Chuẩn bị chiến trường cho thời kỳ đấu chiến tranh (Phần 1)

Lương Đàm
Từ lý luận và thực tiễn về thời kỳ đầu chiến tranh cho thấy, một nội dung quan trọng không thể thiếu trong xây dựng thế trận quốc phòng là chuẩn bị chiến trường sẵn sàng cho thời kỳ đầu chiến tranh gắn với củng cố hệ thống phòng thủ dân sự, công tác lãnh đạo chỉ huy, điều hành phòng thủ dân sự.
img-1501-1693323119.jpg
Khẩu đội pháo 37mm thuộc Lữ đoàn Phòng không 210 luyện tập bắn máy bay bay thấp. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Chuẩn bị chiến trường cho thời kỳ đấu chiến tranh bao gồm: tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực địa; bổ sung điều chỉnh phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh; cải tạo địa hình, thiết bị chiến trường. Công tác chuẩn bị chiến trường cần được tổ chức thực hiện hết sức chu đáo ngay từ thời bình và nhanh chóng hoàn chỉnh trước khi địch tiến công.

Thời bình, cần tổ chức nghiên cứu thực địa, đối chiếu với các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ chiến lược trên bản đồ để điều chỉnh phương án, kế hoạch cho phù hợp. Trên cơ sở phương án, kế hoạch đã điều chỉnh, cần tiếp tục khảo sát quy hoạch, nắm vững địa hình, nhất là các địa hình có giá trị chiến dịch, chiến lược trong hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng như đường xá, cầu cống, hang động, sông ngòi, nhà cao tầng kiên cố, khu dân cư,... Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, cần đánh giá đúng tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, nhất là các khu công nghiệp tập trung, các công ty liên doanh, công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài,... nằm trên các hướng chiến lược và thế bố trí chiến lược của các lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng chủ lực cơ động.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo sát, cần tiến hành thống nhất những vấn đề cốt yếu nhất của phương án, kế hoạch tiến hành xây dựng các công trình phòng thủ; xác định nhiệm vụ, hành động hiệp đồng cho các lực lượng tác chiến và bảo đảm chủ yếu trên các hướng chiến lực. Chuẩn bị chiến trường cần dựa trên các phương án, kế hoạch chiến lược đã dự kiến và điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình; tập trung chuẩn bị cho phương án chính, địa bàn, chiến trường, nội dung trọng điểm.

Công việc chuẩn bị chiến trường cần theo đúng trình tự, phương pháp khoa học bảo đảm ưu tiên cho hướng, mục tiêu, địa bàn trọng điểm địch sẽ tiến công đầu tiên,... Quá trình chuẩn bị cần xác định rõ trách nhiệm, quy chế phối hợp, hiệp đồng của từng cấp, từng ngành, địa phương... gắn với công tác huấn luyện vừa bảo đảm công tác chuẩn bị, vừa kết hợp huấn luyện bộ đội. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị chiến trường, cần hết sức chú ý bảo đảm bí mật ý định, hành động của ta.

Công tác chuẩn bị thế trận phòng thủ dân sự được dự kiến phân chia theo các vùng chiến trường, lấy sự tổ chức, chỉ đạo của các quân khu làm nòng cốt và dựa trên địa giới hành chính tỉnh, thành phố, khu công nghiệp,... gắn với khu vực phòng thủ then chốt. Cần căn cứ vào phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ của từng hướng chiến lược, chiến trường, quân khu, căn cứ vào đặc điểm địa bàn cũng như căn cứ vào ý đồ, khả năng tiến công của địch để xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự cho phù hợp.

Trên cơ sở phân chia hình thành các khu vực phòng thủ dân sự, cần có sự phối hợp với hoạt động tác chiến và bảo đảm của các lực lượng vũ trang tại địa bàn như: trinh sát phát hiện, thông báo báo động cho nhân dân, hướng dẫn sơ tán, ẩn nấp, ngụy trang, nghi binh, cất giấu lương thực, thực phẩm, máy móc,...

Đặc biệt, cần phát huy cao nhất vai trò của lực lượng vũ trang trong tổ chức luyện tập, diễn tập hoạt động phòng thủ dân sự gắn với các tình huống tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh để nâng cao khả năng hoạt động phòng thủ dân sự của các lực lượng...

img-1471-1693323165.jpg
Luyện tập cơ động xe, pháo chiếm lĩnh trận địa. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Trong quá trình xây dựng thế trận phòng thủ dân sự, cần hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang với lực lượng chuyên môn của các ban, ngành, địa phương, chủ động làm tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác chuẩn bị và xử lý các tình huống, khắc phục hậu quả do địch hoặc thiên tai, dịch bệnh gây ra,... Khi có tình huống chiến tranh, cần kịp thời bổ sung các quy định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành, các đơn vị, ủy ban, các địa phương, quân khu về nhiệm vụ phòng thủ dân sự...

Trên cơ sở thế trận quốc phòng toàn dân đã được chuẩn bị từ thời bình, việc điều chỉnh thế trận ngay từ đầu khi chiến tranh xảy ra là cực kỳ cần thiết, đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp phù hợp để chuẩn bị các phương án từ trước chiến tranh. Để thường xuyên duy trì, phát triển được thế trận phòng thủ chiến lược có lợi ngay trong thời kỳ đầu chiến tranh, cần sớm chủ động nắm chắc ý đồ, hành động của địch, cùng những diễn biến của tình hình có liên quan để kịp thời điều chỉnh chiến trường, điều chỉnh hướng, khu vực phòng thủ chiến lược chủ yếu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến