Con người bẩm sinh là nghệ sĩ. Nhưng suốt trường kỳ lịch sử, cho đến nay, những vật lộn trong sinh tồn, vì miếng cơm manh áo cho mỗi người, hoặc vì Độc lập Tự do cho cả một dân tộc... đã làm tiêu mòn hoặc hủy hoại biết bao khả năng và ham muốn ấy. Muốn có một hoàn cảnh nhân đạo phải nhân đạo hóa hoàn cảnh. Nhưng đáng buồn thay, cho đến nay, cuộc chiến cho một hoàn cảnh thực sự có tính nhân đạo, đối với toàn thể nhân loại còn là một câu hỏi lớn.
Nhưng con người trong hành trình theo đuổi mục tiêu đầy gian khổ và hy sinh, lại đã tìm được sự bù đắp ở bẩm sinh nghệ sĩ của mình. Và với Hồ Chí Minh, chúng ta có một tấm gương thật kiểu mẫu. Ba mươi năm xa đất nước, trong thân phận một người dân nô lệ, “hai lần bị bắt, hai lần bị án tử hình, hai lần có tin chết” phải thay tên đổi họ đến hàng trăm lần, chúng ta có quá ít tư liệu về con người này. Do vậy mà tất cả những gì đã được gom nhặt và lưu lại về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh càng đáng quý. Hãy thử hình dung nếu vì một ngẫu nhiên nào đó của lịch sử để không có Nhật ký trong tù! Hồ Chí Minh không phải vào tù! Hoặc vào tù trong một tình huống khác! Hoặc giả, điều không may, tập thơ chưa được phát hiện, hoặc mất vĩnh viễn, không đến tay chúng ta! Lúc ấy ta mới nhận thấy rõ một sự trống thiếu biết chừng nào. Nếu hình dung cả cuộc đời Hồ Chí Minh như một dòng sông lớn, chảy từ nguồn ra biển thì Nhật ký trong tù phải chăng có thể xem là một khúc lặng trước lúc đổ ra đại dương. Một khúc sông lặng có xoáy ngầm, nhưng trong suốt tận đáy, để cho ta soi mà nhận ra chân dung Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, và qua Hồ Chí Minh mà nhận ra gương mặt dân tộc. Từ những giả định và so sánh như vậy càng thấy rõ, đã và rồi sẽ còn bao nhiêu thơ ca, hồi ký, truyện ký, hoặc kỷ niệm về Hồ Chí Minh, nhưng tất cả vẫn không thể thay được giá trị của tập thơ. Nhật ký trong tù do vậy, có một vị trí đặc biệt, trong cuộc đời hoạt động và trên hành trình thơ văn của tác giả.
Một cuộc đời phong phú, sôi động. Người đã sống giữa dòng thác cuộn xoáy của một thời đại đầy biến cố. Người chứng kiến cuộc “giao ban” của hai thế kỷ sôi sục những cuộc tìm kiếm, không nản lòng, không sợ hy sinh của bao thế hệ cha anh. Người từng trải hai cuộc chiến tranh thế giới, lôi cuốn cả nhân loại vào vòng binh lửa. Người đã đi qua hai cuộc cách mạng có tầm thế giới, một ở phần đất châu Âu mênh mông, và một ở chính ngay trên Tổ quốc.
Không phải chỉ sống và chứng kiến. Người còn tham gia và thúc đẩy. Ở cuộc cách mạng thứ nhất vào tháng 11/1917, Nguyễn Ái Quốc là người dân số một của phương Đông lòng đầy ngưỡng vọng tìm đường đến nơi phá vỡ một mắt xích của chủ nghĩa đế quốc, bất chấp bao ngăn trở, bủa vây. Ở cuộc thứ hai, vào tháng 8/1945, Hồ Chí Minh là chỉ huy khai lối, mở đường dẫn cả một đội quân đông hàng triệu tấn công vào thành trì của chủ nghĩa thực dân đang tan rã.
Con người ấy - năm 1919, gây một chấn động lớn ở phương Tây bằng bản yêu sách tám điểm ở Hội nghị Véc-xây; và những năm hai mươi bằng mọi hoạt động của mình nhằm làm cho phương Tây hiểu được thực chất những vấn đề dân tộc và thuộc địa; và đánh thức phương Đông vươn dậy tìm đường giải phóng cho mình. Con người ấy - con người phương Đông, do giác ngộ chủ nghĩa Marx-Lenin sớm nhất mà gắn được sâu sắc vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp; và do có nhãn quan giai cấp mà có tầm nhìn nhân loại, tầm nhìn thế giới, biết gắn bó số phận các dân tộc bị áp bức lại với nhau trong một cuộc đấu tranh chung.
Con người ấy, ở thời điểm 1919, khi còn trong thân phận người dân mất nước, trong vị trí người thanh niên đi tìm đường, qua con mắt của Arnoux - viên Chánh mật thám Đông Dương: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Và ở thời điểm 1969, đúng tròn nửa thế kỷ sau, khi vĩnh biệt đồng bào, đồng chí ra đi, cả một sự nghiệp lớn đã được tạo dựng, trong lời của Gớt Hồn - Tổng bí thư Đảng cộng sản Mỹ: “Người là nhà kiến trúc và tạo hình, tạo nên quá trình cách mạng thế giới”.
Con người ấy, cả một cuộc đời hành động; và việc viết, cũng quá trình viết gắn hữu cơ với hành động; là một bộ phận chuẩn bị và khơi nguồn cho hành động. Ở một cuộc đời như vậy, phong phú và sôi động, chứa chan bao suy tư và tình cảm lớn, là một nguồn chất liệu vô tận cho sáng tạo thơ ca.