Phân tích quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng xã hội

Lương Đàm
Chiến tranh và cách mạng xã hội là hai hiện tượng chính trị xã hội có quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng đây là quan hệ có điều kiện, chỉ diễn ra trong những không gian, thời gian và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chứ không phải là nguyên nhân, tiền đề của nhau một cách xuyên suốt trong toàn bộ lịch sử.
screenshot-4-1699886694.png
Chế độ chiếm hữu nô lệ là chế độ có giai cấp đầu tiên trong xã hội loài người, thành phần xã hội chính của chế độ đó là các chủ nô và nô lệ. Ảnh: Internet.

Chiến tranh xuất hiện ngay từ khi có phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, còn một cuộc cách mạng xã hội với đầy đủ ý nghĩa và hình hài của nó chỉ xuất hiện trong thời đại cách mạng tư sản. Nhìn chung, các cuộc cách mạng xã hội với tính cách là quá trình chuyển hóa từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác tiến bộ hơn đều mang lại cho chiến tranh những sắc thái mới.

Tác động của cách mạng xã hội đến chiến tranh thể hiện ở sự tạo ra tiềm lực xã hội và khả năng đáp ứng mới. Cuộc cách mạng nào cũng bắt đầu từ sự xóa bỏ quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu, xác lập một quan hệ sản xuất tiến bộ mở đường, giải phóng cho sự phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, trong đó có người lao động, công cụ lao động, kế cấu hạ tầng dân sinh, phương tiện giao thông, công trình công cộng...

Khi lực lượng sản xuất phát triển, của cải xã hội tăng lên, chiến tranh không những huy động được nhiều hơn lực lượng tham chiến, mà còn rèn giũa được những con người thông minh, tài trí hơn, kỷ luật hơn tham gia quân đội cũng như các lực lượng phục vụ chiến tranh. Chính cuộc cách mạng tư sản đã giải phóng người nông nô khỏi các điền trang thái ấp, mang lại cho họ cảm hứng tự do để được lôi cuốn vào các cuộc chiến tranh do giai cấp tư sản lãnh đạo.

Và cuộc cách mạng vô sản với tính cách mạng triệt để, sâu sắc, toàn diện nhất đã tạo ra hàng triệu, hàng triệu quần chúng anh dũng, thông minh, giành thắng lợi vang dội trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội còn tạo ra một nền sản xuất mới cho phép sản xuất hàng loạt các loại vũ khí, trang bị quân sự cùng hệ thống đường sá, bến cảng, kho tàng, phương tiện giao thông... có chất lượng, cho phép hình thành, phát triển những phương thức tiến hành chiến tranh mới.

1-2638318560206729637-1699886547.jpg
Năm 1871, Công xã Pari - một tổ chức nhà nước kiểu mới lần đầu tiên của giai cấp vô sản trong lịch sử loài người đã chính thức ra đời. Ảnh: Internet.

Trên thực tế, có những cuộc cách mạng cũng làm nảy sinh chế độ chính trị - xã hội mà trong đó, giai cấp lãnh đạo gắn lợi ích của mình với việc làm cho chiến tranh bùng phát mạnh mẽ cả về quy mô và cường độ, đẩy nhân loại đến miệng hố của sự diệt vong. Giai cấp tư sản khi nhảy lên vũ đài chính trị và phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc chính là thủ phạm gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người, làm thương vong hàng trăm triệu người khác.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại cũng do thủ phạm không ai khác ngoài giai cấp tư sản - người lãnh đạo cách mạng tư sản và đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Chỉ có cuộc cách mạng vô sản mà kết quả cuối cùng của nó là chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới mới là người đào mồ chôn chiến tranh, đưa hiện tượng chiến tranh trở thành dĩ vãng.

Tác động của chiến tranh đến cách mạng xã hội luôn mang tính lịch sử - cụ thể. Đương nhiên, cách mạng xã hội trong thời đại ngày nay chỉ có thể là cách mạng vô sản. Tính lịch sử - cụ thể về sự tác động của chiến tranh đến cách mạng xã hội không chỉ thể hiện trong tổng thể tính chất xã hội của chiến tranh, mà còn là tính lịch sử - cụ thể của nhân tố chủ quan, hoạt động của các chủ thể trong tuyên truyền, giáo dục tính chất xã hội của chiến tranh đối với quần chúng nhân dân.

Đối với các nhà nước của giai cấp thống trị bóc lột, khi tiến hành các cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng là khi mâu thuẫn đối kháng trong xã hội vốn đã gay gắt lại càng gay gắt, phức tạp hơn. Điều đó làm xuất hiện tình thế và thời cơ của cách mạng vô sản. Trong điều kiện này, theo V.I. Lênin, hành động duy nhất đúng của giai cấp vô sản là “biến nội chiến thành chiến tranh cách mạng”. Tuy nhiên, sự vận động của các mâu thuẫn đối kháng theo chiều hướng tăng lên hay giảm đi, tình thế, thời cơ cách mạng có xuất hiện hay không xuất hiện còn phụ thuộc rất lớn vào cuộc đấu tranh của những người cộng sản với chính phủ phản động.

v-le-nin-17-00-05-951-1699886862.jpg
V.I. Lênin. Ảnh: Internet.

Nếu những người cộng sản đập tan được luận điệu tuyên truyền phản động của giai cấp thống trị, làm cho nhân dân thấy rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh tư sản, thổi bùng lên trong họ lòng căm thù, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cách mạng thì tình thế, thời cơ cách mạng vô sản sẽ xuất hiện và phát triển. Ngược lại, nếu những người cộng sản không đánh bại được các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của giai cấp thống trị về tính chất xã hội của cuộc chiến tranh tư sản, để cho nhân dân bị lầm tưởng là đang hy sinh vì một cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì tự do, đạo lý cao cả... thì không những vị trí, vai trò của giai cấp thống trị được củng cố, tình thế cách mạng không xuất hiện mà các tổ chức cách mạng, những người cộng sản còn bị đàn áp, phong trào cách mạng lâm vào thoái trào.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, cách mạng vô sản tuy vẫn là tất yếu, tiềm năng vẫn không ngừng phát triển, song chưa xuất hiện những tiền đề trực tiếp để nổ ra và giành thắng lợi. Trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ở thế thượng phong, phong trào cách mạng thế giới đang lâm vào thoái trào, tại các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu, khi tiến hành chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, can thiệp của chủ nghĩa đế quốc thậm chí còn phải đối đầu với sự xuất hiện tình thế và thời cơ phản cách mạng.

Điều này một mặt do âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chủ nghĩa đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược kết hợp với “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ, mặt khác cũng minh chứng cho sự tác động sâu sắc, phức tạp của chiến tranh hiện đại tới các nền chính trị. Đây chính là bài học cảnh giác cho các đảng cộng sản, giai cấp công nhân khi lãnh đạo chuẩn bị, tiến hành, kết thúc cuộc chiến tranh chống xâm lược, nhất là bài học về tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh này.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến