh Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật còn có Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật, cả hai là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của giới trí thức nói chung, trên hai lĩnh vực: nghệ thuật và khoa học.

Nói đến văn hóa là nói đến sự bao gồm cả hai lĩnh vực như trên.

Cùng với công việc tổ chức là việc quán triệt sự lãnh đạo của Đảng nói chung, và trong hoạt động nghề nghiệp nói riêng. Ở tầm bao quát đó là Đường lối cách mạng – được hiểu là mục tiêu xa, hoặc cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Trong phạm vi 50 năm đã kể trên – đó là cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ Đường lối cách mạng nói chung mà có Đường lối văn hóa, văn nghệ nói riêng – xuất phát từ các văn kiện của Đảng, gồm các Báo cáo và Nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng, và những phát biểu của những người thay mặt Đảng trong các Đại hội của các Hội nghề nghiệp. Một thời dài, tử sau 1945 cho đến sau 1985, người đứng ở vị trí đó là Trường Chinh và Tố Hữu.

nlntv-vanhoa2-1665460787.jpg
Đua thuyền - Ảnh minh hoạ Internet

Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ thì sự quán triệt Đường lối văn hóa- văn nghệ của Đảng phải là mối quan tâm hàng đầu của các Hội nghề nghiệp và tất cả đội ngũ văn nghệ sĩ. Một tổng kết đầy đủ cho vấn đề này là bài nói của Trường Chinh tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV – tháng 1 năm 1968 có tên: Văn nghệ phải góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thống nhất nước nhà; trong đó tác giả tổng kết và nêu lên 8 mục, được xem là “8 quan điểm cơ bản” – “những quan điểm làm cơ sở cho đường lối văn nghệ của Đảng ta”, chiếm toàn bộ Phần I của bài phát biểu, có tên: Về đường lối văn học nghệ thuật của Đảng ta. Tám mục đó là:

“1. Văn nghệ là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, của Đảng trong cuộc đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.

2. Văn nghệ ta phải thực sự là nền văn nghệ của nhân dân.

3. Văn nghệ ta phải có tính dân tộc. Văn nghệ phải là văn nghệ của nhiều dân tộc ở nước ta.

4. Văn nghệ phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, góp phần cải tạo hiện thực theo một lý tưởng nhất định.

5. Mục đích của văn nghệ ta là giáo dục con người mới.

6. Tiếp thu có phê phán những tinh hoa của văn nghệ dân tộc và những thành tựu tốt đẹp của văn nghệ thế giới xưa và nay.

7. Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác và phê bình.

8. Với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chúng ta xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cao đẹp nhất của loài người”.

Gọi là Đường lối văn nghệ, để xác định một đường ray cho cỗ xe văn hóa, văn nghệ khỏi phải đi chệch. Một vi phạm về Đường lối văn nghệ, đó sẽ là cái lỗi nặng nhất, thậm chí gây nên “tai nạn nghề nghiệp” cho bất cứ ai trong hành nghề.

Không phải chờ đến hôm nay, mà ngay từ đầu Đổi mới cũng đã có thể nhận thấy những mặt hoặc là không thích hợp, hoặc là bất cập ở một số mục như mục 4, mục 5, mục 7; còn mục 8 cuối cùng thì đó là một viễn cảnh rất khó, hoặc không thể hình dung...

Phương hướng và mục tiêu phấn đấu của văn hóa- văn nghệ trong 50 năm cách mạng và chiến tranh (cách mạng ở đây không chỉ là Cách mạng tháng Tám – khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà còn là Cách mạng xã hội chủ nghĩa chính thức triển khai từ 1960 trên miền Bắc và từ 1975 trên cả nước cho đến 1986 năm khởi động sự nghiệp Đổi mới (với khẩu hiệu “Cởi trói” - rồi 1990 khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ) là sự kết hợp của hai phương diện quần chúng và chuyên nghiệp; quần chúng thể hiện qua các phong trào, các hoạt động tập thể, chuyên nghiệp qua sáng tạo của cá nhân văn nghệ sĩ.

Tùy theo yêu cầu cách mạng ở mỗi thời kỳ mà thành tựu của văn hóa, văn nghệ là có khác nhau. Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) do phương châm Đại chúng hóa và phục vụ Công Nông Binh nên thành tựu của phong trào là nổi bật và bao trùm, trong khi hoạt động của giới chuyên nghiệp còn phải qua một giai đoạn “lột vỏ”, “nhận đường”... kéo dài, gây nên sự chậm trễ trong nhiều năm. Từ 1950, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, Việt Nam thoát khỏi thế bị bao vây mà khai thông con đường sang Trung Quốc, Liên Xô, và qua đó mà gắn bó và trở thành một thành viên trong phe xã hội chủ nghĩa. Từ đây lý thuyết về văn hóa - văn nghệ của Trung Quốc như Bàn về văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông, và rộng ra là lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô dần dần thâm nhập, tạo nên nền tảng lý luận cho các hoạt động của thực tiễn. Cũng từ đây, hệ tư tưởng mácxít lêninnít chính thức trở thành “hệ tư tưởng của toàn dân” đúng như yêu cầu đặt ra cho Cách mạng tư tưởng- văn hóa được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ III – năm 1960.

Đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, cùng những người hoạt động văn hóa mang tính chuyên nghiệp được hình thành từ sau 1954, trong điều kiện miền Bắc có 5 năm hòa bình, với sự giúp đỡ, viện trợ chủ yếu của Trung Quốc, Liên Xô. Tất nhiên hoạt động của phong trào thì lúc nào cũng phải có, bởi phong trào là cơ sở cho việc tuyển chọn, nâng cao để có lực lượng chuyên nghiệp.. Nhưng với sáng tạo văn học - nghệ thuật (cũng như khoa học- kỹ thuật) thì mối quan tâm lớn nhất, hoặc cuối cùng phải là các giá trị kết tinh, các đỉnh cao. Nhìn lại 50 năm phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, văn chương - học thuật, các giá trị cao rõ ràng là có trên thành tựu sáng tạo của rất nhiều tên tuổi tác giả văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh... Nhưng còn đỉnh cao – như trong so sánh với quá khứ hơn 1000 năm, gồm cả thời kỳ trước 1945 thì sao? Đây là câu chuyện còn cần được bàn.

nlntv-vanhoa1-1665460677.jpg
Múa sạp - Ảnh minh hoạ Internet

Văn hóa – tự bản thân nó phải là một tư thế mở, chứ không thể khép, càng không phải là khép kín. Có nghĩa là phải qua giao lưu mới có được khuôn mặt của nó. Trong nhiều nghìn năm, diện mạo văn hóa Việt đã được khẳng định qua các mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Với Đông Nam Á, đó là các dấu tích làm nên gương mặt bản địa, in rất sâu vào tiềm thức, tâm thức dân gian. Với Đông Bắc Á, đó là áp lực của mẫu mẹ Trung Hoa, khiến cho dân Việt phải sống thân phận Bắc thuộc hàng nghìn năm, và tiếp tục cuộc chống chọi trong hàng nghìn năm tự chủ. Chấp nhận Hán hóa, rồi giải Hán hóa, đó là cách cha ông chúng ta đã làm trong suốt 2000 năm, với những cái được lớn và mất lớn. Cái được là quyền tự chủ của dân tộc (sau 1000 năm Bắc thuộc, và 20 năm Minh thuộc). Cái mất là sự sao chép, rập khuôn làm mất bản sắc riêng và suy yếu sức tự cường của dân tộc. Chính đó là nguyên nhân đưa tới sự mất nước trong nửa sau thế kỷ XIX, không phải vào tay các triều đình phương Bắc cũng đang trong suy thoái mà là chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Nửa đầu thế kỷ XX trong xã hội bán phong kiến- thuộc địa, những nhà Nho canh tân trong các phong trào Duy tân, Đông du và Đông Kinh nghĩa thục đã sớm thức nhận yêu cầu học tập phương Tây để đến với hai mục tiêu Văn minh và Dân chủ. Công của các vị là rất to. Nhưng các vị đã không có hậu thuẫn trong các cơ sở kinh tế và giai cấp của xã hội. Phong trào nhanh chóng bị dập tắt; nhưng những nung nấu tiềm tàng cho việc thực hiện mục tiêu Văn minh đã được thể hiện ở hai thế hệ kế tiếp; và kết quả là gương mặt văn hóa và thành tựu của văn chương - học thuật, văn học - nghệ thuật Việt, thể hiện qua việc sử dụng chữ Quốc ngữ, phát triển phong trào báo chí - xuất bản, và việc vận dụng rất thành công các thể loại mới đến từ phương Tây như Thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, tùy bút, kịch nói, và nghiên cứu, nghị luận, phê bình để làm nên một mùa gặt ngoạn mục – 1930 - 1945, làm thay đổi gương mặt cổ truyền.

Còn con đường cách mạng hóa – để đến với mục tiêu Dân chủ thì chỉ có thể thực hiện bằng con đường sang phương Tây của Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm (1911 - 1941).

Cách mạng tháng Tám thành công đưa dân tộc thoát khỏi thân phận nô lệ, và tham gia vào nhân loại như một thành viên bình đẳng – qua một đại diện kiệt xuất là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Từ đây dân tộc Việt với các mối giao lưu được mở ra trên một biên độ rộng, đã có thể tham gia vào các sinh hoạt quốc tế như một chủ thể có chủ quyền. Qua Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, Việt Nam khẳng định sự tan vỡ, đứt gẫy một mắt xích lớn của chủ nghĩa thực dân cũ. Và, từ 1950, Việt Nam kháng chiến bắt đầu kiến lập mối quan hệ với phe xã hội chủ nghĩa, sản phẩm của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết - gọi tắt là Liên Xô...

Tình thế đất nước chia đôi từ 1954 đến 1975, theo Hiệp định Genève 1954, đưa Việt Nam vào hai khu vực văn hóa, trong một cuộc chiến ý thức hệ: Ai thắng ai? có quy mô toàn cầu. Với miền Nam, đó là “thế giới tự do”, trong quan hệ gắn bó với Mỹ và phương Tây. Với miền Bắc là “phe xã hội chủ nghĩa” do Liên Xô (và Trung Quốc) đứng đầu. Đây là câu chuyện đã được nói đến nhiều trong thời kỳ đất nước thống nhất và Đổi mới, với những được - mất cho cả hai bên; và hậu quả của những gì diễn ra sau 1975 trên cả hai miền Bắc và Nam chúng ta đã rõ. Thoát khỏi tình thế hai phe từ 1990 khi bức tường Berlin đổ và Liên Xô tan vỡ, và bước vào thời hội nhập chính thức từ 1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tính cho đến nay - 2022 là hơn 25 năm. Đây là 25 năm rất đáng nghiên cứu để sơ kết, hoặc tổng kết, nhằm rút ra những bài học đắt giá cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hai mươi năm với hai Nghị quyết về văn hóa của Đảng. Một là Nghị quyết 05 Khóa VIII năm 1998, có tên: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và hai là Nghị quyết 09 Khóa XI, năm 2014, có tên: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ta chú ý ở đây, trong Nghị quyết - 2014 có sự gắn nối Văn hóa với Con người; và với một mục tiêu cụ thể; đó là sự “đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Cũng ở Nghị quyết này, lần đầu tiên, sau 71 năm, kể từ Đề cương về văn hóa – 1943 có thêm sự khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

nlntv-van-hoa-1665460950.jpg
Nghệ thuật Tuồng cổ - Ảnh minh hoạ Internet

Vì sao cần đến hai Nghị quyết, và vì sao có những thay đổi, bổ sung trong Nghị quyết lần 2 – đó là vấn đề rất cần suy nghĩ trong thực trạng đất nước 25 năm qua. Một thực trạng với những gì đã diễn ra gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Một thực trạng mà mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế, văn hóa bỗng trở nên xộc xệch, mất thăng bằng, kéo dài quá lâu mà chậm được điều chỉnh. Một thực trạng khiến cho văn hóa và giáo dục bỗng mất vai trò và vị thế của nó, đưa tới sự bất an chung của xã hội, còn đối với từng con người thì ở một bộ phận không nhỏ, là sự thoái hóa, biến chất, hoặc chơi vơi mất niềm tin và chỗ dựa...

Đánh giá vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc, dẫu đã có rất nhiều mỹ từ, nhiều sự tôn vinh, nhưng thực ra đó là câu chuyện khó, bởi tác động của văn hóa- văn học- nghệ thuật là trừu tượng, không phải là một hệ quả vật chất để có thể cân, đo, đong, đếm. Bởi, hiệu quả và tác động cơ bản của văn hóa là xây dựng con người. Xét một xã hội có giá trị văn hóa là một xã hội đạt được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp cư dân. Một xã hội luôn được mơ ước trong suốt hàng nghìn năm phong kiến như xã hội thời Nghiêu Thuấn ở Trung Hoa cổ đại. Như thời Phục hưng thế kỷ XVI hoặc Ánh sáng thế kỷ XVIII ở phương Tây. Thời xuất hiện biết bao gương mặt lỗi lạc trong khoa học và nghệ thuật. Thời sinh ra những con người khổng lồ về tư tưởng và hành động. Thời thế giới dùng đầu mình để đứng... Với Việt Nam, có thể nghĩ đến thời Lý - Trần thế kỷ XIII. Thời của tam giáo đồng nguyên. Thời ba lần chiến thắng Nguyên Mông, gắn với Hội nghị Diên Hồng và hào khí Đông A. Thời dồn tụ rất đông những tên tuổi có vị thế của những phúc thần và công thần của dân tộc Việt như Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu và Dã Tượng... Có thể nghĩ đến thời Lê – không phải là mấy triều vua ngay sau chiến thắng giặc Minh với những nhầm lẫn và oan sai nó gây ra, mà là thời Lê Thánh Tông nửa sau thế kỷ XV, với việc giải oan cho vụ án Lệ Chi viên; với trạng thái non sông xã tắc được gìn giữ và mở mang; nhân dân yên ổn thái bình; văn tự võ công rực rỡ; thơ văn quốc âm dồi dào; giáo dục quốc dân hùng mạnh...

Cũng có thể nghĩ đến một thời như thế - thời Hồ Chí Minh của thế kỷ XX, kể từ Cách mạng tháng Tám 1945, qua mốc lịch sử Điện Biên Phủ, đến ngày Người qua đời, rồi Đại thắng mùa xuân 1975. Đó là thời toàn dân Việt lắng nghe Tuyên ngôn độc lập trong một giao cảm vĩ đại giữa nhân dân và lãnh tụ, rồi dấn thân vào hai cuộc kháng chiến, trong một đồng tâm hiệp sức triệu người như một trước hai lời kêu gọi vang dội núi sông: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (tháng 12/1946). Và: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” (tháng 6/1966).

Thời người hoạt động văn hóa - văn nghệ nào cũng tìm được sự nhất trí giữa hai tư cách công dân và nghệ sĩ.

Thời của những “giai điệu tự hào”, những tác phẩm sống mãi cùng năm tháng, viết về tình yêu quê hương và Tổ quốc; về Hồ Chí Minh – “đẹp nhất tên Người”; về người lính – từ là anh Vệ quốc quân, qua anh Giải phóng quân đến anh lính biên cương và biển đảo; và các thế hệ bà mẹ Việt Nam...

Thời “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Để kết thúc phần này, xin phép kết hợp nói một ít về vai trò của văn học và văn hóa dân gian đối với văn hóa Việt - trong khi chờ đợi có cả một chuyên đề riêng cho câu chuyện này.

Do đặc thù riêng của một dân tộc chưa (hoặc chậm) có chữ viết, nên văn học dân gian và văn hóa dân gian Việt có vai trò rất lớn và có một lịch sử rất lâu dài. Văn học dân gian, đó là cả một kho tàng ca dao, tục ngữ, cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại, truyện tiếu lâm, truyện cười, truyện trạng... Có thể xem nó là pho trí tuệ của nhân dân. Là tấm gương soi trung thực tâm hồn, tình cảm của nhân dân. Trong quan hệ với văn chương bác học, tức văn học viết, cả Hán và Nôm, qua các tác gia lớn, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... nó để lại những dấu ấn rất đậm.

Cùng với văn học dân gian, là cả một gia tài giàu có nghệ thuật dân gian, trên tất cả các lĩnh vực của nhu cầu tinh thần con người. Về ca, đó là quan họ, xoan, ví dặm, hò, bài chòi, ca tài tử, xẩm, ả đào... Về nhạc, phải bắt đầu từ trống đồng, như đặc sản riêng của cư dân Việt mà đến với đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy, đàn nguyệt, nhị, sáo, tỳ bà, khèn... Về sân khấu, đó là rối nước, chèo, tuồng, cải lương và nhiều loại hình biểu diễn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu như hát văn, gắn với diễn xướng thờ thần ở đình làng của các giáo phường như ca trù. Về kiến trúc, đó là chùa – tháp thời Trần, đình – đền thời Lê... Về thủ công, mỹ nghệ gắn với các làng nghề như gốm sứ, thêu đan, tranh tượng, kim hoàn với những địa chỉ nổi tiếng như tranh làng Hồ, gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã... Tất cả những gì tôi liệt kê còn rất thiếu sót như trên đều có sự sống và sức sống hàng nghìn năm, gần như không đứt đoạn. Sự thật thì cũng có lúc bị đứt đoạn, như việc cấm khắc in các truyện Nôm thời chúa Trịnh, thế kỷ XVII. Hoặc thời hiện đại, có lúc do yêu cầu chống phong kiến, cùng với việc phá đình chùa, đấu tố địa chủ - cường hào, cũng đã có việc cấm đoán, loại bỏ nhiều loại hình hoạt động văn hóa như hát ả đào, hát chầu văn, và các tục thờ thần linh hoặc thờ Mẫu, vì bị gán cho tội danh mê tín dị đoan, hoặc gieo rắc độc tố lạc hậu, phản động, mà không thấy đó là một nhu cầu tâm linh chính đáng của con người, nằm trong một truyền thống văn hóa lâu đời rất cần được giữ gìn... May là, cuối cùng tất cả những gì có lý do tồn tại trong lịch sử lâu dài đã được phục hồi, hoặc chấn hưng để sống lại, và hơn thế, còn được tôn vinh là di sản văn hóa quốc gia hoặc quốc tế.

Khơi sâu vào các giá trị của văn học- nghệ thuật- văn hóa dân gian Việt là một câu chuyện lớn, không chỉ liên quan và làm nên gương mặt chung của văn hóa Việt, mà còn gợi mở và gắn bó với nhiều lĩnh vực khoa học như Văn hóa học, Dân tộc học, Xã hội học, Phong tục học, Địa phương học..

còn tiếp...

GS. Phong Lê