Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”... Loạt bài viết này sẽ đề cập đến các vấn đề đặt ra và kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ khi nước chưa nguy”.
Bài 1: Bài học gắn liền dựng nước với giữ nước
Thực tiễn trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay cho thấy, thời đại nào, triều đại nào mà thực hiện tốt kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” thì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững...
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Chân lý đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời là một quy luật nội tại của quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Lúc đất nước yên bình, hiển nhiên là phải tập trung vào nhiệm vụ dựng nước, chăm lo làm giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, bảo tồn được văn hóa dân tộc, xã hội phồn vinh và sẵn sàng, chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh. “Ngụ binh ư nông” (gửi binh lính ở nhà nông) là một chính sách đặc sắc của các triều đại Lý, Trần, Lê... Quân chủ lực triều đình không nhiều, chủ yếu là quân địa phương tập trung theo từng phiên, nuôi quân đỡ tốn kém, bảo đảm sức lao động cho nông nghiệp, mà khi có chiến tranh, huy động được tối đa trai tráng cầm súng đánh giặc.
“Động binh tĩnh dân”, “bách tính giai binh”, “tận dân vi binh”... là những kế sách độc đáo của cha ông ta để giữ nước từ lúc nước chưa nguy, chăm lo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, bờ cõi, răn đe, ngăn chặn các hành vi xâm hại chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Thực tiễn quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm qua cho thấy, thời đại nào, triều đại nào mà gắn chặt dựng nước đi đôi với lo giữ nước, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, xây dựng đất nước theo quan điểm “quốc phú, binh cường”, “biên cường, quốc thịnh” thì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; thời đại nào, triều đại nào không gắn chặt giữa dựng và giữ nước, không lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy, để nước nghèo, dân đói, xã hội lạc hậu, quốc phòng và an ninh không được củng cố, nội bộ mâu thuẫn sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để kẻ thù tiến công xâm lược.
Trần Quang Khải (1241-1294), nhà chính trị, quân sự thời Trần, đã từng nói: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ thử giang sơn” (có nghĩa là: Thái bình nên tu dưỡng trí lực, vật lực. Đất nước vững nghìn thu). Vua Lê Thái Tổ (1385-1433) căn dặn muôn dân trăm họ: "Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an" (có nghĩa là: Biên phòng cần có phương án, chiến lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài).
Bài học kết hợp chặt chẽ dựng nước đi đôi với lo giữ nước, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dân tộc được Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, kết hợp giữa kháng chiến với kiến quốc.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới, bài học dựng nước đi đôi với giữ nước, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc được Ðảng Cộng sản Việt Nam đưa lên tầm cao mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”.
Quan điểm “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của Đảng ta được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 28-NQ/TW, ban hành năm 2013).
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cách đây 10 năm, Hội nghị Trung ương 8, khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với sự đổi mới tư duy mạnh mẽ và có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính đột phá, khả thi cao. Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết quan trọng này là việc làm hết sức cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường”.
Thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta đã giữ vững được thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ; khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong xử trí các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, nhất là các tình huống trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đề xuất rất sát những chủ trương, đối sách, giải pháp cơ bản, lâu dài trước những tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Quân đội và giải pháp xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhất là xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng hợp tác kinh tế; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tăng lượng dự trữ quốc gia; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng huy động các nguồn lực cho quốc phòng. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, bảo đảm không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; chủ động ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực, gây sức ép thông qua kinh tế từ bên ngoài...
(còn nữa)