Những điều chưa kể về “cuộc rút lui thần kỳ” của Trung đoàn Thủ đô (Phần 1)

Lương Đàm
Cuộc rút quân thắng lợi của Trung đoàn Thủ đô ngày 17 và 18 tháng 2 năm 1947 là một trong những chiến công lớn trong sáu mươi ngày đêm Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
20161216091143-9-ban-hung-ca-va-cuoc-rut-lui-than-ky-cua-trung-doan-thu-do-1687253897.jpg
Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội về căn cứ kháng chiến, tháng 2-1947. Ảnh tư liệu

Sau trận Đồng Xuân, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút lên chiến khu để bảo toàn lực lượng. Trong vòng vây trùng điệp của quân Pháp, ta đã tổ chức đưa hơn 1.200 người, cả bộ đội và nhân dân, có già, có trẻ, có thương binh ra vùng tự do “quân không thiếu một người, súng không thiếu một cây”, lập nên một chiến công thần kỳ, một thắng lợi to lớn, một sự kiện rất đặc sắc hiếm có trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta.

Qua gần sáu mươi ngày đêm chặn bước quân thù, cho đến ngày 14 tháng 2 năm 1947, Trung đoàn Thủ đô chỉ còn 5 ngày lương thực, trung bình mỗi khẩu súng còn 7 viên đạn, nước uống đã bắt đầu thiếu. Phạm vi phòng thủ của Liên khu 1 thu hẹp dần, chỉ còn trong phạm vi các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Bắc Ninh, Trần Nhật Duật, Hàng Chiếu, Hàng Gà, Hàng Da. Trong khi đó, địch chờ tiếp viện và chuẩn bị một cuộc tiến công mới.

Trước tình hình đó, sau khi nhận định lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược “giữ Hà Nội càng lâu càng tốt”, để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, Bộ Tổng Chỉ huy đã đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng cho rút Trung đoàn Thủ đô ra ngoài. Được sự đồng ý, Bộ Tổng Chỉ huy đã lệnh cho Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu 1.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lúc này là rút quân theo đường nào. Đường lên Yên Phụ, Nhật Tân hoặc lên Bác Cổ - Vĩnh Tuy đều có địch đóng dày đặc ở nhiều vị trí. Đường cống ngầm xuống Vĩnh Tuy đã bị địch phát hiện, canh gác và xây chặn. Trong tình thế và thực lực lúc này, ta cũng không thể mở đường máu để đưa hàng nghìn người ra vì nhất định sẽ khó tránh khỏi những tổn thất không thể lường hết được.

Chỉ còn con đường vượt sông Hồng một cách bí mật. Nhưng vượt ở chỗ nào, đường đi cụ thể ra sao, chưa ai hình dung được. Vượt sông Hồng phải qua nhiều nhánh sông, trên cầu địch canh gác, có đèn chiếu sáng, bên Gia Lâm địch đã chiếm. Hơn nữa muốn qua sông phải có thuyền đò, mà thuyền đò chở hàng nghìn người không hề dễ dàng. Đến 23 giờ ngày 15 tháng 2, một tiểu đội liên lạc đặc biệt của tự vệ ta đã đưa được một chuyển hàng vào Liên khu 1 qua sông Hồng theo con đường liên lạc riêng của mình. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Liên khu ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn quyết định bí mật rút theo đường này.

Sông Hồng khi qua địa phận Bắc và Đông Bắc của Hà Nội đã tách ra hai nhánh từ Phú Thượng rồi nhập lại ở phía hạ lưu cầu Long Biên. Nhánh phía Bắc gọi là sông Con, nhánh phía nam gọi là sông Cái. Phía sông Cái là bên bồi nên nhiều chỗ lội qua được vào mùa khô. Hai nhánh sông khép lại tạo nên hai bãi rộng liền nhau như hai hòn đảo giữa sông. Phía Bắc là bãi Tàm Xá, phía nam là bãi Trung Hà, có một nhánh sông chảy giữa hai bãi này.

Trên bãi Tàm Xá có thôn Tàm Xá, Tàm Lạc Tứ Tổng (Tứ Liên) thuộc Liên khu Trúc Lãng. Bãi Trung Hà có khu Phúc Xá thuộc Liên khu 1. Một nửa bãi Phúc Xá phía Nam gọi là bãi Già, một nửa phía Bắc là bãi Non hay bãi Dâu. Ta đã đào một hảo giao thông dọc bãi Trung Hà, từ bãi Già lên hết bãi Non. Nhân dân ngoài bãi Tàm Xá, Trung Hà vốn sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, chài lưới và đóng thuyền “tam bản", và nơi đây chính là căn cứ của Đội tự vệ Hồng Hà cùng Đội liên lạc đặc biệt.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến