Tôi vốn hờ hững với việc đoàn, việc đội, nói cho đúng thì có phần ác cảm nữa là khác, nên tôi nghe việc đoàn, việc đội cũng không mặn mà lắm. Tôi từng bị nhận xét là người ngoài lề. Cảm nhận ở anh một thành viên thành tâm, nhiệt tâm của các đoàn thể lớn, đoàn thể nhỏ. Nhưng câu chuyện ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi đến hôm nay, bởi anh nói đến cái chi tiết quan trọng là Phong trào Tiến quân vào khoa học. Anh hăng hái, đầy hưng phấn, đầy nhiệt tâm, và như thể muốn có thêm hàm ý nhắc nhở đảm thanh niên lúc này, đám thanh niên mà Phạm Xuân Nguyên đang làm Bí thư Chi đoàn.
Đáng tiếc lúc này tôi không hỏi thêm về quy mô, tính tự giác, tự nguyện của các thành viên trong phong trào.
Trước khi viết những dòng này, tôi cũng thử hỏi thăm dò một vài người trong và ngoài các cơ quan khoa học, thì họ nói chưa từng nghe đến một phong trào như vậy. Và vì lí do đó tôi tự cho rằng câu chuyện tôi được nghe từ Phong Lê là một tư liệu quý.
Tôi ghi nhận rằng đã được bổ sung thêm vào vốn hiểu biết của mình về cái thời mà mình đang sống. Tôi cũng nghĩ anh đang lưu giữ một nguồn sử liệu về một thời đặc thù trong đời sống văn học dân tộc, nguồn sử liệu này, qua anh, sẽ không bị xuyên tạc bởi một mục đích cá nhân như rất dễ thấy đối với ai đó.
“Tiến quân vào khoa học”, “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, “Điểm mười diệt Mĩ”, “Một người dân là một chiến sĩ”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Luyện thêm chất thép cho ngòi bút”, “Cả dân tộc tụ về đường số một”. Thế hệ trước đổi mới, một người làm khoa học xã hội hay nghiên cứu phê bình văn học, thì hết thảy- hay phần lớn, đều tự hào làm chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Vai trò được cấp hay tự phong đó khiến cho không ít người tuổi trẻ, chức thấp lại có thể dám phê phán một cách mạnh mẽ và tự tin, bình đẳng và “có trách nhiệm” với một “đồng chí” chức cao, tên tuổi lớn, hay thuộc thế hệ đàn anh,.. điều mà về sau, khi vấn đề “lập trường tư tưởng” ít ý nghĩa đi thì thái độ rụt rè lại là thái độ phổ biến trong giới phê bình văn học.
Văn nghệ là một mặt trận, khoa học xã hội cũng là một mặt trận, “tiến quân vào khoa học” - khoa học lại còn được xem như một phong trào? Như một nhiệm vụ chính trị lớn lao? Tiến đến đâu? Ở đây dường như cũng được hình dung có địch có ta, phân ra địch ta như cách phân tích “khoa học”, như các cách đánh giá phim ảnh quen thuộc một thời trong đời sống văn hoá, văn nghệ?
Nếu không có được thông tin thú vị về phong trào Tiến quân vào khoa học chắc sự hình dung về khoa học xã hội hay văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng ít đi sự đầy đủ của một “cấu trúc chặt chẽ và toàn diện”. Trong cái phong trào này cũng có “Chiến sĩ thi đua”, có tướng, có quân - nghĩa là được hình dung như một mặt trận thực sự nghiêm túc và đầy ý nghĩa lịch sử, đầy trọng trách lịch sử. Tôi nghe anh nói và lặng người nghĩ đến việc đã có một sự “quán triệt” cái tinh thần “quân sự” đó vào trong việc đưa một loạt khái niệm quân sự hay các khái niệm chiến tranh vào trong các “công trình khoa học xã hội” nói chung và nghiên cứu, phê bình văn học nói riêng. Có tất cả, từ sự tự nguyện đến áp lực, sự lây nhiễm lẫn “mốt”. Điều này cũng không riêng đối với các công trình mà đối tượng nghiên cứu là đương đại mà nó hiện diện trong các sản phẩm mà đối tượng thuộc thời xa xưa, ví dụ nó nằm trong các khái niệm “nhân sinh quan tích cực”, “thế giới quan..”, “tính chiến đấu trong thơ, trong văn”... Đọc đâu cũng thấy “chiến đấu”, “ngọn cờ”... Tất cả vì những mục đích chính trị hiện tại.
Không lâu nữa, tại đây, Phong Lê - lúc này là Tổng biên tập Tạp chí Văn học, đã cho đăng tải nhiều bài có nội dung đổi mới của nhiều nhà nghiên cứu. Dường như mỗi kì tạp chí thời kì này đều được mong đợi và cũng là niềm vui của những người đổi mới. Một lần nhà giáo, nhà nghiên cứu Văn Tâm (tức Tầm Dương, tác giả Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn), theo dõi Tạp chí Văn học, nói với tôi, rằng “chiếc xe tăng đổi mới đang từ từ tiến”. Cũng là chiếc xe tăng nhưng hình như trước đây Xuân Diệu lại gắn cho một tên tuổi to trong Viện Văn học với danh hiệu “xe tăng mù” của Đảng. Tôi cũng vui lây khi Phong Lê được tấn phong như thế, và cũng sực cười khi nghe Văn Tâm lại dùng danh hiệu “xe tăng”. Nghĩa là anh lại “Ra trận” (1), lại làm chiến sĩ trên mặt trận, một mặt trận khác - mặt trận đổi mới.
Một giai đoạn mới, cũng là hào hứng và đầy trách nhiệm, cũng là niềm tin, cũng là làm theo tiếng gọi của Đảng, nhưng dường như khó khăn và đòi hỏi sự dũng cảm.
Tôi còn nghe nói Phong Lê đã phát biểu rất mạnh mẽ và rất được tán thưởng trong Đại hội Đảng bộ khối Khoa Giáo Trung ương và được bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII với số phiếu vào loại cao. Sau đó hình như bị/ được thương lượng thế nào đó để khỏi phải đi với lí do về quê thăm mẹ ốm. Câu chuyện lan ra thành thử có hai câu ca được truyền lan:
Hoan hô đồng chí Phong Lê
Không đi Đại hội lại về với u.
Câu chuyện thương lượng này cũng có thể xem như một tư liệu nho nhỏ nhưng đấy không phải mối quan tâm của tôi.
Một thời gian, sau cái buổi phát biểu hăng hái, hào hứng kia không nhớ là bao lâu, anh bị/ được mất chức Viện trưởng Viện Văn học, một chức vụ mà cho đến sau này, anh vẫn là người duy nhất được bầu, kiểm phiếu trực tiếp từ chính anh em trong Viện (1).
Tôi không gần gũi anh như nhiều anh em trong Viện Văn học nhưng cũng được nghe khá nhiều câu chuyện thú vị về anh. Và tôi tin điều tôi nhắc đến trên đây, cái phong trào Tiến quân vào khoa học, nếu không nói ra thì cũng tiếc.
Hà Nội tháng 4 năm 2008
(1) Nói cốt cán vì lúc đó anh là Bí thư với hai Phó của anh là Trần Trọng Hựu và Lê Đức Thuý
(1) Dùng lại tên một tập thơ của Tố Hữu.
(1) Phong Lê được mất chức nhưng dư luận vẫn bàn tán về cái vụ này khá lâu. Quãng vài năm sau thì sự bàn tán im ắng dẫn, tôi nhại thơ Chế Lan Viên mà trêu Phong Lê:
Tại một ngôi nhà bên Hồ Gươm chẳng còn ai bàn chuyện Phong Lê
Lòng ta đã thành đa mang chuyện cũ.
Anh nghe và cười rất vui vẻ.