Điện Biên thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Điện Biên trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực triển khai các chính sách thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với chiến lược rõ ràng, tỉnh tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và ưu tiên các dự án trọng điểm phù hợp với tiềm năng địa phương

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn tồn tại một số hạn chế trong công tác này.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đầy đủ trách nhiệm; thậm chí còn có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

1-1736301016.jpg
Cán bộ y tế tỉnh Điện Biên thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo

Trước thực trạng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU với các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ bị xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Điện Biên đã xác định và xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư. Trong lĩnh vực công nghiệp, các cụm công nghiệp trọng điểm như Đông Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), Ha Hai (huyện Điện Biên), và cửa khẩu A Pa Chải (huyện Mường Nhé) đang được tập trung phát triển. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tỉnh ưu tiên các dự án như nâng cấp chợ Bản Phủ, chợ cửa khẩu Huổi Puốc và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang.

2-1736301016.jpg
Cán bộ y tế Điện Biên khám sàng lọc cho trẻ tại bản Thẩm Táng, xã Pú Xi trước khi tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Lĩnh vực nông nghiệp cũng được chú trọng với các dự án phát triển chuỗi liên kết giá trị chè Tuyết Shan tại huyện Tủa Chùa, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như khoai sọ tím, đậu đỏ, cùng các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ lợn địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch được đẩy mạnh với các dự án lớn như khu nghỉ dưỡng núi Tà Lèng, khu du lịch suối khoáng nóng Uva-hồ Hồng Sạt và khu phố đi bộ sân bay Mường Thanh. Những dự án này không chỉ khai thác tiềm năng du lịch mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Năm 2024, nhờ chính sách thu hút đầu tư cởi mở và phương châm “đồng hành - gắn bó - chia sẻ” với doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã thu hút chín dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 211 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 50,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 123 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 88 dự án đang triển khai với tổng vốn thực hiện hơn 37 nghìn tỷ đồng.

3-1736301016.jpg
Thu hoạch cà-phê tại xã Ắng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. (Ảnh Thùy Giang)

Nhờ các chính sách hiệu quả, diện mạo các huyện vùng cao, biên giới như Mường Nhé, Tủa Chùa, và Nậm Pồ có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,06% (riêng các huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 5%). GRDP năm 2024 tăng 10% so với năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên cũng cải thiện đáng kể, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khẳng định, Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án, chung tay xây dựng Điện Biên phát triển bền vững.

Lê Lan