Về hội Xuân Hy kéo tre lấy lửa thổi cơm thi, xem bơi chải

Lễ hội làng Xuân Hy (Xuân Thủy, Xuân Trường, Nam Định) diễn ra trong các ngày 19 - 21/8 Âm lịch hằng năm. Bên cạnh các nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, lễ hội còn là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hoá tinh thần đặc sắc như Thi kéo tre lấy lửa, nấu cơm cần; Thi đấu bơi chải đồng đội nam, nữ...

Làng Xuân Hy (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là một làng quê vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình... Đến nay, dù cuộc sống có đổi thay, phát triển nhưng có lẽ bất kỳ ai về làng đều có thể cảm nhận được văn hóa mang đậm bản sắc nông thôn xưa.

Xuân Hy - Vùng đất gắn liền lịch sử

Nơi đây có một di tích lịch sử nổi tiếng là Đền Xuân Hy (hay còn gọi là Đền Hạ) nằm ở cuối làng. Đền được nhân dân xây dựng, thờ phụng Tướng quân Ngô Miễn – người đã có công tổ chức khai hoang lấn biển, xây dựng thôn ấp.

Sử sách ghi lại, Tướng quân Ngô Miễn hiệu là Đại Đức, sinh năm 1371 tại xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, nay là xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngô Miễn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Năm 1391, ông thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Sau khi đỗ đạt, Ngô Miễn không ra làm quan mà trở về quê nhà mở trường dạy học. Trong thời gian mở trường dạy học tại quê nhà, ông đã nhiều lần đặt chân đến vùng đất Sơn Nam (Nam Định) và Nhật Nam (Hà Tĩnh). Ông nhận thấy vùng biển Sơn Nam có nhiều bãi bồi rộng lớn, thuận tiện cho công việc khai hoang. Sau khi được triều đình cho phép, Ngô Miễn cùng 10 ông tổ của các dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Bùi tìm xuống vùng đất ven biển lập ấp Nhà Thi (sau đổi thành làng Thi, Nhật Thi, Nhật Hy...) nay là Làng Xuân Hy.

ve-hoi-xuan-hy-thoi-com-thi-xem-boi-chai-01-1696680810.png
Lễ hội làng Xuân Hy diễn ra vào trung tuần tháng 8 Âm lịch

Đền Xuân Hy được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 17/02/1990. Đền được xây dựng với kiến trúc theo phong cách Phương Đông, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường, 01 lâu hậu cung.

Kết tụ khí thiêng của làng, truyền thống cha ông, Làng Xuân Hy sinh ra một người con anh hùng, đó là anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự. Người phi công anh hùng đã bắn rơi 7 máy bay trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, góp phần viết lên một trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Lễ đặc sắc - Hội tưng bừng

Không giống như nhiều lễ hội khác của người Việt thường diễn ra vào mùa xuân, hội làng Xuân Hy được tổ chức khi tiết trời đang độ vào thu. Cứ mỗi trung tuần tháng 8 Âm lịch, vừa qua dịp Tết Trung thu, nhân dân trong vùng cũng như những người con quê hương khắp miền Tổ quốc, du khách thập phương lại nô nức về trẩy hội Xuân Hy. 

Lễ hội làng Xuân Hy (Xuân Thủy, Xuân Trường, Nam Định) diễn ra trong các ngày 19 - 21/8 Âm lịch hằng năm. Bên cạnh các nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, lễ hội còn là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hoá tinh thần đặc sắc như Thi kéo tre lấy lửa, nấu cơm cần; Thi đấu bơi chải đồng đội nam, nữ... Tất cả mang đến cho nhân dân và du khách cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về những phong tục, nghi lễ cổ truyển.

ve-hoi-xuan-hy-thoi-com-thi-xem-boi-chai-02-1696680810.jpg
Rước kiệu ở hội làng Xuân Hy

Đặc biệt, lễ hội làng Xuân Hy luôn có dự tham dự đông vui của người anh cả ruột thịt quê hương Cựu quán (quê Tướng công Ngô Miễn) mà người dân hay gọi bằng cái tên thân thương “quan anh” hay “quan họ”. Hương ước làng Hy bao đời nay vẫn có câu: 

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta có gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”

Đây có lẽ như lời nhắc nhở con, cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên - một nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

Phần lễ gồm Tế, Lễ, dâng hương tại Đền, Chùa; rước kiệu, rước mót. Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu Thánh xuất phát từ Đền lên chùa lễ Phật với sự tham gia của rất đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Các thanh niên rước kiệu Thánh được tuyển chọn rất kỹ lưỡng từ những nam thanh nữ tú, mạnh khỏe, thông minh, hiếu thuận…

Phần hội gồm Thi đấu bơi chải đồng đội nam, nữ; Thi kéo tre lấy lửa, nấu cơm cần; Thi đấu cờ tướng; Các trò chơi dân gian xa xưa như bắt vịt, leo cầu ngô... Các hoạt động văn hóa trong lễ hội làng Xuân Hy đều có những ý nghĩa riêng, mang đậm những nét truyền thống văn hóa lâu đời của làng.

Sức sống trường tồn từ truyền thống hơn 600 năm

Trong khuôn khổ lễ hội làng Xuân Hy, những trò chơi dân gian độc đáo như Thi bơi chải, Thi kéo tre lấy lửa... luôn là một phần không thể thiếu, mang lại niềm vui và sự kết nối trong cộng đồng.

ve-hoi-xuan-hy-thoi-com-thi-xem-boi-chai-03-1696680810.jpg
Thi kéo tre lấy lửa, thổi cơm thi

Bơi chải tái hiện cuộc sống của cha ông trước đây 630 năm đi lại chủ yếu bằng thuyền mùng, lênh đênh sông nước. Mỗi xóm có 1 đội chải nam và 1 đội chải nữ, trong đó mỗi đội bơi chải gồm 15 người, 12 tay chải, 1 lái trưởng, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Các VĐV tham gia thi đấu được lựa chọn kỹ lưỡng, các tay chèo đều là thanh niên khỏe mạnh, có sức bền, nhanh nhẹn. Vị trí lái trưởng là người có kinh nghiệm sông nước, có kỹ thuật lái để đưa chải đi đúng làn, nhanh, không bị mất sức của đồng đội. Người tát nước, gõ mõ phối hợp nhịp nhàng với đồng đội, chỉ một nhịp mõ sai có thể làm cho các tay chèo mất phương hướng, lạc nhịp chèo. Phần thi diễn ra ngay trên dòng sông Mã trong xanh, mát mẻ, chảy suôi theo đường làng.

Còn Kéo tre lấy lửa, thổi cơm thi là phần thi đặc trưng và lâu đời nhất của làng với truyền thống hơn 600 năm. Đây là trò chơi tái diễn cảnh lao động khó khăn vất vả của các vị thủy tổ ở miền đất mới, cũng gợi nhớ cho người xem hình tượng về một nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ. Trò chơi "kéo lửa, thổi cơm thi" chỉ diễn ra đúng một lần vào đúng 10h sáng ngày 21 tháng 8. Tham dự phần thi là nam thanh niên với trang phục đầu đội khăn đỏ, lưng thắt đai lụa xanh, mình để trần. Đồ dùng mang theo gồm bó đuốc, cần trúc treo một niêu đồng. Phần kéo lửa có lẽ là phần thi hồi hộp nhất, đốn tim người xem. Sau ba hồi trống dồn dập, hối thúc sẽ có từ một đến 9 tiếng trống và các VĐV phải thật "tỉnh tai" để nghe một tiếng “mèng”, cũng chính là thời điểm bắt đầu phần thi. Nghi thức lấy lửa được thực hiện khi xiết hai thanh tre vào bùi nhùi. Thanh tre được chọn kỹ lượng từ các loại tre đực già, ngâm nước, và rơm nếp chuẩn bị từ cả năm trước. Khi đã có lửa, các giáp tiến hành thổi cơm. Quy định của cuộc thi là vừa đi vừa nấu cơm với thời gian chỉ một vòng quanh hồ. Sau khi cơm chín, các đội tiến hành mang lên lễ Thánh. Dân làng truyền tai nhau rằng, đội nào thắng trong phần thi kéo lửa thì năm đó cả xóm làm ăn phát đạt, trẻ em nào ăn phần cơm lễ thánh sẽ hay ăn chóng lớn, thông minh, học giỏi.

ve-hoi-xuan-hy-thoi-com-thi-xem-boi-chai-04-1696680810.jpg
Các đội thi bơi chải
Năm 2023, lễ hội truyền thống làng Xuân Hy có nhiều nét rất đặc biệt. Đền làng đã được Nhà nước đầu tư, cùng với đó nhân dân cũng tích cực đóng góp, tu bổ cho khang trang hơn. Đặc biệt năm nay làng vinh dự đón nhận chiếc thuyền rồng của người dân Cựu quán gửi tặng và tiếng hát quan họ chan chứa tình quê hương. Năm nay lễ hội ghi nhận số lượng du khách thập phương đông nhất từ trước tới nay, ước tính có hàng vạn người về dự. Lễ hội được vinh dự đón đoàn biểu diễn nghệ thuật nhà hát chèo quân đội với NSND Tự Long và các nghệ sỹ nổi tiếng biểu diễn. Phần Thi bơi chải nữ lần đầu sau khi cùng một thời điểm có 4 chải đi song hành, tạo nên một cảnh tượng vô cùng sôi động, náo nhiệt.

Trải qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, lễ hội truyền thống làng Xuân Hy đến nay vẫn có sức sống bền bỉ, trường tồn. Lễ hội mang ý nghĩa, sắc thái riêng vừa tưởng nhớ những người có công với quê hương đất nước, vừa thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trẩy hội mùa thu ở Xuân Hy là dịp để nhân dân và du khách tri ân những bậc tiền nhân có công với dân với nước, khám phá những trầm tích văn hóa, huyền thoại, chuyện kể qua các nghi thức tế lễ, diễn xướng dân gian độc đáo và đặc sắc vẫn được người dân trong làng Xuân Hy bảo lưu, truyền giữ.

VỀ VỚI HỘI LÀNG

Về quê dự lễ hội làng 
Mấy năm xa cách ngỡ ngàng vui thay
Đường làng rợp phớn cờ bay
Người đi trẩy hội nắm tay sum vầy 
Trời thu gió thoảng mây bay
Nắng vàng sóng lúa đắm say hương đồng 
Ngõ trên lối dưới người đông
Trẻ già trai gái đầu dong đón chào 
Đền làng muôn sắc cờ hoa
Thành Hoàng kiệu rước chuông chùa ngân vang
Thành tâm thắp nén tâm nhang
Tổ tông gốc tích ngót ngàn năm xưa 
Vẫn cây gạo vẫn mái chùa 
Mấy trăm năm tuổi bốn mùa nắng mưa 
Sông quê nước chảy hiền hòa 
Mái chèo khua nước sóng òa trào dâng 
Đường làng bến nước reo vang
Dẻo tay bền sức giải vàng về tay
Hội làng gắn kết bao người 
Chung vui cuộc sống sáng ngời niềm tin./.

Phạm Kiểm