Những khả năng xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra ở Việt Nam (Phần 2)

Lương Đàm
Các cường quốc đế quốc có thể sẽ tạo cớ tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn theo lý luận “tác chiến liên hợp”, “tác chiến phi đối xứng” (như đã diễn ra ở chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và chiến tranh Irắc năm 2003).
ttxvn-co-dong-1710252930.jpg
Một tác phẩm thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và quân đội 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Mở đầu chiến tranh sẽ là đòn tiến công hoả lực đường không và tác chiến điện tử. Nếu đòn tiến công hoả lực đường không chưa đạt được mục tiêu chiến lược đã xác định, chúng sẽ sử dụng lục quân để thực hiện các chiến dịch tổng hợp tiến công trên bộ. Chúng có thể tổ chức các hướng mũi tiến công trên bộ từ phía Tây nếu thao túng được Lào, Campuchia, phối hợp với đổ bộ đường biển và đổ bộ đường không, đồng thời kết hợp với bạo loạn lật đổ bên trong để đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của đất nước, đạt mục đích chính trị của chiến tranh xâm lược.

Như vậy, trong tương lai, đối với Việt Nam có khả năng là các cường quốc đế quốc chỉ dừng ở việc tiến hành một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” hoặc cuộc “chiến tranh không trực tiếp tiếp xúc”, nhưng chúng ta cũng không xem nhẹ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh trên bộ sau đòn tiến công hoả lực đường không. Đồng thời với các hoạt động quân sự, địch sẽ tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý... và các hoạt động ngoại giao, bao vây, phong toả ta ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh.

Đối với các cường quốc khu vực, châu Á Thái Bình Dương được họ coi là trọng điểm chiến lược để tập trung “quốc lực tổng hợp” nhằm nhanh chóng vươn lên thành cường quốc thế giới. Với quan điểm xuyên suốt luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, họ cũng có nhu cầu quan hệ với Việt Nam theo tinh thần láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Song, để giữ ổn định trong khu vực và ngăn chặn ý đồ của các cường quốc đế quốc trong chiến lược toàn cầu, nhất là ý đồ dùng Việt Nam làm bàn đạp để “xoay trục”, họ sẽ bằng mọi cách ép Việt Nam đi theo con đường chịu sự chi phối của họ.

Các cường quốc khu vực hiện nay đang nỗ lực để trở thành cường quốc biển, thậm chí từng bước thực hiện những mưu đồ độc chiếm biển Đông. Chủ trương chiến lược “tiến ra biển” của họ là “vừa ép, vừa đe, vừa xoa, vừa lấn” theo kiểu “gặm nhấm”, không những không nhân nhượng hoàn trả ta chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa mà còn thực hiện chính sách chia rẽ, kiềm chế ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào, Campuchia và Đông Nam Á.

screenshot-2-1710252930.png
“Đường lưỡi bò” phi pháp. Ảnh: Internet

Việt Nam từng được coi và sẽ tiếp tục được coi là trở ngại chính trong việc thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò chín khúc”. Đây là những mâu thuẫn về lợi ích chiến lược khó dung hoà, nếu ta phạm sai lầm trong xử lý các tình huống chiến lược, thì chiến tranh rất có khả năng xảy ra. Trước mắt, khả năng gây chiến tranh với quy mô lớn, đánh chiếm toàn bộ Biển Đông ít có thể xảy ra trong vài năm tới, nhưng phải đề phòng các tình huống xung đột vũ trang với quy mô nhỏ và vừa trên Biển Đông, có thể xảy ra các khả năng dưới đây.

Đối phương răn đe quân sự hoặc tạo cớ gây xung đột quân sự hòng ép chiếm tiếp một số đảo ở Trường Sa và khu vực DK1... Đây là khả năng dễ xảy ra nhất, nằm trong ý đồ từng bước khẳng định chủ quyền “đường lưỡi bò chín khúc” của họ trên thực tế, khi ta sơ hở, mất cảnh giác hoặc sai lầm trong xử lý một số vấn đề về chiến lược.

Thủ đoạn có thể là lợi dụng ta đấu tranh ngăn cản họ thăm dò, hạ đặt giàn khoan trái phép để chủ động khiêu khích (đâm va, sử dụng vũ khí nhẹ trên các tàu bảo vệ) và tạo cớ sử dụng vũ lực; sử dụng vũ khí mạnh trên các tàu bảo vệ bắn cháy, bắn chìm các tàu của ta đang đấu tranh ngăn cản tại hiện trường; sử dụng hải quân, không quân sẵn sàng tiến công lực lượng chi viện từ bờ của ta, có thể sử dụng không quân đánh phá một số đảo ven bờ.

Thủ đoạn hỗ trợ là kết hợp với hoạt động vu cáo ta trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây sức ép ngoại giao, gây rối trên các tuyến biên giới, hoặc lợi dụng tình hình an ninh nội địa của ta có biến động. Rất có thể họ sẽ gây xung đột quy mô nhỏ đồng thời ở cả hai tuyến biên giới và biển để phân tán lực lượng ta, tạo thời cơ đánh chiếm một số đảo của ta ở Trường Sa và khu vực DK1.

nha-gian-dk1-cot-moc-chu-quyen-tren-vung-bien-phia-nam-4-1562371220241214877892-1710252929.jpg
Nhà giàn DK1 giữa biển khơi. Ảnh: Báo Tổ Quốc

Đối phương đánh chiếm một số đảo, cụm đảo của ta ở Trường Sa. Đây là khả năng rất có thể xảy ra, nhất là khi ta sơ hở, mất cảnh giác, phạm sai lầm, lực lượng quân sự không đủ mạnh; hoặc khi đối phương thoả hiệp được với một số nước trong khu vực, nhất là với một số nước lớn; cũng có thể đối phương lợi dụng các sự kiện chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội... quan trọng diễn ra trong quan hệ hai nước, các sự kiện diễn ra trong khu vực và trên thế giới để phỉnh mị dư luận trong nước và quốc tế.

Thủ đoạn có thể là: đưa tàu thăm dò, giàn khoan xâm chiếm, lấn chiếm vùng biển của ta để tạo cớ sử dụng vũ lực; sử dụng lực lượng đặc nhiệm bí mật đánh chiếm đảo; sử dụng lực lượng hải quân đánh bộ được chi viện hoả lực của hải quân, không quân đánh chiếm đảo, cụm đảo; sử dụng không quân đánh phá các căn cứ, kho tàng, tiến công một số đảo lớn, căn cứ ven bờ, còn hải quân bao vây phong toả (bằng hoả lực, thuỷ lôi, tàu ngầm...) ngăn chặn sự chi viện từ bờ của ta.

Đặc biệt, rất có thể họ sử dụng một bộ phận lực lượng vũ trang uy hiếp trên tuyến biên giới, hỗ trợ cho đánh chiếm Trường Sa. Các thủ đoạn hỗ trợ có thể là: tăng cường vu cáo ta trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, kích động tổ chức các hoạt động phá hoại gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự nội địa của ta, từ đó tạo cớ để hành động.

Mục đích chủ yếu của loại hoạt động này là đánh chiếm một số đảo có lực lượng của ta, mở rộng khu vực chiếm đóng, tạo thế xen kẽ trên biển, phá vỡ, làm suy yếu thế trận phòng thủ của ta, khống chế, kiểm soát vùng biển, vùng trời trên biển, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận yêu sách của họ, đồng thời răn đe các nước trong khu vực, thực hiện một bước quan trọng trong thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến