Những khả năng xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra ở Việt Nam (Phần 1)

Lương Đàm
Mặc dù những năm tới chiến tranh lớn ít có khả năng xảy ra ở Việt Nam, nhưng nếu để xảy ra xung đột vũ trang với quy mô nhỏ, cũng có thể dẫn đến mất chủ quyền lãnh thổ, mất chế độ.
08-10-2022-nhan-dien-dau-tranh-voi-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-trong-noi-bo-891bd492-details-1710252211.jpg
Các thế lực thù địch, phản động đã dùng công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá. Ảnh: Internet

Tệ hại hơn, nếu chúng ta để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xử lý tình huống chiến lược phạm sai lầm, các nước lớn thỏa hiệp với nhau; Lào, Campuchia xảy ra biến động xấu... thì không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng phát động chiến tranh quy mô lớn.

Đối với các cường quốc đế quốc, việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đã tạo môi trường cho những bước phát triển tích cực cả về chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Vai trò của Việt Nam ngày càng được coi trọng trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc. Song cũng thông qua quan hệ song phương hoặc đa phương với Việt Nam, không thể không nhận ra mục tiêu chiến lược khu vực và toàn cầu của các cường quốc, kể cả sự tính toán nhằm “chuyển hoá” Việt Nam đi theo quỹ đạo của họ.

Nếu Đảng và Nhà nước ta xử lý các mối quan hệ quốc tế này không tốt, chẳng hạn như công khai thực hiện chính sách đối đầu trên các diễn đàn quốc tế, khu vực; hoặc nếu nội bộ ta bị phân hoá, lực lượng phản động bên trong phát triển đủ mạnh... thì rất có thể xuất hiện các động thái bất lợi dưới đây.

Bạo loạn chính trị có thể phát triển thành bạo loạn vũ trang, tiến tới một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” lật đổ chế độ ta. Nếu trong đời sống xã hội hội tụ đầy đủ các điều kiện để dẫn đến bạo loạn chính trị ở một vùng hoặc một số vùng và chúng ta xử lý sai lầm về chiến lược, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng kích động rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo, dân tộc, vi phạm tự do, nhân quyền... để tập hợp lực lượng. Dưới sự bảo trợ của các cường quốc đế quốc và sự hậu thuẫn của các lực lượng đồng minh, có thể chúng sẽ sử dụng lực lượng vũ trang tiến công vào các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự của ta, hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền.

screenshot-1-1710252381.png
Cuộc chiến tranh Côxôvô là cuộc chiến xung đột giữa người Serbia và lực lượng an ninh Nam Tư cũ với một bên là Quân giải phóng Côxôvô tự xưng và các cộng đồng người thiểu số đòi ly khai Nam Tư. Ảnh: Quora.

Các cường quốc đế quốc có thể chỉ tham gia can thiệp ở mức độ hạn chế bằng sức mạnh kinh tế, tài chính, tạo dư luận, gây sức ép với các tổ chức quốc tế và khu vực, cô lập nước ta, tập hợp lực lượng và hỗ trợ đồng minh cho các lực lượng đối lập trong tiến hành chiến tranh. Đó chính là phương thức không trực tiếp tham chiến mà vẫn đạt được mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta với chi phí chiến tranh thấp. Họ sẽ không bị tổn thất về người và không bị sa lầy, không phải giải quyết hậu quả chiến tranh như các cuộc chiến tranh trước đây và cũng ít chịu sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, do núp bóng dưới danh nghĩa của Liên hợp quốc và chiêu bài “chống độc tài”, “bảo vệ dân thường vô tội.

Ngoài ra, nếu ta công khai đối đầu và trong trường hợp không xây dựng được lực lượng gây bạo loạn từ bên trong, các cường quốc đế quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tranh không trực tiếp tiếp xúc. Chúng chỉ dùng các đòn tiến công hoả lực đường không trong một thời gian nhất định, vừa đánh vừa ra yêu sách buộc ta phải chấp nhận các điều kiện chính trị do chúng đặt ra (như đã làm ở Côxôvô trong cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999).

Đòn tiến công hoả lực đường không nhằm vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế không chỉ phá huỷ tiềm lực chiến tranh của đất nước mà còn đánh cả vào tâm lý, ý chí kháng chiến của toàn dân, gây hoang mang, dao động, khiếp sợ trước sự tàn phá và những mất mát, thương vong do bom đạn gây ra. Đồng thời, chúng kết hợp với các hoạt động biểu tình, gây bạo loạn của lực lượng phản động trong nước, tuyên truyền kích động nhân dân lên tiếng chỉ trích, ép buộc Nhà nước ta phải chấp nhận các điều kiện do chúng đưa ra để kết thúc đòn tiến công hoả lực đường không trong thắng lợi.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến