Thơ và phong cách văn thơ Hồ Chí Minh (Phần 2)

Ở chặng đường cách mạng đầu tiên, từ những năm hai mươi, cho đến bốn mươi, trong niềm trông đợi của người dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng, là nhà báo, nhà chính luận, chứ chưa là nhà thơ.
tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dan-chu-va-yeu-cau-cung-co-moi-quan-he-giua-nha-nuoc-va-nhan-dan-trong-giai-doan-1727881779.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Internet

Ba mươi năm xa Tổ quốc, hẳn có biết bao tình huống, bao cảnh ngộ mà một người từng trải và giấu tình cảm lớn như Nguyễn Ái Quốc có thể làm thơ. Nhưng thơ - trực tiếp viết cho - và hướng tới công chúng - đồng bào, đó là điều, do cách bức về không gian, nên tác giả không dễ có hoàn cảnh để thực hiện. Còn thơ - cho mình, như một cách ngụ tâm sự, phô diễn tình cảm, thì hoàn cảnh một người cách mạng - chứ không phải nhà thơ chuyên nghiệp - hẳn Nguyễn Ái Quốc thấy có bao việc cần thiết hơn. 

Thế nhưng khi thời cuộc chuyển biến, khi quần chúng có nhu cầu cấp bách hướng vào sinh hoạt chính trị, Nguyễn Ái Quốc sẽ tìm đến thơ như một vũ khí thích hợp. Đó là những năm bốn mươi, sau khi về nước. Cùng với việc làm báo Việt Nam độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã viết một loạt thơ văn chữ Việt. Đó là thơ nằm trọn trong hệ thống thơ ca cách mạng (là loại thơ truyền miệng, lưu hành bí mật, để phân biệt với thơ công khai - hợp pháp - được ra mắt dưới sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân), nhưng lại không lẫn vào thơ ca của những người cộng sản khác, hoặc của quần chúng nói chung. Ở đây vẫn là sự chân chất, giản dị của lời ăn tiếng nói bình thường, nhưng không còn cái thô mộc của quần chúng, in dấu khá đậm trong thơ ca khuyết danh, hoặc số lớn thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh. 

Rồi đây, với ba mươi bài ca Việt Minh và hàng chục bài thơ trên báo Việt Nam độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã thỏa mãn được niềm mong ước đưa trực tiếp nội dung của cách mạng trong phần cốt yếu nhất, và do vậy phải sao cho mọi tầng lớp đồng bào dễ hiểu nhất. Có điều cần chú ý, cùng một nội dung cách mạng, nhưng với mỗi giới quần chúng, tác giả đều có cách nói sát hợp. Tác giả nói tiếng nói quần chúng, nhưng không phải mượn, nhại, bắt chước. Tác giả đứng ở vị trí người kêu gọi, người làm thơ nhưng không cách bức, xa lạ. 

Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục làm thơ, như một cách trò chuyện với quần chúng, với đồng bào. Đó là thơ chúc Tết, mừng Xuân, thơ kêu gọi, thơ viết chung cho các giới, cả thơ riêng, khen ngợi các cá nhân thành tích, có việc tốt, có chiến công... Cũng vẫn là thơ Hồ Chí Minh theo phong cách quen thuộc, nhưng bây giờ chủ thể ở một thế rất cơ động: Lúc trong cương Chủ tịch nước, lúc như người thân thuộc, trong cùng một gia đình lớn, theo truyền thống phương Đông. 

Thơ Hồ Chí Minh đã trở thành cái vốn tinh thần chung, nỗi khao khát chung của toàn dân Việt Nam. Cả một dân tộc luôn ngóng đợi chờ nghe Thơ Bác, mỗi lúc Xuân về, Tết đến, hoặc mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn. Cả một dân tộc tìm được nguồn mạch cảm thông với nhau, và với lãnh tụ tối cao, trong một tiếng nói chung, và trong một tiếng thơ riêng.

Nếu các loại thơ kể trên thường được xem là hiện tượng thơ tuyên truyền, thơ kêu gọi, thì ở một phía khác, lại có sự hiện diện ở Hồ Chí Minh loại thơ tâm tình, thơ nghệ thuật. Đó là loại thơ có lẽ tác giả “không ham” - “ngâm thơ ta vốn không ham”, nhưng lại chính là nơi soi rõ tâm hồn và con người Hồ Chí Minh. Đó là loại thơ tác giả đã làm, lúc một bài, lúc vài bài, lúc cả chùm, số lớn là bằng chữ Hán theo thể Đường luật, vốn là thể thơ quen thuộc với những người được đào luyện trong nền học vấn cổ truyền.

Ở loại thơ tuyên truyền cổ động, tư cách người cách mạng muốn ở bình diện chính, nhưng cốt cách thơ không vì vậy mà bị chèn lấn, hoặc che mờ. Ở loại thơ tâm tình, con người của cảm xúc, suy tư vẫn không hề mang một phong vị tiêu dao, thoát tục, mà vẫn là con người của nhân quần, của thời cuộc. 

Chính là ở loại thơ tâm tình này mà trên 133 bài của Nhật ký trong tù được viết vào một thời điểm lịch sử đặc biệt của dân tộc và cũng là đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của tác giả đã là điểm ngưng tụ - ngẫu nhiên, không chuẩn bị mà làm xuất hiện Hồ Chí Minh, như một nhà thơ lớn của dân tộc. 

Người tù - tác giả hơn 133 bài thơ ra đời trong khoảng không gian chật hẹp của bốn vách nhà giam, hoặc trên con đường biệt xứ, là người đã dành trọn ba mươi năm rong ruổi trên khắp mọi chân trời góc biển để tìm kiếm và nắm bắt tình thế cách mạng đã sáng bừng lên ở chân trời quê hương. 

Người tù, người đang phải chịu mọi sự đày ải, người đang trải những tâm trạng bực bội, bất lực, buồn thương, xót xa, cay cực và có lúc bi thảm nữa, cũng là người đang tỏa rộng lòng mình để đón nhận mọi tín hiệu đến từ phía ánh sáng của ngày mới; và do vậy sao không hứng khởi lạc quan, tràn đầy một niềm sinh thú trước viễn cảnh của việc trồng cây sắp đến ngày hái quả: 

Trong ngục giờ đây còn tối mịt 

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi 

GS. Phong Lê