Về Văn hoá và Văn học nghệ thuật - Nơi lưu giữ sự sống tinh thần trường tồn của dân tộc (Phần 3)

Huyền Văn
Văn học - và nghệ thuật như một giá trị tinh thần và thẩm mỹ, có vai trò là đại diện, là biểu trưng, là kết tinh cho văn hóa dân tộc - chỉ có thể được kích thích và tìm được nguồn lực thúc đẩy bên trong bởi các giá trị cao. Chỉ những giá trị cao trong văn chương - học thuật, chỉ có nó, chứ không phải là bất cứ cái gì khác, mới tạo được sự kích thích ấy, mới chứa đựng được nguồn lực ấy. Cũng chỉ thông qua những giá trị cao mà văn hóa, văn học - nghệ thuật mới thực sự trở thành một sức mạnh tinh thần vững bền trong đời sống con người; qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Cùng với văn học dân gian, là cả một gia tài giàu có nghệ thuật dân gian, trên tất cả các lĩnh vực của nhu cầu tinh thần con người. Về ca, đó là quan họ, xoan, ví dặm, hò, bài chòi, ca tài tử, xẩm, ả đào... Về nhạc, phải bắt đầu từ trống đồng, như đặc sản riêng của cư dân Việt mà đến với đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy, đàn nguyệt, nhị, sáo, tỳ bà, khèn... Về sân khấu, đó là rối nước, chèo, tuồng, cải lương và nhiều loại hình biểu diễn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu như hát văn, gắn với diễn xướng thờ thần ở đình làng của các giáo phường như ca trù. Về kiến trúc, đó là chùa – tháp thời Trần, đình – đền thời Lê... Về thủ công, mỹ nghệ gắn với các làng nghề như gốm sứ, thêu đan, tranh tượng, kim hoàn với những địa chỉ nổi tiếng như tranh làng Hồ, gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã... Tất cả những gì tôi liệt kê còn rất thiếu sót như trên đều có sự sống và sức sống hàng nghìn năm, gần như không đứt đoạn.

Sự thật thì cũng có lúc bị đứt đoạn, như việc cấm khắc in các truyện Nôm thời chúa Trịnh, thế kỷ XVII. Hoặc thời hiện đại, có lúc do yêu cầu chống phong kiến, cùng với việc phá đình chùa, đấu tố địa chủ - cường hào, cũng đã có việc cấm đoán, loại bỏ nhiều loại hình hoạt động văn hóa như hát ả đào, hát chầu văn, và các tục thờ thần linh hoặc thờ Mẫu, vì bị gán cho tội danh mê tín dị đoan, hoặc gieo rắc độc tố lạc hậu, phản động, mà không thấy đó là một nhu cầu tâm linh chính đáng của con người, nằm trong một truyền thống văn hóa lâu đời rất cần được giữ gìn... May là, cuối cùng tất cả những gì có lý do tồn tại trong lịch sử lâu dài đã được phục hồi, hoặc chấn hưng để sống lại, và hơn thế, còn được tôn vinh là di sản văn hóa quốc gia hoặc quốc tế.

Khơi sâu vào các giá trị của văn học - nghệ thuật - văn hóa dân gian Việt là một câu chuyện lớn, không chỉ liên quan và làm nên gương mặt chung của văn hóa Việt, mà còn gợi mở và gắn bó với nhiều lĩnh vực khoa học như Văn hóa học, Dân tộc học, Xã hội học, Phong tục học, Địa phương học..

Cuối cùng xin trở lại với câu chuyện nền và đỉnh. Bởi với hoạt động văn hóa, văn học- nghệ thuật, văn chương- học thuật, mục tiêu cuối cùng phải là những khám phá trong khoa học, và những sáng tạo trong nghệ thuật. Những khám phá và sáng tạo, bất cứ ở đâu và lúc nào cũng cần đến tài năng – mà “tài năng là hiếm”, nói như Lênin. Tức là đòi hỏi một lao động đặc thù nghiêm khắc nhất, thậm chí như vắt kiệt hết sức mình; hoặc nói như G. Flaubert: Nghệ sĩ là người mà cuộc đời chỉ là phương tiện cho nghệ thuật. Phải với những khám phá và sáng tạo như thế mà đến với hiệu quả thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

nlntv-hanoi3-1665976859.jpg
Hà Nội - Ảnh minh hoạ Internet

Đây là một câu chuyện dài và có phần phức tạp, ở đây tôi chỉ muốn gợi một vài suy nghĩ nhỏ.

Những đỉnh cao văn học, những tên tuổi lớn gắn bó và làm nên vinh quang cho mỗi nền văn hoá dân tộc - đó chính là mục tiêu, và là mơ ước của bất cứ nền văn học nào. Và nói văn học ở đây là nói đến văn hóa. Bởi, như ý kiến của D. Likhachốp – nhà bác học, nhà văn hóa lớn của Liên Xô (cũ): “Trong khi tìm kiếm những đặc điểm của nền văn hóa, trước hết chúng ta cần phải tìm sự trả lời ở văn học và chữ viết. Văn học “nói” thay cho văn hóa dân tộc giống như con người “nói” thay cho tất cả những gì sống trong trời đất”. Gắn với nghệ thuật như trong cùng một đại gia đình, văn học có sứ mệnh đại diện cho văn hóa, hoạt động văn học làm nên một giòng chảy lớn qua một lịch sử các tác gia và tác phẩm. Nhưng lôgích thuận của sự xuất hiện là thế nào thì vẫn cứ còn là một lối ngỏ cho những ngẫu nhiên; và tài năng cùng đỉnh cao thường lại xuất hiện một cách đột ngột, như không có gì báo trước.

Lại nữa, nói đỉnh cao văn học là nói đến những hiệu quả tinh thần không dễ đo đếm; và thường khi không dễ dàng được chấp thuận trong sự tiếp nhận của công chúng một thời. Có khi nó còn bị phê phán, bị lên án gay gắt do lợi ích của các tập đoàn người, do áp lực của những quan niệm chính thống, của các hệ quyền lực đã là cũ, mà không tự chịu nhận là cũ. Văn chương chân chính hướng về tình yêu, lòng nhân ái, cái thiện; nhưng cũng chính vì mục tiêu đó mà có lúc, có bộ phận nó hoàn toàn dành chỗ cho sự miêu tả cái ác, nó nhằm vào sự phê phán và cảnh tỉnh con người trước cái ác. Vị đắng và sự chua chát của nó thường khi lại gây nên khó chịu và là một cú sốc mạnh cho sự tiếp nhận của người đọc đương thời. Và gây nên trong công luận những luồng ý kiến khác nhau, trái ngược nhau. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phải chịu bao trầm luân trong dư luận. Và Vũ Trọng Phụng, “ông vua phóng sự đất Bắc”, cha đẻ của những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách... bất hủ có dễ phải sau hơn nửa thế kỷ chìm nổi mới nhận lại được giá trị của mình.

Cuối cùng, dẫu các giá trị của văn học đã được công nhận và đang tồn tại dưới bất cứ dạng thái nào, vẫn không thôi ẩn hiện một câu hỏi: Văn học – và nghệ thuật đã và sẽ là gì đối với xã hội? Từng có lúc nó được xem là nơi chở đạo, hoặc là vũ khí. Từng có lúc nó được giao rất nhiều trọng trách. Từng có lúc, qua một số tên tuổi nào đấy, nó được hưởng rất nhiều vinh quang... Victor Hugo, cây đại thụ toả bóng rợp thế kỷ XIX ở châu Âu từng được xem là người “gây nên bão tố từ đáy lọ mực”, người không sợ sự đầy ải của Napoléon tiểu đế và tuyên bố chỉ trở về Paris khi đất nước có tự do. Victor Hugo vào tuổi 80 được sống ngay trên đại lộ mang tên mình ở Paris; qua cửa sổ ngôi nhà riêng ông chứng kiến sáu mươi vạn người diễu qua chúc sinh nhật mình; ngày ông mất được tổ chức quốc tang với hai triệu người tham dự; thi hài được đưa vào điện Pantheon, trong khi lúc sinh thời ông chỉ mơ ước được chôn trong quan tài của kẻ khó... Hugo là thế, nhưng còn Honoré de Balzac, ông tổ của Chủ nghĩa Hiện thực, người đồng thời với Hugo lại suốt đời mang nợ... Balzac không nhận mình là “kẻ nghèo” mà chỉ là “người giàu túng bấn”; nhưng xem ra không thành đạt ở bất cứ nghề gì, trừ nghề văn.

Ở tuổi thọ 51, trong chưa đầy 20 năm, Balzac viết 91 tác phẩm, với 2209 nhân vật, trung bình mỗi năm viết 2000 trang; người từng mơ ước có được hai bộ óc và cả hai tay mình cùng cầm bút để làm việc; và có khả năng làm việc 20 giờ trong mỗi ngày; Balzac đến cuối đời vẫn thấy mình “chưa thành đạt”, không vào được Viện Hàn lâm, không qua được các khoản nợ... Hugo là thế; Balzac là thế; nhưng còn Fédor Dostoievski, người của thế kỷ XIX, nhưng vẫn tiếp tục toả bóng sang thế kỷ XX. Dostoievski đã trải những phút giây bị đưa ra hành quyết, và sống nhiều năm ở nhà tù khổ sai Xibia... Văn học với sức mạnh của nó qua các tên tuổi lớn là như thế! Nhưng không phải không có lúc nhìn vào sự tồn tại của văn học, nhìn vào tình cảnh và số phận của không ít nhà văn, ta lại đâm ra hồ nghi? Giữa bao sức mạnh của quân sự, của chính trị, của kinh tế, của luật pháp, của các hệ quyền lực, thì sức mạnh của văn chương nghệ thuật quả là mong manh. Nhà văn không có bất cứ vũ khí gì khác ngoài trang chữ.

nlntv-hanoi1-1665976820.jpg
Ảnh minh hoạ internet

Nhà văn chỉ có tiếng nói trên trang chữ là nơi thể hiện quyền lực vô hình của mình. Trang chữ - ngày xưa, ở Việt Nam ta, các nhà Nho tự ghi lên giấy bản; và nếu được khắc bản thì số lượt đến với người đọc cũng không có bao nhiêu; nhưng với các giá trị đích thực thì luôn luôn nó có cách khẳng định để tồn tại cùng lịch sử. Trang chữ ngày nay bằng con chữ in, và sau năm trăm năm kỷ nguyên in, bây giờ nó đang được đưa vào các đĩa mềm, và phóng lên mạng, văn học trong thế tiềm năng là càng có khả năng được đọc nhiều hơn và lưu giữ bền hơn. Đời người viết văn là ngắn ngủi, số phận nhà văn có lúc là mong manh, bất hạnh; nhưng lấy gì đo được giá trị của trang chữ với xã hội nhân vật và thế giới tinh thần do nhà văn tạo ra?

Văn học “chắc chắn không phải để làm lại thế giới” - nói như Camilo Jose Cela - nhà văn giải Nobel 1989 của Tây Ban Nha. Nhưng “đối với một dân tộc, văn học là tất cả, nó đảm bảo cho dân tộc trường tồn chắc chắn hơn cả kiến trúc. Lời chữ bền vững hơn đá”.
Bia đá không phải là không bền. Văn học cổ điển của chúng ta từ trước thế kỷ XV, sau cuộc tàn sát văn hoá của giặc Minh, may mà còn lưu giữ được một phần trên các bia đá để có bộ Thơ văn Lý Trần của Viện Văn học cho đến nay vẫn thực hiện chưa xong. Nhưng “bia miệng” quả còn bền hơn. Như phương ngôn, tục ngữ đã nói. Và như chính phương ngôn, tục ngữ.

Trong sự quan tâm đưa văn hoá, văn học - nghệ thuật vào sự phát triển xã hội hôm nay, lẽ cố nhiên, văn học không thể đứng ra ngoài một cách thờ ơ, mà cũng trở thành một nhân tố, một động lực tinh thần, như chúng ta mong muốn. Nhưng tổng kiểm điểm lại lịch sử thì, với văn học, hiệu quả đó không phải là dễ nhận dạng và đo đếm được. Trong quan hệ với đời sống chính trị, rõ ràng văn học không dễ và không thể xa lánh, nhưng cũng có lúc, có bộ phận như là xa lạ, vì cái mà văn học, nghệ thuật kiếm tìm là nhằm vào những đòi hỏi của tâm thế, của tinh thần rộng hơn đời sống chính trị, vượt ra ngoài các khuôn khổ của chính trị. Cũng vì lẽ đó nên những giá trị lớn của văn học là đi suốt nhiều niên đại, nhiều hình thái kinh tế - xã hội, là vượt qua nhiều thể chế chính trị.

Những giá trị văn học lớn không chỉ làm vẻ vang cho dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Tất cả những tên tuổi lớn trong văn học khắp các khu vực, các dân tộc đều trổ được đường vào nhân loại, qua đó mà nâng cao vinh dự của dân tộc mình và khẳng định các giá trị phổ quát và vững bền chung cho con người, cho loài người. Như vậy trong sự mở rộng cách hiểu về đóng góp của văn học và về vai trò văn học như một động lực tinh thần của con người, của xã hội thì câu trả lời luôn luôn vẫn là: cần một nền văn học với những tác giả lớn, tác phẩm lớn. Câu hỏi đó trong nhiều chục năm qua chúng ta luôn luôn đặt ra, tưởng đã có cách trả lời, có lúc tưởng đã ở trong tầm tay. Đã có không ít tác phẩm được dẫn ra thường xuyên, như chính là một thứ quả chín, hoặc là quả chín đầu mùa, hứa hẹn rất nhiều ngọt lành; nhưng rồi cùng với thời gian, và trong thẩm định của lịch sử lại thấy gần như quá nhiều sự rơi rụng. Một thế kỷ đã qua, hành trình văn học hết lớp này qua lớp khác, và càng về sau càng tấp nập; nhưng những tên tuổi xứng đáng là niềm tự hào chung của dân tộc tựa như Nguyễn Trãi thế kỷ XV, Nguyễn Du thế kỷ XIX... sẽ còn lại là những ai?

Nói Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là nói người không chỉ viết Bình Ngô đại cáo mà còn là tác giả của 254 bài thơ Nôm trong Quốc âm thi tập (theo di cảo sưu tầm của Dương Bá Cung); và với Quốc âm thi tập, ông đã đến được một tầm cao bất ngờ nơi thượng nguồn nền văn học Nôm dân tộc, vừa mới xuất hiện đã chủ động dấn vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành quyền tồn tại với chữ Hán, rồi không thua văn học viết bằng chữ Hán. Phải có ông, phải từ ông, để hơn 300 năm sau, xuất hiện Nguyễn Du (1765 - 1820) - người đứng ở đỉnh cao chót vót những tiềm năng và vẻ đẹp của ngôn ngữ và tiếng nói dân tộc, chưa có ai, cho đến nay, sau hơn 200 năm vượt nổi.

Tôi nói điều này không phải để coi thường, xem nhẹ những thành tựu văn học đã thu được của dăm sáu thế hệ người viết trong thế kỷ XX. Một thế hệ trước 1945 đã thực hiện được cuộc chuyển đổi mô hình và làm mới tư duy nghệ thuật, để làm nên diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc, ngay trong xã hội thuộc địa. Hai (hoặc ba) thế hệ tiếp nối nhau sau 1945 cho đến cuối 1980 đã góp sức cùng nhau, trong một đồng tâm nhất trí gần như là tuyệt đối, để làm nên bản anh hùng ca của ngót 40 năm đất nước ra trận; và ngay sau khi dứt tiếng súng, đã tiếp tục là người tiền trạm, người chuẩn bị cho một cuộc Đổi mới, mà quy mô cũng không khác với Cách mạng tháng Tám - 1945. Rõ ràng, ở cả ba giai đoạn, sức mạnh của một đội ngũ là điều dễ thấy, nhưng sự vượt trội để có các đỉnh cao, với tầm vóc lực lưỡng ở mỗi cá nhân, là chuyện còn phải bàn. Điều đáng quan tâm là ở các thế hệ mới gắn với giai đoạn từ đầu 1990 đến nay, sản phẩm của chính thời kỳ Đổi mới và Hội nhập, là gồm những tên tuổi nào, câu trả lời thật không dễ!

Văn học – nghệ thuật hôm nay, đang đứng trước một tình thế thuận lợi cho sự phát triển - có dễ là hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây. Ngót ba mươi năm trước, nếu nhu cầu “cởi trói” đặt ra là đúng, thì sự tháo cởi cho đến nay quả là điều không còn nghi ngờ. Ai có khả năng và ham muốn viết đều có thể viết hết mình. Và viết bằng chính suy nghĩ và cảm xúc của mình, chứ không phải bằng những vay mượn, hoặc để đáp ứng những “đặt hàng” ép uổng hoặc tự nguyện; nói cách khác, cái được gọi là “cá tính sáng tạo” hoặc “chủ thể sáng tạo” đã được chú ý, nếu không nói là được coi trọng. Và giao lưu thì đang mở ra với rất nhiều cái mới và lạ của thế giới bên ngoài. Cái mới rất cần đón nhận, còn cái lạ thì phải xem xét tìm hiểu. Và giữa mới và lạ, đôi khi cũng không dễ phân biệt.

nlntv-hanoi-1665976755.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Tóm lại, hơn 35 năm đất nước đổi mới, trong đó có hơn 25 năm hội nhập cũng đã đủ là một hoàn cảnh khách quan, nếu không nói là thật thuận thì cũng không thể nói là trái, là nghịch cho sự sáng tạo ở mọi lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Vấn đề còn lại là ở cái phía chủ quan, ở sự chuẩn bị của chính ngay nhà văn, ở mọi thứ vốn nhà văn cần có để trở thành người viết có nghề, trước khi trở thành tài năng, thành thiên tài; một thứ nghề không thể chỉ trông dựa vào bản năng, vào cái vốn trời cho, hoặc được hiểu là quá dễ. Cái công việc kiểm điểm này trước đây gần như lúc nào ta cũng làm - trong các văn kiện, các nghị quyết, nhân các kỳ hội họp; trong các bài nói bài viết của giới lãnh đạo và quản lý nghề nghiệp, nhưng xem ra, một là chưa thật trúng, hay là tất cả hiển nhiên đều đúng nhưng chưa đủ. Có một bí ẩn gì đó của sáng tạo còn chưa được nhìn ra, hoặc đã được nhìn một cách đơn giản, dễ dàng, tưởng như ai cũng có thể với tới - trong cả một phong trào sáng tác ngày càng mở rộng, ai ai cũng có thể viết văn, làm thơ như hôm nay. Một bí ẩn của sáng tạo còn tiềm tàng đâu đó, và vấn đề đặt ra cho chúng ta, nói theo Mác, không phải là tạo ra thật nhiều Raphaen, mà là tạo ra hoàn cảnh để những ai có Raphaen trong mình đều có thể tự nhiên nẩy nở.

Vậy là, sau khi nhấn mạnh đến sự chuẩn bị chủ quan không chút dễ dàng ở các chủ thể sáng tạo, là nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn... mà sự chọn lọc của thời gian là cực kỳ khắc nghiệt, lại cần thiết trở về với sự quan tâm đến các hoàn cảnh, các môi trường gieo trồng; nhằm tạo nên một khí hậu tự nhiên cho sự thanh lọc dần những cái vô bổ, cái tầm tầm, cái nhảm, và cả cái xấu, cái độc hại, vốn không lúc nào hết đất sống, và cũng đừng mong là hết dễ dàng trong bất cứ thể chế nào của sự phát triển xã hội, để đưa dần văn học- nghệ thuật lên một giá trị chuyên nghiệp cao, trong tương ứng với một nền Kinh tế trí thức và Văn minh trí tuệ.

Văn học - và nghệ thuật như một giá trị tinh thần và thẩm mỹ, có vai trò là đại diện, là biểu trưng, là kết tinh cho văn hóa dân tộc - chỉ có thể được kích thích và tìm được nguồn lực thúc đẩy bên trong bởi các giá trị cao. Chỉ những giá trị cao trong văn chương - học thuật, chỉ có nó, chứ không phải là bất cứ cái gì khác, mới tạo được sự kích thích ấy, mới chứa đựng được nguồn lực ấy. Cũng chỉ thông qua những giá trị cao mà văn hóa, văn học - nghệ thuật mới thực sự trở thành một sức mạnh tinh thần vững bền trong đời sống con người; qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Những giá trị cao, những đỉnh cao - đó là cái đích mà lịch sử văn hóa, văn chương, học thuật dân tộc đã từng đạt được với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…

GS. Phong Lê