Bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” và tác động đến vấn đề chiến tranh - hòa bình ở Việt Nam (Phần 2 và hết)

Mới đây, lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị tại các nước Trung Đông - Bắc Phi, giới chống Việt Nam tại Mỹ đã đúc kết kinh nghiệm và đưa ra biện pháp để lật đổ chính quyền ở Việt Nam như sau: Nhanh chóng huấn luyện công nghệ thông tin cho giới trẻ và tạo điều kiện cho họ liên kết với nhau bằng các mạng xã hội để gây hiệu ứng đồng thuận; tìm ra sự kiện nhạy cảm khiến giới trẻ bất bình nhất làm ngòi nổ để kích động, mở đầu cho phong trào dân chủ trong nước; kích động biểu tình đông người, khởi đầu ở các khu dân cư nghèo, sau đó lôi kéo sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để phân hóa lực lượng vũ trang; không dừng lại khi mục đích cuối cùng là lật đổ chế độ chưa đạt được; sử dụng các hội đoàn người Việt ở Ba Lan, Đức, Ôxtrâylia..., nhất là ở Mỹ, để tác động tới chính phủ các nước đó có các chính sách cứng rắn với Việt Nam.
screenshot-1-1709046644.png
Một người lính Armenia khai hỏa pháo về phía lực lượng Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Thông qua các hoạt động nêu trên, cùng với các thủ đoạn hoạt động khác, các thế lực phản động trong và ngoài nước đang ra sức tìm mọi cách để chuyển hóa nhận thức, tư tưởng của nhân dân; lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình gây bạo loạn chính trị ở một số vùng, tiến tới bạo loạn vũ trang, khi có thời cơ sẽ thực hiện một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm”, phối hợp với lực lượng trong nước lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam.

Đây là một thủ đoạn rất nguy hiểm, nếu Đảng, Nhà nước xử lý các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quan hệ đối ngoại quốc tế sai lầm, tình huống chiến lược trên sẽ có thể xảy ra. Trong những năm tới, đối với Việt Nam, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện ý đồ xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời cố gắng lôi kéo nước ta vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Mỹ chủ trương nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược với Việt Nam nhằm chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa sang chế độ tư bản chủ nghĩa, đưa nước ta vào quỹ đạo chịu sự chi phối của Mỹ, kiềm chế Trung Quốc. Với góc độ đó, Mỹ vẫn là đối tượng của cách mạng Việt Nam, nếu ta không cảnh giác thì độc lập, chủ quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta sẽ bị đe doạ.

article-1709046645.jpg
Hiện trường vụ đánh bom xe ở thị trấn Azaz, tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria, năm 2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguy cơ “cách mạng màu” có tác động lớn đến vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam. Nghiên cứu một số cuộc “cách mạng màu” đã và đang diễn ra ở Bắc Phi - Trung Đông hiện nay cho thấy, một khi trong đời sống xã hội đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản nhất để những bức xúc xã hội bùng phát thì sẽ trở thành bạo loạn chính trị. Đó là: Chính quyền nhà nước suy thoái, độc đoán, tham nhũng, bị phân hóa, chia rẽ; sự phân hóa xã hội tạo ra khoảng cách giàu - nghèo lớn, cuộc sống của nhân dân lao động bị bần cùng hoá, tình trạng thất nghiệp gia tăng; sức chiến đấu của lực lượng vũ trang bị giảm sút, chính quyền không nắm được quân đội...

Các vấn đề trên sẽ được các thế lực thù địch lợi dụng một cách triệt để bằng cách thông qua Internet, sử dụng các trang mạng xã hội để kích động, tập hợp lực lượng biểu tình chống đối, gây bạo loạn. Khi chính quyền phạm sai lầm trong xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề “nhân quyền”, “tự do”, “dân chủ” để cô lập chính quyền, tập hợp lực lượng bao vây, phong tỏa cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao... và tổ chức ra lực lượng can thiệp quân sự hoặc tuồn vũ khí, trang bị quân sự tiếp tay cho lực lượng đối lập trong nước gây bạo loạn vũ trang.

Chiến tranh sẽ là điều không tránh khỏi nếu bạo loạn chính trị không đạt được mục tiêu lật độ chế độ cầm quyền để lập nên chính quyền mới thân phương Tây. Tùy vào tình hình cụ thể ở mỗi nước mà mức độ dính líu về mặt quân sự sẽ được Mỹ và phương Tây điều chỉnh cho phù hợp. “Chiến tranh ủy nhiệm” hay “chiến tranh tổng lực” có thể xảy ra tùy theo tương quan lực lượng và lợi ích chiến lược của các nước lớn có liên quan.
 

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến