Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, tấm gương nghị lực, cống hiến trong lao động, nghiên cứu khoa học

Nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, chiều 27/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - cuộc đời và sự nghiệp”.
giao-su-vien-sy-tran-dai-nghia-01-1679914113.jpeg
Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Từ nhỏ, ông đã rất hiếu học, có tư chất thông minh, có nghị lực, ham học hỏi, luôn đứng hạng ưu trong các kỳ thi của các trường, đứng đầu hai kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Tây. Khi được học bổng sang Pháp học, Phạm Quang Lễ quyết tâm chạy đua với thời gian, lấy được 6 bằng đại học và chứng chỉ của các trường đại học danh tiếng của Pháp. Cũng trong thời gian đó, ông đã tự tìm tòi nghiên cứu về ngành chế tạo vũ khí. Sau này về nước, ông đã sáng tạo, sáng chế được những vũ khí rất có ý nghĩa đối với thực tiễn Cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước thiết tha, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ cuộc sống ở Pa-ri (Pháp) theo Hồ Chủ tịch về nước. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Trần Đại Nghĩa cho Phạm Quang Lễ.

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.

giao-su-vien-sy-tran-dai-nghia-02-1679914113.jpg
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc và đề dẫn “Khoa học và Tổ quốc, tình yêu trọn đời của GS.VS Trần Đại Nghĩa”. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của ông đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường. Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghia” đã làm cho giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục. Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng.

Với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng danh hiệu “Ông Phật làm súng”. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…

Đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.

Khái quát những đóng góp to lớn của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trướng Bộ Quốc phòng cho biết, đó là quá trình tích cực nghiên cứu tích lũy kiến thức về kỹ thuật quân sự, công nghệ quốc phòng của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa khi học tập ở nước ngoài. Sau đó là đóng góp cho ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đóng góp cho ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cụ thể, năm 1952, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là một trong ba người đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động.

giao-su-vien-sy-tran-dai-nghia-03-1679914113.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Đó là phần thưởng cao quý của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và của ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, có 3 nguyên tắc xây dựng chiến lược nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam mà Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã đề ra và tuân thủ. Đó là ưu tiên những vấn đề cấp bách rất cần cho đất nước nhưng phải lượng sức, đề ra phải thực hiện được, không đề ra viển vông; những đề tài phát huy thế mạnh của Việt Nam, những vấn đề sở trường Việt Nam có tiềm năng, có thực lực; đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong tương lai...