Nước ta đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành một nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, hiệu lực quản lý của Nhà nước được nâng lên. Từ một nước bị bao vây cô lập, nước ta đã có quan hệ quốc tế mở rộng, đa dạng với nhiều mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu. Vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao, ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc và sự tiến bộ, công bằng xã hội trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhân tố có thể dẫn đến gây mất ổn định chính trị, xã hội vẫn còn tiềm ẩn. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Nguy cơ phân hóa nội bộ, nhất là ở cấp cao, tâm lý bất mãn xã hội đang tích tụ, dồn nén và tiếp tục gia tăng; nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo còn nhiều mâu thuẫn, rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng gây bất ổn về chính trị, xã hội và mưu toan lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ và mối quan hệ xin - cho vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong vận hành nền kinh tế; cơ chế kiểm tra, giám sát kém hiệu quả gây nên tình trạng tham nhũng, lãng phí lớn, làm thất thoát tài sản của xã hội, gây tổn hại đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mặt trái của cơ chế thị trường đã bộc lộ. Sự phân hóa giàu, nghèo giữa các vùng, giữa các tầng lớp trong xã hội đang diễn ra với khoảng cách ngày càng lớn.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang giàu lên một cách nhanh chóng nhờ tham nhũng và lợi dụng các kẽ hở của luật pháp, và tình trạng thoái hoá, biến chất ấy đã gây nên sự phản cảm trong xã hội. Một bộ phận lớn dân chúng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp dần dần bị mất hết tư liệu sản xuất do quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và quá trình tích tụ ruộng đất đang diễn ra một cách nhanh chóng, trở thành tầng lớp vô sản không việc làm, cuộc sống ngày một khó khăn.
Các chính sách xã hội chậm được đổi mới, cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa phát huy được hiệu quả thực sự, cùng với những bức xúc dạng tích tụ trong đời sống xã hội đã từng bước làm giảm lòng tin của quần chú
ng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.Tình huống chuyển hóa do “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” có tác động trực tiếp đến vấn đề chiến tranh và hòa bình ở nước ta.Những bức xúc xã hội, cùng với những thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch như đã nêu ở trên có thể làm tăng quá trình “diễn biến”, “tự diễn biến” xảy ra ngay trong bản thân mỗi con người, mỗi tổ chức kinh tế, xã hội cụ thể: Từ chỗ mơ hồ về bản chất giai cấp, mơ hồ về ý thức hệ dẫn đến chạy theo lối sống thực dụng, xa rời bản sắc và truyền thống dân tộc, xa rời lý tưởng của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ thoái hóa, biến chất theo cám dỗ lợi ích cá nhân dẫn đến bị các thế lực thù địch lợi dụng để tập hợp lực lượng, kích động bạo loạn chính trị làm cho xã hội mất ổn định. Nếu ta xử lý không tốt, hoặc mắc sai lầm về chiến lược, sẽ có thể dẫn đến nguy cơ nội chiến, tạo cơ hội để các thế lực thù địch can thiệp vũ trang hoặc gây chiến tranh xâm lược.