Hồ Chí Minh: Từ làng Sen đến danh nhân văn hóa thế giới

Không phải chờ đến năm kết thúc thế kỷ XX mà ngay từ sau khi qua đời - năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thế giới công nhận như một nhà cách mạng, một lãnh tụ dân tộc có tư chất và tầm vóc một danh nhân văn hóa.
bachotaiphuchutich64130102pm-1723992509.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh chụp ngày 15/5/1957). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, Tổ chức Văn hóa - Giáo dục - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới. Vậy là cùng với Nguyễn Trãi - thế kỷ XV, Nguyễn Du - thế kỷ XIX, Hồ Chí Minh - thế kỷ XX là người thứ ba, ở tư cách đại diện của dân tộc Việt Nam đứng vào hàng ngũ những Danh nhân văn hóa thế giới.

Quê hương Nguyễn Ái Quốc là Kim Liên - Nam Liên, là Nam Đàn, là Nghệ An, là Nghệ Tĩnh. Có lúc còn là Khu Bốn, và Khu Bốn cũ. Nhưng quê hương Nguyễn Ái Quốc cũng là Việt Nam. Từ người dân làng Sen, người dân Nghệ An, rồi xứ Nghệ, đến người có quốc tịch Việt Nam, ai mà không có trong mình niềm tự hào là “đồng hương” với Nguyễn Ái Quốc.

Ở những địa danh trên, ranh giới chỉ là tương đối; co lại cho thật hẹp là Kim Liên, hoặc mở ra cho thật rộng thành Việt Nam, xét trong mối quan hệ với Nguyễn Ái Quốc, tất cả đều có tên chung là Quê hương. Đấy cũng là nét đặc thù của một thời đại có tên chung là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại mà mục tiêu bao trùm của toàn dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Khi đất nước còn bị nô lệ thì quê hương lớn là Tổ quốc. Ở cách xa một nửa vòng trái đất, mà nhìn về xứ sở, trên cả ba miền, đối với bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, Tổ quốc - đó là Quê hương lớn của mọi Quê hương. 

b8-960-x-606-1723992631.jpg
Ngôi nhà này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời và gắn bó những năm tháng tuổi thơ. Ảnh: Internet

Những nỗi “sầu xứ” (nostalgie), thường là đề tài cho biết bao áng thơ văn bất hủ. Những nỗi sầu xứ chưa bao giờ gián đoạn trong lịch sử thơ văn: 

Gác mái ngư ông về viễn phố 

Gõ sừng mục tử lại cô thôn Ngàn mai gió cuốn chim bay mãi 

Dặm liễu sương sa khách bước dồn 

(Bà Huyện Thanh Quan) 

Suốt mấy chục năm xa quê, hẳn đã đến với Nguyễn Ái Quốc biết bao nỗi sầu của người biệt xứ. Nhưng với Nguyễn Ái Quốc dường như không có nỗi đau riêng. Hay nói cách khác, nỗi đau của Nguyễn Ái Quốc có những kích thước riêng. Đó là nỗi đau bao trùm, lớn ngang nỗi đau của Tổ quốc, của đồng bào. Ngay trong cảnh tha hương, cách xa Tổ quốc một nửa vòng trái đất, Nguyễn Ái Quốc vẫn không tách mình ra khỏi một số phận lớn hơn: “Bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp, và trong số ấy tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên đất nước quê hương..” (Thuế máu, Bản án chế độ thực dân Pháp). 

Còn hai mươi lăm triệu đồng bào quê hương thì vẫn trong thân phận “người dân bản xứ” - người mất quê hương - để đối lập với thế giới “văn minh”, thế giới “những người khai hóa”. 

Đối với người cách mạng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại của sự thống trị của văn minh đối với lạc hậu, của thành thị đối với nông thôn, của phương Tây đối với phương Đông, như cách nói của Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tổ quốc bị nô lệ không cô lập mà gắn với thế giới nô lệ, thế giới của những người da màu trên khắp các lục địa. Với Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước, đồng thời là người quốc tế vô sản chân chính từ những năm hai mươi. Đúng như nhận xét của nhà thơ Cuba - Rơnê đơ Pêstre: “Trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở Angiêri, ở Tuynidi, ở Công gô, người bị áp bức ở quần đảo Antidát hoặc ở “miền Nam già cỗi” của nước Mỹ, đều có một người nhiệt thành bênh vực mình”. 

lang-sen-que-bac-960-x-640-1723992509.jpg
Cụm Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Trong một thế giới phức tạp và đầy biến động thì việc nhìn nhận bạn - thù phải là động tác hàng đầu của sự tìm đường. Và Nguyễn Ái Quốc đã reo lên sung sướng khi được đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin mà ông xem là chiếc cẩm nang thần kỳ. Chính chiếc cẩm nang này rồi sẽ đưa Nguyễn Ái Quốc vượt bao đại lục và đại dương về với đất nước, từ thế giới về với quê hương. 

Nhưng dẫu mở rộng ra cho đến đâu, trong bước chân và tầm nhìn của “Người đi tìm hình của nước”, như cách nói của Chế Lan Viên, con người mang rất nhiều tên gọi đó đã dừng lại ở cái tên Nguyễn Ái Quốc - Người yêu nước họ Nguyễn. Cũng cái tên đó trở thành niềm hy vọng của cả dân tộc. Cả một dân tộc không lúc nào không ngóng về phương xa, đón nhận trong các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc một sức mạnh tinh thần cho mình trong một cuộc chiến, mãi đến lúc này mới thực sự gắn với niềm tin vào thắng lợi. 

Và để gộp lại, Nguyễn Ái Quốc đã phải dành trọn 30 năm mới có thể đặt chân lên mỏm đất địa đầu Tổ quốc là Pắc Bó. Rồi phải gần 20 năm nữa ông mới chính thức về thăm quê, theo nghĩa gốc, nơi cắt rốn chôn rau. Ở thời điểm 1957 lịch sử này, nhìn về điểm xuất phát và ngày lên đường của chàng trai Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đã mất trọn 50 năm:

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. 

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cùng mấy chục tên gọi khác nữa, con người ra đi bằng bước chân lịch sử đã về với Tổ quốc Việt Nam, đã đến với tất cả mọi thế hệ chúng ta bằng cái tên chung - Bác Hồ. Ở hầu hết các lãnh tụ của nhân dân khắp mọi nơi trên thế giới và trong lịch sử, hẳn chưa ai có cách gọi, tên gọi như thế. Với cách gọi và tên gọi ấy, khi đến với Bác Hồ, mỗi thành viên của dân tộc, và không chỉ riêng cho dân tộc, mà còn nhiều bạn bè của nhân loại, đã tìm được nhau, và nhận ra nhau; cả một dân tộc như được thu nhỏ trong một tổ ấm gia đình.

GS. Phong Lê