“Thân chạm, tâm chạm, trí mở” cùng múa đương đại

Từ một sinh viên sư phạm Toán đam mê nghệ thuật đến một giáo viên dạy bộ môn Cảm xúc - Xã hội thông qua các hình thức Nghệ thuật biểu đạt cụ thể là múa đương đại, ở tuổi 24, anh Trương Hồ Tân đã và đang truyền cho cảm hứng cho nhiều người theo đuổi bộ môn này như một cách thức để nâng cao sức khỏe và phát triển kỹ năng xã hội.

Từng là huấn luyện múa cố vấn xây dựng chương trình và biên đạo các tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ Kịch Sân khấu Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện tại anh Trương Hồ Tân là giảng viên dạy bộ môn Cảm xúc - Xã hội thông qua các hình thức Nghệ thuật biểu đạt cho một trường tiểu học tại Hà Nội. Giáo dục cảm xúc xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) là một phương pháp giáo dục nhằm phát triển các kỹ năng cảm xúc và xã hội của cá nhân, từ đó giúp họ có khả năng kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh. Bộ môn SEL ứng dụng múa đương đại đặc biệt ở chỗ, nó thiên về khám phá cách thức chuyển động cơ bản của các bộ phận trên cơ thể. Từ đó, phối kết hợp để tạo ra những chuyển động phức tạp nhằm biểu đạt suy nghĩ hoặc truyền tải thông điệp nào đó. “Nói một cách đơn giản, học múa đương đại như việc mình học cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt bản thân và giao tiếp xã hội”, anh Tân mở đầu phần chia sẻ với chúng tôi bằng sự giới thiệu về bộ môn SEL và hành trình bén duyên, theo đuổi nghệ thuật và quan điểm của bản thân trong việc sáng tạo các tác phẩm.

mua-duong-dai-3-1717743011.jpg
Bộ môn Cảm xúc - Xã hội (Social Emotional Learning - SEL) thông qua các hình thức Nghệ thuật biểu đạt dưới sự hướng dẫn của anh Trương Hồ Tân. Nguồn: Nhân vật cung cấp

Khơi nguồn cảm hứng

PV: Từng là một sinh viên sư phạm, cơ duyên nào đã đưa anh đến với đến công việc giảng dạy bộ môn Cảm xúc - Xã hội thông qua hình thức múa đương đại?

Anh Trương Hồ Tân: 5 năm trước lựa chọn ngành sư phạm toán - tiếng anh bởi mình có niềm đam mê với toán, với ngôn ngữ và niềm yêu thích với việc truyền đạt và gợi mở cho người khác điều gì đó mới mẻ. Thế nhưng đồng thời mình cũng có niềm yêu thích nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật múa. Mình tự hỏi bản thân “Liệu rằng có điểm giao nào giữa giáo dục và nghệ thuật hay không. Hay một người làm giáo dục thì không được bay bổng, một người bay bổng thì không thể ở trong môi trường giáo dục”

Trên hành trình lân la tìm kiếm điểm giao giữa nghệ thuật và giáo dục, mình mình khám phá ra được một phòng tập, nơi dạy cho mình múa theo cách “khai phóng” nhất. Và cũng là một cái duyên khi được gặp chị Lạc Thư, một trong những người tiên phong ở lĩnh vực Kịch Ứng dụng. Đồng hành với chị Thư, mình được học hỏi về sử dụng sân khấu kịch theo cách “khai phóng”. Và chị Thư cũng là người thầy hướng dẫn mình về học tập Cảm xúc - Xã hội (SEL).

Từ những sự gặp gỡ ấy, đến một thời điểm chín muồi, mình nhận được lời mời về một trường tiểu học để dạy SEL cho các bạn nhỏ, nhưng đặc biệt là dạy thông qua các hình thức nghệ thuật biểu đạt trong đó có múa đương đại. Mình đã đồng ý ngay lập tức vì lời mời này quá hấp dẫn, hấp dẫn không phải vì đồng lương mà là vì cơ hội để mình hiện thực hóa lý tưởng tìm điểm giao giữa nghệ thuật và giáo dục của mình.

Thân chạm, tâm chạm, trí mở

PV: Một trong những điểm mạnh của múa đương đại là khả năng tạo ra sự kết nối giữa con người với con người. Theo anh, việc giảng dạy múa đương đại có thể giúp trẻ em phát triển kỹ năng xã hội như thế nào?

Anh Trương Hồ Tân: Múa đương đại đặt trong tương quan với Giáo dục Cảm xúc - Xã hội sẽ giúp trẻ có thể khám phá bản thân và hiểu cách cơ thể của mình biểu lộ cảm xúc bên trong, rồi từ đó biết vận dụng để chăm sóc, và xoa dịu cảm xúc của mình. Như mình có đề cập bên trên, múa đương đại hướng dẫn sử dụng loại ngôn ngữ đặc biệt của cơ thể, vì vậy khi có thêm một hệ thống ngôn ngữ mới, trẻ sẽ có nhiều va chạm hơn với thế giới xung quanh ở những khía cạnh khác biệt hơn. Đó cũng là một biểu hiện của sự phát triển vốn kỹ năng xã hội của trẻ.

PV Vậy với cá nhân anh, múa đương đại đã giúp cải thiện thì sức khỏe thể chất và tinh thần của anh như thế nào?

Anh Trương Hồ Tân: Để nói về sự ảnh hưởng của bộ môn này với bản thân, mình sẽ tóm gọn lại trong một câu: “Thân chạm, tâm chạm, trí mở”. Múa không chỉ giúp cơ thể của mình mềm mại, linh hoạt mà còn giúp mình kết nối với cơ thể vật lý của mình, từ đó giúp mình có ý thức dò xét, lắng nghe những nhu cầu của cơ thể để nhanh chóng can thiệp và chữa lành những tổn thương. “Tâm chạm” là bởi khi cơ thể vật lý khỏe mạnh thì tinh thần cũng theo đó mà sảng khoái hơn rất nhiều. Như vậy những khi đang trong trạng thái bế tắc, căng thẳng, việc thay đổi trạng thái cơ thể sẽ giúp thay đổi được một phần cảm xúc của mình. “Trí mở” ở đây là khi mình cảm thấy thỏa mãn khi được nói lên cảm xúc của bản thân nhưng thay vì nói bằng ngôn ngữ bình thường, mình nói ra bằng ngôn ngữ cơ thể.

mua-duong-dai-4-1717743358.jpg
Thực hành “Thân chạm, tâm chạm, trí mở”. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hành trình lan tỏa

PV: Trong quá trình kết hợp giữa múa đương đại và giảng dạy tâm lý xã hội cho trẻ em tiểu học, anh đã gặp phải những khó khăn gì và làm thế nào để anh vượt qua những thách thức đó?

Anh Trương Hồ Tân: Tuy cơ thể là khối vật chất gần gũi nhất với mỗi người nhưng để hiểu và giao tiếp được với chính cơ thể của mình là một quá trình thực hành đòi hỏi sự kiên nhẫn và chú tâm cao độ. Thực hành múa với người lớn đã khó, với trẻ con lại càng thử thách hơn.

Đối với trẻ, vốn từ ngữ và cách diễn đạt nằm ở một phạm vi rất khác so với người lớn nên thách thức cho người dạy là phải “nói được ngôn ngữ của trẻ” thì mới mong kết nối với trẻ. Vì vậy mình đã cố gắng để tạo được cảm giác “chúng ta là bạn” cho trẻ, thì những hướng dẫn sau đó mới thấm vào trẻ một cách tự nhiên và trọn vẹn nhất.

mua-duong-dai-2-1717743011.jpg
 
mua-duong-dai-1-1717743012.jpg
Anh Tân đang tận tình hướng dẫn các bạn học sinh. Nguồn: Nhân vật

PV: Đâu sẽ là yếu tố quyết định khiến người ta lựa chọn bộ môn này thay vì hàng ngàn sự lựa chọn khác để thư giãn, giải tỏa căng thẳng trong thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển như hiện nay?

Anh Trương Hồ Tân: Yếu tố quyết định đó là những giá trị về sức khỏe thể chất và tinh thần mà múa đương đại đem lại. Trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, dù là giới trẻ, “giới không trẻ” hay “giới mầm non” thì phải công nhận một hiện thực rằng nhà nhà, người người đều quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Do đó, dù ít dù nhiều thì đưa mục “chăm sóc tinh thần” hay gọi theo trend là “chữa lành” rất nên được cân nhắc trong “must do list” (những việc phải làm).

PV: Trong thời gian tới, anh có kế hoạch gì để có thể ngày lan tỏa bộ môn này đến với đông đảo khán giả hơn?

Anh Trương Hồ Tân: Hiện tại, mình ấp ủ lan tỏa những gì mình đang có, đang thực hành và đang dạy cho trẻ đến nhiều tệp người khác nhau trong cộng đồng hơn. Mục tiêu lớn nhất của việc dạy SEL là kiến tạo một hệ sinh thái SEL toàn diện. Tuy nhiên cụ thể như thế nào thì mình xin được giữ bí mật (cười…)

Xin chân thành cảm ơn anh!

Nhóm PV