Bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” và tác động đến vấn đề chiến tranh - hòa bình ở Việt Nam (Phần 1)

Lương Đàm
Trong những năm tới cũng cần hết sức đề phòng tình huống: “bạo loạn chính trị”, “cách mạng màu” phát triển thành bạo loạn vũ trang.
hien-truong-vu-khung-bo-o-dak-lak-1709045982.jpg
Hiện trường vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Ảnh: TTXVN

Đây là tình huống chiến lược có thể xảy ra đối với nước ta khi ta có những xử lý sai lầm về chiến lược. Các cường quốc đế quốc đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy nhanh quá trình “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, tăng cường tác động vào hệ thống pháp luật, truyền thông, nền kinh tế của ta, sử dụng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng và kích động vấn đề tôn giáo, dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng tăng cường nuôi dưỡng, chỉ đạo bọn phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh chống phá, khi có thời cơ sẽ gây bạo loạn lật đổ.

Đặc biệt, bạo loạn chính trị có thể diễn ra ở các địa bàn chiến lược trọng điểm như ở các thành phố lớn, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... dẫn đến bạo loạn vũ trang nếu lực lượng phản động trong nước đủ mạnh. Khi tạo được sự đồng thuận của các nước lớn, chúng có thể tiến hành bao vây, phong toả, cô lập ta cả về kinh tế, chính trị, thậm chí dẫn đến can thiệp vũ trang, tiến hành “chiến tranh uỷ nhiệm” ở mức độ thấp lật đổ chế độ ta.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” để gây sức ép và chống phá Việt Nam. Từ những “báo cáo” phản ánh tình hình sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam đến những “khuyến cáo” đòi Việt Nam sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng bãi bỏ cái gọi là các hạn chế đối với các vấn đề bất đồng chính kiến, đối lập chính trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp vốn không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; nhất là đòi trả tự do cho các tù nhân “lương tâm”. Các phần tử phản động lưu vong người Việt còn kêu gọi các nước tăng ngân sách, cấp tài chính cho các NGO nhằm hỗ trợ “phong trào đấu tranh vì tự do, dân chủ” ở Việt Nam và mở lại chương trình tỵ nạn cho người Việt Nam.

Chúng cấu kết với các phần tử chống đối chính trị trong nước phát tán tài liệu kêu gọi toàn dân “đấu tranh đòi Đảng, Nhà nước chấm dứt đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, triệt hạ tôn giáo, đứng lên giành lấy tự do, ấm no cho dân tộc”. Một số tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài còn cho thiết lập hệ thống truyền thông nội bộ (thông qua chương trình Paltalk) để kêu gọi thành lập “Quỹ ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ” trong nước, thành lập “Ban vận động tập hợp đoàn kết cứu nguy cho Việt Nam”; mở “Chiến dịch vận động đòi trả tự do cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước”.

Ở trong nước, chúng đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc về “mâu thuẫn” trong nội bộ Đảng, “bôi đen” đội ngũ cán bộ đang giữ trọng trách trong Đảng, Nhà nước; tán phát trên mạng Internet các bài viết có nội dung tuyên truyền kích động người dân trong và ngoài nước “thu thập những chứng cứ tham nhũng, bòn rút của công của cán bộ cao cấp” và đưa ra công luận hòng làm giảm lòng tin đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng cũng chú trọng việc ra sức tuyên truyền kích động các đối tượng cực đoan trong tôn giáo, những kẻ cơ hội chính trị, số người nhẹ dạ, cả tin tham gia biểu tình đòi “giải thể Đảng Cộng sản, thực hiện đa nguyên, đa đảng”.

screenshot-2-1709046234.png
Hạm đội tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: Báo Lao động

Các đế quốc siêu cường cũng lợi dụng vấn đề Biển Đông để kích động chống phá và chia rẽ mối quan hệ Việt - Trung. Sau tuyên bố “bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông” của ngoại trưởng Mỹ tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF17 và việc tàu USS John McCain đến cảng Đà Nẵng (ngày 10 tháng 8 năm 2010), giới ngoại giao Mỹ tuyên truyền “nhân dân Việt Nam rất hồ hởi, phấn chấn trước bài phát biểu trên và tin tưởng sự hiện diện của tàu quân sự Mỹ tại Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc bớt hung hăng hơn”.

Thực chất, đây là thủ đoạn “kích thích” Trung Quốc gia tăng các hoạt động răn đe quân sự tại Biển Đông uy hiếp chủ quyền, lãnh hải Việt Nam. Khi mối đe doạ của Trung Quốc càng lớn, sẽ càng đẩy nhân dân và quân đội Việt Nam về phía Mỹ. Họ ra sức tuyên truyền: Hiện nay Trung Quốc đang triển khai ý đồ “bành trướng mềm” đối với Việt Nam thông qua việc mua, thuê dài hạn đất đai, khoáng sản, hầm mỏ, núi rừng của Việt Nam.

Từ đó, họ đòi Đảng, Nhà nước Việt Nam phải “tháo bỏ những cam kết hữu nghị với Trung Quốc”, hợp hiến hóa mọi cơ chế quyền lực để “biến” sức mạnh của chính quyền thành sức mạnh của toàn dân chống lại âm mưu xâm lược của Trung Quốc; cho phép người dân tự do, tự phát biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các hoạt động nhằm tác động “chuyển hóa” nhận thức và tư tưởng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, thông qua giáo dục, đào tạo, giao lưu văn hoá.

Họ thúc đẩy chương trình giao lưu diễn giả, mời khách sang Mỹ tham quan; tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam gặp gỡ, trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo trẻ hoặc đại diện cơ quan báo chí của Mỹ để truyền bá về “giá trị Mỹ”; đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện ngắn hạn về giáo dục, báo chí, biến đổi khí hậu, tình huống khủng hoảng kinh tế... Họ chỉ đạo các NGO tập trung đầu tư vào các dự án đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và giá trị sống cho thanh niên, thiếu niên và các dự án cải thiện nhân quyền; tăng kinh phí cho Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ - USAID tại Việt Nam thực hiện các chương trình phát triển, xã hội, nhân đạo, từ thiện; hỗ trợ phát triển việc khai thác các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube... để truyền bá văn hóa Mỹ với người Việt.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến