Vai trò đó biểu hiện ở việc ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019. Theo đó, nội dung quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại Điều 104.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại Điều 105 như sau: 1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục; 2) Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên; 3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; 4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục; 5) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây: a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn; b) Bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý; c) Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; d) Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước và địa phương để bảo đảm quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ và chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được quy định chi tiết tại Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014 và Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018.
Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau: 1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: 2) Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; c) Quy định mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo; danh mục nghề đào tạo ở các trình độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; ban hành quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; d) Quy định việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đ) Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; e) Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động đào tạo nghề nghiệp nghiệp; g) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp; h) Quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên; i) Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp; k) Quản lý, tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về đào tạo nghề nghiệp nghiệp; l) Quản lý, tổ chức công tác hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; m) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; 3) Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền và trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ; 4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền; thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ được quy định tại Điều 68 Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 như sau: 1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học; 2) Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm sau đây: a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học; chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; việc công nhận, thành lập, cho phép thành lập, giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục đại học theo thẩm quyền; b) Quy định chuẩn giáo dục đại học bao gồm chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý và các chuẩn khác; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học; ban hành danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, quy chế tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan; d) Phối hợp với cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về giáo dục đại học để phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục đại học; đ) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục đại học; e) Xây dựng cơ chế, quy định về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục đại học; g) Quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học; h) Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học; i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục đại học; 3) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.
Các cơ sở giáo dục của Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nên trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục của Quân đội ngoài việc tuân thủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước theo Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014 và Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018, còn phải tuân thủ các quy định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.