Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính vào cuối năm 2024, nhiều người trong giới đầu tư và chính trị Mỹ coi đây là một quyết định gây bất ngờ nhưng đầy chiến lược. Không chỉ là một nhà đầu tư lão luyện với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Bessent còn là người bảo vệ mạnh mẽ các chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Trump – đặc biệt trong tiến trình thương mại với châu Á.
Hành trình từ giới đầu tư đến chính trường
Sinh năm 1962, Scott Bessent tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Yale. Ông bắt đầu sự nghiệp tại các định chế tài chính lớn như Brown Brothers Harriman và Kynikos Associates, trước khi gia nhập Soros Fund Management năm 1991. Chính tại đây, ông đã ghi dấu ấn trong một trong những vụ đặt cược tài chính nổi tiếng nhất lịch sử: vụ “đánh sập đồng bảng Anh” năm 1992, giúp quỹ của tỷ phú George Soros thu về hơn 1 tỷ USD.
Từ năm 2011 đến 2015, ông giữ chức nhà đầu tư trưởng tại Quỹ Soros Fund Management, với thành tích nổi bật là vụ đặt cược thành công vào đồng yên Nhật. Sau đó, ông thành lập Quỹ Key Square Capital Management – nơi ông tiếp tục điều hành cho đến nay, đồng thời phát triển chiến lược đầu tư vĩ mô dựa trên phân tích địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Vốn là một nhà tài trợ lớn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2024, Scott Bessent nhanh chóng trở thành cố vấn kinh tế thân cận. Ông được Tổng thống đắc cử mời đến Mar-a-Lago vào tháng 11/2024 để thảo luận chính sách và nhận thông báo chính thức về đề cử làm Bộ trưởng Tài chính.

Trong vai trò mới, ông Bessent trở thành người thực thi trung thành những chủ trương kinh tế mang dấu ấn “Trump”: cắt giảm thuế, bảo vệ công nghiệp trong nước, và duy trì vị thế thống trị của đồng USD. Ông cũng đề xuất mô hình “3-3-3”: giảm 3% thâm hụt ngân sách, tăng trưởng GDP 3%, và tăng thêm 3 triệu thùng dầu khai thác/ngày.
Góc nhìn kinh tế và định hướng cải cách
Ông Bessent từ lâu đã lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công tại Mỹ. Ông đề xuất gia hạn Đạo luật Giảm thuế và Việc làm (TCJA), đồng thời cải tổ trợ cấp xe điện và kiểm soát chi tiêu tự chủ phi quốc phòng. Trong chính sách thương mại, ông nhấn mạnh thuế nhập khẩu không chỉ là công cụ đàm phán, mà còn là nguồn thu chiến lược.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế tháng 10/2024, ông khẳng định cần “biến hệ thống kinh tế quốc tế vĩ đại trở lại”, với cách tiếp cận dựa trên an ninh quốc gia và công bằng có đi có lại với các đồng minh. Quan điểm này phản ánh triết lý thực dụng của ông về tự do thương mại – không phải là mục tiêu tuyệt đối, mà là thứ cần được xây dựng lại dựa trên lợi ích chiến lược của nước Mỹ.
Vai trò trung tâm trong đàm phán với Việt Nam
Ngày 10/4/2025, tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent chính thức khởi động vòng đàm phán thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Đây được coi là bước tiến cụ thể trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ - Việt được nâng tầm vào năm 2023.
Bessent bày tỏ thiện chí và kỳ vọng đạt được “các giải pháp mang tính cấu trúc”, đồng thời cam kết thúc đẩy các nội dung hợp tác về thuế quan, đầu tư, công nghệ và an ninh kinh tế. Sự am hiểu về lịch sử kinh tế và thị trường quốc tế của ông khiến các nhà quan sát tin tưởng rằng Bessent sẽ không chỉ đại diện cho lợi ích của Mỹ, mà còn hiểu được nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Tại cuộc gặp ông Bessent cho biết từng thăm Việt Nam và cá nhân ông có ấn tượng tốt đẹp và nhiều kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam.