Trận Vạn Tường và chiến thắng khó tin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Lương Đàm
Tiếp nối chiến thắng Núi Thành, chiến thắng Vạn Tường chứng minh quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh hỏa lực và sức cơ động.
291114ha2314565590-1690365754.jpg
Chiến thắng Vạn Tường – Đòn phủ đầu quân viễn chinh Mỹ. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Có thể xem đây như một trận Ấp Bắc đối với quân Mỹ. Vạn Tường là một thôn nhỏ ven biển thuộc xã Bình Thiện, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, được giải phóng trước năm 1965 và được xây dựng thành một làng chiến đấu. Sau chiến thắng Ba Gia (tháng 5 năm 1965), Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu V về đóng tại Vạn Tường để củng cố, huấn luyện.

Phát hiện đơn vị chủ lực ta ở cách căn cứ Chu Lai 17km, tướng Mỹ Oétxmôlen ra lệnh cho Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ, một đơn vị thiện chiến của Mỹ, mở cuộc hành quân mang tên “Ánh sáng sao” đánh vào Vạn Tường hòng tiêu diệt Trung đoàn 1. Đây là trận do Mỹ chủ động chọn chiến trường. Với địa điểm Vạn Tường, Mỹ hy vọng sẽ có điều kiện thuận lợi để sử dụng xe tăng, pháo binh, không quân, hải quân.

Đêm 17 tháng 8 năm 1965, theo bài bản, 5 tàu chiến và 6 tàu đổ bộ Mỹ đậu ngoài biển bắn hàng ngàn quả đạn vào thôn An Cường. Vạn Tường tràn ngập trong lửa đạn. Về phía ta, Trung đoàn bộ binh 1 của Quân khu V là trung đoàn có kinh nghiệm chiến đấu, nên khi về củng cố ở Vạn Tường đã phối hợp với Đại đội 21 địa phương và lực lượng du kích xã chủ động chuẩn bị hệ thống hầm hào công sự, xây dựng phương án chiến đấu.

tausanbay4-1690365977.jpg
Một đoàn tàu quân sự Mỹ di chuyển trên sông tại Việt Nam. Ảnh: Warboats.org

Vì vậy, tuy có bất ngờ lúc đầu, nhưng lực lượng ta kịp thời triển khai chiến đấu theo phương án đã thống nhất; Nhanh chóng tổ chức sơ tán người già, trẻ em; Triển khai lực lượng đánh địch. Sau khi bắn phá dọn đường, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng một tiểu đoàn xe tăng Mỹ hình thành thế vòng cung bao vây và tiến công Vạn Tường.

Bộ đội ta chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngay khi địch đang đổ quân xuống Lộc An, các khẩu đội cối của Trung đoàn 1 bắn cấp tập vào đội hình địch, phá hỏng 8 máy bay lên thẳng, diệt 100 tên Mỹ. Cánh quân Mỹ từ Chu Lai sang bị ta phục kích, một số tên bị diệt. Ở phía tây thôn An Cường trận đánh diễn ra ác liệt. Quân địch cố tiến lên chiếm các đồi 43 và 30, nhưng lực lượng ta vận động tiến công làm cho đội hình quân Mỹ hỗn loạn.

Lực lượng ứng cứu của địch bị ta phục kích, thương vong gần hết. Địch từ chỗ chủ động chuyển sang thế bị động. Ta từ chỗ bất ngờ đã giành lại thế chủ động tiến công. Trận đánh kéo dài đến tối 18 tháng 8, địch bị đánh thiệt hại bốn đại đội. Kết thúc trận đánh, ta diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên, 22 xe tăng, xe bọc thép, 13 máy bay. Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 8, quân ta bí mật rút khỏi Vạn Tường.

Trận hành quân “tìm diệt” đầu tiên bằng phương thức tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã thất bại thảm hại trước ý chí quyết tâm và cách đánh tài giỏi của lực lượng vũ trang ta. Qua trận Vạn Tường, ta bước đầu đánh giá được sức mạnh thực tế của quân đội Mỹ, phát hiện chỗ yếu chí tử của chúng cả về tinh thần và cách đánh. Vì vậy, trận Vạn Tường báo hiệu sự thất bại không tránh khỏi của quân viễn chinh Mỹ trong “chiến tranh cục bộ”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến